Con đường phơi nhiễm amiang
Amiang trắng có đặc tính đặc biệt có thể chịu nhiệt, cách điện, chịu bền rất tốt… nên được sử dụng khá phổ biến. Tác hại của amiang trắng với sức khỏe đã được chứng minh. Tuy nhiên, với lợi ích và sự tiện dụng thì amiang trắng vẫn được dùng ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Ngọc Hồng, Trưởng khoa Bệnh phổi nghề nghiệp, Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, amiang trắng có trong các tấm lợp fibro xi măng, công nghiệp chịu nhiệt, vận tải, cơ giới, đường ống dẫn nước…
Amiang có 6 loại được chia làm 2 nhóm: amiang trắng và nhóm amiang khác. Amiang chỉ là tên thương mại, còn bản chất 6 loại này là khác nhau. Loại amiang dùng phổ biến hiện nay trên thế giới và Việt Nam là amiang trắng.
Theo bác sĩ Hồng amiang trắng không chỉ gây bệnh cho phổi mà còn làm tổn thương cho nhiều cơ quan khác trong cơ thể. Do amiang có thể nhiễm qua đường tiêu hóa (ăn uống), tiếp xúc.
Amiang trắng rất dễ hòa tan trong nước. Nếu amiang được sử dụng để làm đường ống dẫn nước có thể hòa tan vào nước và đi vào đường tiêu hóa gây tác hại cho hệ tiêu hoá.
Ví dụ, khi chúng ta đi vào các xưởng làm kính nếu bụi bình thường chỉ tắm rửa là hết. Nhưng bụi amiang khi tắm chúng ta cảm thấy đau hoặc rát da điều này chứng tỏ đã có tổn thương (dị ứng trên da, mụn nhọt, viêm da).
Bác sĩ Hồng cho hay, nên tìm vật liệu thay thế amiang để bảo vệ sức khoẻ.
Amiang tổn thương lá phổi âm thầm
Bác sĩ Hồng cho hay, hít phải amiang không gây ra bệnh cấp tính mà phải sau 5 năm tiếp xúc thường xuyên mới có thể gây ra bệnh bụi phổi.
Trong năm vừa rồi khoa tiếp nhận điều trị cho 2 bệnh nhân mắc bệnh bụi phổi có tiếp xúc với amiang. Cả hai bệnh nhân đều làm công nhân xây dựng tới khám khi có triệu chứng khó thở.
Kết quả khám và chụp phim cho thấy bệnh nhân có hình ảnh điển hình của bệnh bụi phổi amiang.
Bác sĩ Hồng khẳng định: "Amiang gây ra các bệnh lý cho phổi, trong có bụi phổi, ung thư trung biểu mô tế bào phổi đã được nghiên cứu.
Đa phần các trường hợp điều trị tại Bệnh viện Phổi Trung ương do mắc phải bụi phổi, chưa ghi nhận ca bệnh ung thư do amiang".
Khi amiang đi vào cơ thể, bản chất là một dị vật có kích thước to nhỏ khác nhau. Nếu amiang hít vào phổi cơ thể sẽ tự đào thải dị vật đó. Tuy nhiên, các sợi amiang không thể đào thải ra khỏi cơ thể, theo thời gian nó sẽ gây hại cho cơ quan mang dị vật (bụi amiang).
Tại phổi khi hít phải amiang phổi sẽ tăng sinh tế bào xơ (xơ phổi) để bảo vệ trước dị vật. Nếu bụi amiang kích thước càng lớn thì quá trình tăng xơ sẽ diễn ra nhanh hơn.
Quá trình xơ hóa phổi thường diễn ra âm thầm trong thời gian dài khi tiếp xúc liên tục với amiang, diễn biến tiếp theo của quá trình xơ phổi sẽ tiến triển thành ung thư.
Bác sĩ Hồng cho hay, hiện nay người dân bị nhiễm bụi amiang chủ yếu trong nguồn nước uống do ống nhựa có dùng amiang. Nguồn nhiễm thứ 2 là từ tấm lợp fibro xi măng trong quá trình mới lắp và tháo gỡ khi cũ hỏng.
"Về mặt xã hội amiang đem lại rất nhiều lợi ích kinh tế và tiện ích cho người dân. Nhưng về mặt sức khỏe amiang là nguồn gây bệnh cho con người vì vậy chúng ta cũng nên tìm vật liệu thay thế. Tôi cho rằng, việc ngừng sử dụng amiang là cần thiết", bác sĩ Hồng nói.
Trong cuộc sống không nên sử dụng những vật liệu (sinh hoạt, xây dựng…) có chứa amiang để tránh gây hại cho sức khoẻ.
Nếu trong môi trường còn sử dụng amiang người dân cần phải trang bị bảo hộ cá nhân khẩu trang, mũ, quần áo bảo hộ… để hạn chế xâm nhập của bụi. Bụi amiang thường lơ lửng trong không khí cho nên làm việc ở môi trường kín nồng độ bụi sẽ rất cao.
Thứ 3, cần phải sử dụng nguồn nước sạch cần tránh sử dụng nguồn nước có amiang.
Bác sĩ Hồng cho biết thêm, trong tương lai nếu Việt Nam có không sử dụng amiang thì vẫn phải chịu hệ lụy của những sản phẩm này. Do các sản phẩm dùng vật liệu amiang đang được sử dụng có tuổi thọ sử dụng thường kéo dài 10-20 năm mới hỏng và vẫn còn nguy cơ bệnh tật.