Bác sĩ dinh dưỡng cũng phải giảm cân
Theo TS.BS Trương Hồng Sơn, Phó Tổng thư ký Tổng hội y học Việt Nam, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam khi bác sĩ học phổ thông anh rất gầy, thường bị bạn bè gọi là "Sơn còi".
Thời điểm anh học đại học và du học tại nước ngoài mức cân nặng cũng chỉ 60-62kg. Tuy nhiên, sau khi về nước bác sĩ lao đầu vào công việc, thì cân nặng của anh cũng leo dốc (lên tới 75kg).
"Công việc bận rộn, tiếp khách, ăn nhậu khiến cho cân nặng của tôi lên không kiểm soát. Chế độ ăn không cân bằng về năng lượng, năng lượng ăn vào vượt quá năng lượng tiêu hao chính là lý do khiến tôi béo lên. Dù tôi là một bác sĩ dinh dưỡng tôi biết được vấn đề đó nhưng từ kiến thức tới hành vi lại là một câu chuyện dài.
Khi tôi cảm nhận thấy cơ thể nặng nề hơn là chuyên gia dinh dưỡng tôi biết ngưỡng cân nặng đó (75kg) có thể nguy hiểm. Tôi đã quyết định giảm cân vì nghĩ tới vấn đề sức khỏe còn các vấn đề thẩm mỹ chỉ là một phần", TS.BS Sơn nói.
Câu chuyện sâu xa phía sau gầy - béo chính là bệnh tật. Theo thống kê hiện nay 10 người tử vong thì có 8 người liên quan tới bệnh không lây nhiễm.
Mô hình bệnh ngoại nhập nhiễm trùng hiện nay đã được kiểm soát nhờ tiến bộ của y khoa. Mô hình bệnh nội sinh cao huyết áp, đái tháo đường đang tăng có liên quan trực tiếp tới chế độ ăn uống thay đổi.
TS.BS Sơn cho hay, là chuyên gia làm về dinh dưỡng anh thấy rõ được hậu quả của thừa cân béo phì sẽ là đái tháo đường type 2, tăng huyết áp, tim mạch, gan, mật, ung thư, cholesterol…
Giảm cân có tính cá thể và kiên trì
Bác sĩ Sơn cho biết thừa cân béo phì nguy cơ cận kề chính là giường bệnh.
Để bước vào "cuộc chiến" với cân nặng TS.BS Sơn đã đầu tư nhiều tháng trời để nghiên cứu các phương pháp giảm cân, thuốc giảm cân. Bác sĩ Sơn nhân ra các phương pháp giảm cân hiện nay chỉ quan tâm tới giảm cân nặng không quan tâm tới vấn đề sức khoẻ.
1. Giảm cân bằng giấm: Phương pháp giảm cân kinh điển nhất từ ngày xưa, lợi ích của uống giấm có thể đốt cháy mỡ và giảm cân. Nhưng tác hại của uống giấm sẽ giết toàn bộ hệ thống men vi sinh trong ruột.
Phương pháp giảm cân bằng giấm sẽ ảnh hưởng lớn tới dạ dày, men răng và nhiều vấn đề sức khỏe khác. Giảm cân bằng giấm hiện nay bị các nhà khoa học phản đối.
2. Giảm cân nhịn ăn tuyệt đối chỉ uống: Cách giảm cân này sẽ giảm cân nặng rất nhanh. Nhưng hậu quả các chuyển hóa cơ bản sẽ bị ảnh hưởng. Cơ quan bị ảnh hưởng rõ rệt nhất của phương pháp giảm cân tiêu cực này là thận và tim mạch. "Giảm cân nặng nhanh chóng là cách tự giết mình", TS.BS Sơn nhấn mạnh.
3. Sử dụng thuốc giảm cân: Theo TS.BS Sơn hiện nay, thuốc giảm cân có các dòng như: dòng làm cho cơ thể chán ăn, dòng lợi tiểu làm cơ thể mất nước, dòng đốt mỡ chuyển hoá.
"Tất cả các thuốc giảm cân đều gây ra nguy cơ tim, huyết áp. Nếu dùng thuốc có thể giảm cân, thì tỷ lệ thừa cân, béo phì của Mỹ và Anh sẽ không cao tới như vậy", TS.BS Sơn cho biết.
4. Chế độ ăn ít chất béo: Giảm ăn chất béo sẽ giúp giảm được cân nặng, nhưng thiếu chất béo sẽ làm cho các vitamin tan trong dầu không thể hòa tan, ảnh hưởng tới quá trình trao đổi chất.
5. Chế độ ăn ít tinh bột: Hạn chế tinh bột có lợi ích giảm cân, bởi vì 2/3 năng lượng của cơ thể được cung cấp là tinh bột. Giảm cân không giảm tinh bột sẽ không hiệu quả. Tuy nhiên, chế độ cắt giảm tinh bột thái quá cơ thể sẽ mệt mỏi, đau đầu và khó áp dụng lâu dài.
6. Chế độ ăn công thức nghiêm ngặt: Của một huấn luyện viện, người nổi tiếng có tác dụng giảm cân trong một giai đoạn.
TS.BS Sơn cho biết: "Bạn có thể sống cuộc đời với một chế độ ăn nghiêm ngặt như vậy suốt đời hay không? Còn tôi nếu thực hiện chế độ ăn nghiêm ngặt không được ăn món này, món kia, ăn như vậy thà chết còn hơn".
7. Tập luyện: Tập luyện tốt cho sức khoẻ, tim mạch, xương khớp, nhưng không nên quá kỳ vọng vào tập luyện để giảm cân. Thực tế trong suốt quá trình giảm cân 8 tuần bác sĩ Sơn không có nhiều thời gian để tập luyện.
Ví dụ, nếu chúng ta ăn 1 góc bánh chưng, phải chạy 7,8km mới hết năng lượng của chiếc bánh. Nếu chạy trên máy phải 1 tiếng sẽ tiêu hao 4000kcal bằng 1 góc bánh chưng.
Theo TS.BS Sơn sau khi nghiên cứu tất cả các phương pháp giảm cân trên đều bộc lộ rõ những nhược điểm bác sĩ Sơn đã lựa chọn cách giảm cân của riêng mình.
"Tôi liệt kê lại toàn bộ chế độ ăn trong một ngày sau đó dùng phần mềm đánh giá chế độ ăn để biết nên giữ lại cái gì, cắt giảm cái gì một nửa, cái gì nên cắt giảm 2/3.
Chế độ ăn giảm cân của tôi không cắt giảm toàn bộ thức ăn nào. Ngay cả đồ ăn nhanh dù tôi biết không tôi những cũng không cắt giảm hết vì nhiều khi ngồi với bạn bè, đồng nghiệp mình vẫn phải dùng đến.
Tôi sắp xếp lại giờ ăn của mình. Vào buổi sáng tôi không ăn sáng quá sớm. Tôi thường đẩy bữa sáng lên giờ trưa và bữa trưa lên bữa tối. Cách ăn này phù hợp với cơ thể của tôi, còn đối với người bị đau dạ dày sẽ không ăn được theo cách này.
Người bị dạ dày muốn giảm cân thì phải chia nhỏ từng bữa ăn", bác sĩ Sơn nói.
Trong 8 tuần thực hiện ăn chế độ ăn giảm bác sĩ Sơn đã giảm được 7,5kg. Theo bác sĩ Sơn giảm cân là một quá trình thay đổi về lối sống, cách sống vì vậy để thành công chuyên gia dinh dưỡng cho rằng rất cần có sự kiên trì.
Trong quá trình giảm cân của bác sĩ Sơn anh đã xác định cho mình phải kiên trì. Tuy nhiên, có những giai đoạn thành công anh đã chủ quan và tuần đó cân nặng đã không giảm.
Khi giảm cân giai đoạn đầu là giai đoạn tấn công sẽ rất vất vả. 2-3 tuần đầu người giảm cân sẽ hoài nghi có chịu được hay không. Khi đã vượt qua được giai đoạn tấn công ở giai đoạn duy trì sẽ rất nhẹ nhàng.
Bác sĩ Sơn khuyến cáo: "Giảm cân mang tính chất cá thể không có công thức giảm cân chung cho tất cả mọi người. Nếu như có công thức giảm cân chung thế giới đã công bố và tỷ lệ thừa cân béo phì sẽ không tăng không có điểm dừng như hiện nay".
TS.BS Sơn cho biết thêm, khi quyết định giảm cân cần phải xem xét kỹ phương pháp mình lựa chọn. Giảm cân vội vãi nếu chỉ giảm cân không thay đổi nếp sống sẽ đều nhiều nguy cơ gây hại cho sức khoẻ.
Nên duy trì tập 15-30 phút/ngày, trong đó có 5 ngày thể dục và 2 ngày thể thao tùy theo thể trạng sức khoẻ, khuyến kích các môn ngoài trời.