Mới đây, trên mạng xã hội Lotus.vn xuất hiện bài viết của Giáo sư Trương Nguyện Thành (người Việt đang sống tại Mỹ, nổi tiếng với biệt danh "giáo sư quần đùi") với tựa đề Sống chậm trong dịch Covid-19, kể về việc ông bị nhiễm Covid -19 và cách ông vượt qua những ngày sống chậm tại nhà. Chúng tôi xin đăng lại bài viết để quý độc giả theo dõi.
Hai tuần trước tôi có đăng một tấm hình mang găng tay, đeo khẩu trang đi chợ. Nghĩ rằng mình cẩn thận như thế là đủ nhưng những gì đã xảy ra trong hai tuần qua chứng minh tôi cũng có điểm mù. Hai ngày sau thì siêu thị ấy đóng cửa vì có nhân viên bị nhiễm "Cô Vy" và tôi cũng ngã bệnh.
Ở Mỹ không có khu cách ly tập trung, không ép phải sống cách ly, nhưng tôi cũng tìm một nơi sống cách ly để không ảnh hưởng đến gia đình và người xung quanh. Bắt đầu tôi cảm giác cổ họng mình bị rát rất khó chịu, kế đến là sốt suốt hơn một ngày và rồi ho khan.
Tất cả những triệu chứng về "cúm Cô Vy" tôi trải qua nhưng may mắn là khá nhanh chóng. Chỉ có đờm trong phổi, nó có sức bám khá lạ so với các cúm thường. Do đó chất nhờn này sẽ làm người rất khó thở.
Tôi hiểu được Covid-19 giết người không trực tiếp mà nó tấn công phổi tạo ra chất nhờn làm phổi mất dần khả năng hô hấp khí oxy cần thiết đến một mức nào đó thì cơ thể không thể duy trì sự sống. Nó như chết chìm từ bên trong.
Vì thế những người phổi yếu có nguy cơ tử vong cao nhất với Cô Vy. Sau 4-5 ngày thì sức khỏe của tôi hồi phục từ từ chứ không nhanh chóng như các cúm mùa. Khi thấy mình khỏe nhiều tôi mới đi xét nghiệm. Khi biết mình âm tính với Cô Vy tôi mới an tâm về nhà.
Thời gian dưỡng bệnh tôi nghiệm ra một số điều:
1. Thói quen hình thành điểm mù tư duy
Tôi bị nhiễm vì thói quen ăn cuốn (dân Bình Định thích cuốn bánh tráng).
Có ai cuốn bánh tráng với rau thơm nấu chín bao giờ! Cho dù rửa rau nhưng chắc chắn khả năng nếu Cô Vy bám trên rau thơm thì khó rửa sạch hết được. Hôm đi chợ về tôi ăn bánh tráng cuốn cá nướng, thế là bị dính chấu.
Thói quen hình thành điểm mù tư duy. Các bạn thấy đấy, một số lãnh đạo trên thế giới thời gian qua khuyên mọi người nên bỏ bắt tay, cách ly xã hội, .v.v. Nhưng lại quay qua bắt tay với người khác trông khá buồn cười.
2. Cho dù có tinh thần tích cực hay ý chí cứng rắn cỡ nào thì Cô Vy sẽ dập nát nó!
Với lượng oxy không như bình thường, khả năng tập trung cũng như sức khỏe của tôi kém đi nhiều. Tôi có muốn đọc sách cũng không đọc được. Tôi có muốn tập thể dục cũng không có sức để tập.
Cũng may tôi nhận thức được nếu không có tiêu cực (làm biếng) thì không có tích cực (siêng năng), nếu không có mềm dẻo thì sẽ không có cứng rắn, nếu không vô vọng thì làm sao tìm thấy tia sáng của hy vọng.
Thế là tôi cứ thoải mái làm biếng, thoải mái ăn rồi ngủ, coi phim, không làm gì cả. Không phải suy nghĩ gì hay làm công việc gì mà chỉ lắng nghe cơ thể mình nói chuyện với mình. Có lẽ nhờ thế mà tôi hồi phục khá nhanh! Giờ thì tôi khỏe rồi.
3. Không chỉ sống cho riêng mình
Hiện tại cho dù trong người miễn nhiễm nhưng tôi cũng phải sống cách ly xã hội vì không muốn mang nguy cơ nhiễm bệnh cho người thân. Cô Vy giúp tôi nhận thức mình không sống chỉ cho mình mà cho những người xung quanh.
Chấp nhận bóng tối thì sẽ tìm thấy ánh sáng. Chấp nhận đau khổ thì sẽ tìm thấy hạnh phúc. Chấp nhận thất bại sẽ tìm thấy thành công. Chấp nhận vô vọng để tìm thấy tia sáng hy vọng.
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm của tác giả. Tiêu đề do tòa soạn đặt.