Giáo sư nêu lý do bệnh tim mạch ở Việt Nam ngày càng trẻ hóa

Ngọc Minh |

Bệnh tim mạch đang ngày càng trẻ hóa. Không ít người mới ngoài 40 tuổi đã xơ vữa mạnh máu, đột quỵ...

Bác sĩ đang thực hiện siêu âm tim (ảnh Minh Trí).

Bác sĩ đang thực hiện siêu âm tim (ảnh Minh Trí).

Đây là những chia sẻ của GS TS BS. Trương Quang Bình, Nguyên Phó Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng Khoa học, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, bên lề Hội nghị khoa học với chủ đề "Xu hướng mới trong điều trị bệnh tim mạch năm 2024" mới tổ chức gần đây. 

GS TS BS. Trương Quang Bình cho hay bệnh tim mạch là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Theo thống kê của Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, số người tử vong liên quan tới vấn đề tim mạch ở Việt Nam hằng năm là 100.000 người. Dự báo con số này sẽ tiếp tục tăng trong thời gian sắp tới.

Giáo sư nêu lý do bệnh tim mạch ở Việt Nam ngày càng trẻ hóa- Ảnh 1.

Giáo sư Bình chia sẻ tại Hội nghị (ảnh Minh Trí).

Theo GS Bình, Việt Nam thuộc vành đai các nước có nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch do Việt Nam thuộc các nước đang phát triển, lối sống ngày càng hướng theo các nước phát triển (ít vận động, ăn nhiều thức ăn nhanh…). Đây là một yếu tố nguy cơ có thể dẫn tới mắc bệnh lý tim mạch.

Đặc biệt, bệnh tim mạch này càng trẻ hóa. Trước đây, bệnh xơ vữa động mạch thường gặp ở trên 60 tuổi trở nên. Nhưng hiện nay, số lượng người 50 tuổi cần phải can thiệp tim mạch đã gia tăng. "Thậm chí bệnh viện đã từng can thiệp cho trường hợp hơn 40 đã xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim, đột quỵ. Như vậy, bệnh lý tim mạch ngày càng trẻ hóa do chế độ ăn, lối sống hiện đại. Điều này thôi thúc chúng tôi cần phải đẩy mạnh để người dân hiểu về phòng ngừa tiên phát", GS. Bình nói.

Trong phòng ngừa bệnh tim mạch cần lưu ý có phòng ngừa tiên phát và phòng ngừa thứ phát. Phòng ngừa thứ phát là khi người bệnh đã bị biến cố (nhồi máu cơ tim) mới bắt đầu phòng. Phòng ngừa tiên phát là chủ động phòng khi chưa bệnh lý, có triệu chứng, biến cố tim mạch… hay còn gọi là dự phòng sớm.

GS Bình cho biết: "Để phòng ngừa tiên phát cần phải tác động vào các yếu tố nguy cơ gây ra xơ vữa động mạch. Các yếu tố nguy cơ đã được xác định cụ thể: tăng huyết áp, đái tháo đường, mỡ máu, béo phì, hút thuốc lá… Nếu loại trừ được các yếu tố nguy cơ trên thì nguy cơ mắc xơ vỡ động mạch, bệnh tim mạch sẽ giảm đi rất nhiều".

GS Bình đặc biệt nhấn mạnh vấn đề tăng huyết áp ở người trẻ hiện nay rất đáng báo động. Rất nhiều người trẻ bị tăng huyết áp nhưng chỉ tình cờ phát hiện khi đi khám sức khỏe. Tăng huyết áp là một yếu tố nguy cơ chính của tình trạng đột quỵ não. Do vậy, phát hiện tăng huyết áp sẻ giảm được nguy cơ đột quỵ ở người trẻ.

Kỹ thuật gen để biết nguy cơ tim mạch sớm

Theo GS Bình, năm nay, Hội nghị tim mạch đã cập nhật nhiều kỹ thuật mới trong đó có gene và bệnh tim mạch, thay van động mạch chủ, thay van động mạch phổi qua ống thông và các kỹ thuật can thiệp động mạch vành tiên tiến.

Các bài báo cáo liên quan đến gen di truyền là một điểm mới, thể hiện xu hướng tác động vào các hệ gen để chẩn đoán, dự phòng bệnh tim mạch tốt hơn. Không chỉ tập trung điều trị cho người bệnh trong bệnh viện, các chương trình quản lý người bệnh về tới cộng đồng, đặc biệt là người bệnh suy tim có ý nghĩa quan trọng nhằm chăm sóc toàn diện, duy trì hiệu quả điều trị cũng như phòng ngừa các biến cố nguy hiểm cho người bệnh.

Hội nghị năm nay bao gồm 240 bài báo cáo của các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực tim mạch - chuyển hóa của Việt Nam và quốc tế. Hội nghị thu hút hơn 1.500 đại biểu gồm các Bác sĩ chuyên khoa Tim mạch, Phẫu thuật Tim mạch, Tim mạch can thiệp, Nội tổng hợp, Nội tiết, Lão khoa, Y học Gia đình, Bác sĩ Đa khoa… đến tham dự trực tiếp.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại