Đái tháo đường (ĐTĐ) typ 2 đặc trưng bởi tình trạng đề kháng insulin và khiếm khuyết bài tiết insulin. Mỗi yếu tố nêu trên, tùy trường hợp có thể đóng vai trò chủ yếu, nổi trội hơn yếu tố còn lại. Cả hai yếu tố này đồng thời hiện diện khi bệnh ĐTĐ được chẩn đoán trên lâm sàng.
Các yếu tố nguy cơ của ĐTĐ týp 2 là tuổi cao, béo phì, ít vận động, rối loạn chuyển hóa lipid, tăng huyết áp, sử dụng lâu dài các loại thuốc corticoid, lợi tiểu…
ĐTĐ týp 2 thường được chẩn đoán trễ hoặc không được chẩn đoán trong nhiều năm vì tình trạng tăng đường huyết phát triển một cách âm thầm. Do đó bệnh nhân thường có biến chứng ngay từ khi mới được chẩn đoán.
Vì sao phải điều trị?
ĐTĐ typ 2 thường khởi đầu ở người lớn, là một tình trạng mạn tính ảnh hưởng đến cách cơ thể chuyển hóa đường, nguồn nhiên liệu chính của cơ thể.
Khi đã bị bệnh ĐTĐ typ 2, cơ thể giảm khả năng chịu ảnh hưởng của insulin - một hormon điều chỉnh sự chuyển động của đường vào các tế bào - hoặc cơ thể không sản xuất đủ insulin để duy trì mức độ đường bình thường. Nếu không điều trị, hậu quả của bệnh ĐTĐ typ 2 có thể đe dọa tính mạng.
Không có cách điều trị đặc hiệu bệnh ĐTĐ týp 2, nhưng có thể quản lý hoặc thậm chí ngăn chặn các vấn đề bắt đầu bằng cách ăn các loại thực phẩm lành mạnh, tập thể dục và duy trì trọng lượng cơ thể cho phép.
Nếu chế độ ăn uống và tập thể dục không đủ, có thể bạn phải cần đến thuốc điều trị bệnh ĐTĐ hoặc insulin để quản lý lượng đường trong máu. Đây cũng chính là liệu pháp mà hầu hết các bác sĩ áp dụng để giải quyết các triệu chứng của bệnh.
Giảm trọng lượng cơ thể để kiểm soát ĐTĐ typ 2
Thừa cân là một yếu tố nguy cơ chính cho bệnh ĐTĐ typ 2. Các mô mỡ càng nhiều, càng có nhiều tế bào kháng với insulin. Hoạt động thể chất sẽ giúp kiểm soát trọng lượng, sử dụng hết đường và làm cho các tế bào nhạy cảm hơn với insulin.
Khi giảm trọng lượng cơ thể, tuyến tuỵ có thể lại bắt đầu sản sinh ra insulin. Gan có thể tự xác định được nguồn cung glucose của cơ thể và ngừng cung cấp ra lượng đường không mong muốn.
Điều này đã giúp cho những bệnh nhân đang phải uống thuốc để kiểm soát bệnh ĐTĐ týp 2 có thể không cần phải dùng thuốc nữa. Đây thực sự là tin vui đối với người mắc bệnh ĐTĐ typ 2. Tuy nhiên, để đánh bại căn bệnh này, bệnh nhân cần phải giảm khoảng 10% trọng lượng cơ thể và luôn duy trì ở mức đó.
Thực tế cho thấy việc sử dụng một số thuốc điều trị chuyên biệt cho bệnh ĐTĐ typ 2 nhằm làm giảm lượng đường trong máu thực chất chỉ giải quyết được triệu chứng chứ không điều trị được gốc.
Hầu hết người mắc bệnh ĐTĐ typ 2 đều bị thừa ra khoảng 12 - 19kg trên trọng lượng lý tưởng. Mặc dù trước đây người ta đã biết được điều này nhưng tất cả các phác đồ điều trị chỉ là làm giảm lượng đường trong máu, giải quyết phần ngọn, chứ không phải gốc gác của vấn đề, đó là sự dư thừa trọng lượng của cơ thể.
Các nghiên cứu gần đây cho thấy, chỉ số dễ nhận biết nhất của người có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường typ 2 chính là khối mỡ bụng của họ. Một người đàn ông có vòng bụng trên 91cm hoặc một phụ nữ có vòng bụng trên 81cm đều có thể có nguy cơ cao mắc bệnh đái tháo đường typ 2.
Vì vậy, các nhà khoa học khuyên rằng, để phòng ngừa bệnh ĐTĐ typ 2 ở những người có yếu tố nguy cơ (những người thừa cân) cần có một chương trình tập thể dục phù hợp, có kế hoạch ăn uống lành mạnh và giảm trọng lượng dư thừa...