Giải pháp đơn giản giúp Nga "đẩy" Iran ra khỏi Syria đúng như mưu đồ của Mỹ

Quốc Vinh |

Không cần phải viện đến áp lực trừng phạt của Mỹ hay giải pháp quân sự của Israel, Tổng thống Putin có thể dễ dàng khiến Iran ra khỏi Syria mà không tốn giọt mồ hôi.

Mỹ không thể giải quyết vấn đề Iran một mình

Trong khi Thủ tướng Benjamin Netanyahu cảm thấy khó khăn trong việc tìm kiếm một khoảng trống trong lịch trình của Tổng thống Vladimir Putin, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã gặp người đồng cấp Nga không ít hơn ba lần trong tháng này.

Cuộc gặp cuối cùng của họ là vào ngày 19/11, khi hai người khai trương một phần đường ống dẫn khí đốt nối Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, giúp tăng lượng nhập khẩu khí đốt của Thổ Nhĩ Kỳ lên hơn 50%.

Nhưng mối liên hệ chiến lược giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ dựa trên xuất khẩu khí đốt. Hai nước đã thống nhất một giải pháp cho cuộc khủng hoảng ở Syria và cùng với Iran - quản lý các khu an toàn tại quốc gia Trung Đông.

Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đều không đồng ý với lập trường của Mỹ về tương lai của Syria, việc rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và vấn đề hiện diện của Iran tại Syria.

Quan điểm của Moscow được công bố vào tháng 8 năm ngoái, khi Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố rằng, tất cả các lực lượng ngoại quốc không được mời bởi chính quyền Assad phải rút khỏi nước này sau khi cuộc chiến chống khủng bố IS kết thúc.

Iran và Nga là những quốc gia "được mời", Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ thì không. Nhưng trong khi Nga đòi hỏi sự ra đi của lực lượng Mỹ, nước này lại thể hiện sự linh hoạt đối với sự hiện diện của Thổ Nhĩ Kỳ, mặc dù thực tế rằng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã chinh phục một phần vùng đất người Kurd ở phía tây Syria, ảnh hưởng đến sự thống nhất đất nước.

Mỹ không có một chiến lược thay thế để giải quyết cuộc chiến ở Syria hoặc đối phó với sự hiện diện của Iran ở đó. Theo đặc phái viên mới của Mỹ ở Syria, James Jeffrey, Mỹ "hiểu được lợi ích của Nga tại Syria", bao gồm các căn cứ quân sự và một chính quyền thân thiện ở Damascus. Nhưng đối với lực lượng Iran, câu chuyện phức tạp hơn.

Vào tháng 4, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rằng ông mong muốn rút quân đội Mỹ đang hoạt động tại Syria sau chiến thắng IS. Ông không còn yêu cầu Tổng thống Assad phải rời bỏ quyền lực, nhưng nhấn mạnh rằng lực lượng Iran cũng phải rời khỏi Syria.

Kể từ đó chính sách của Mỹ đã thay đổi. Vào tháng 9, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton nói: "Chúng tôi sẽ không rời khỏi chừng nào quân đội Iran còn ở ngoài biên giới Iran, bao gồm cả các lực lượng mà nước này hậu thuẫn".

Cho đến tháng 4, chính quyền Mỹ đã sử dụng cuộc chiến chống khủng bố làm lý do chính đáng cho sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Syria, nhưng giờ đây, chính quyền đang nói về nhu cầu ổn định, giải pháp hòa bình và sự ra đi của lực lượng Iran như một điều kiện tiên quyết để kéo lực lượng của mình về nước.

Quân đội Mỹ có thể đụng độ với các lực lượng Iran để đẩy nước này ra khỏi Syria hay không? Đặc phái viên Jeffrey đã nói rằng, việc loại bỏ quân đội Iran sẽ được thực hiện bởi các phương tiện ngoại giao và áp lực, trong khi Thủ tướng Netanyahu tuyên bố trong tuần này rằng, một mình Mỹ không có khả năng thuyết phục họ rời đi.

Nga sớm thúc đẩy hòa bình , Iran có thể rời đi

Giải pháp đơn giản giúp Nga đẩy Iran ra khỏi Syria đúng như mưu đồ của Mỹ - Ảnh 1.

Chỉ cần Nga đẩy nhanh tiến trình Astana, Iran có thể sớm trở về nước.

Trong bối cảnh áp lực của Nga đối với Israel và việc đình chỉ hợp tác quân sự của hai nước, chắc chắn Israel có thể thực hiện các biện pháp quân sự mạnh tay để đẩy nhanh việc yêu cầu lực lượng Iran trở về.

Thay vì sử dụng một hành động quân sự, chính quyền Mỹ hy vọng các biện pháp trừng phạt kinh tế sẽ buộc Iran phải cắt giảm chi phí quân sự và rút một số lực lượng ra khỏi Syria .

Một nguồn lực tiềm năng khác để buộc các lực lượng Iran rời khỏi Syria là Điện Kremlin. Theo đó, Nga hoàn toàn có thể yêu cầu Tổng thống Assad rút lại lời mời của mình cho người Iran.

Nhưng Điện Kremlin không vội vàng gây áp lực với Iran, do Nga đang sử dụng như một quân bài thương lượng chống lại Mỹ. Bên cạnh đó, cũng không có gì để chắc chắn rằng Iran sẽ tuân thủ một yêu cầu như vậy.

Lãnh đạo Iran đang bận tâm với việc tìm kiếm những cách thức giải quyết vấn đề trừng phạt, cũng như với những bất đồng nội bộ, và đã đặt mối quan tâm Syria sang một bên.

Liên minh châu Âu hứa hẹn sẽ vận hành một cơ chế tài chính để vượt qua các biện pháp trừng phạt của Mỹ. Tuy nhiên, chuyến thăm của Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt tới Tehran trong tuần này đã không mang đến những tín hiệu khả quan.

Kế hoạch này là dựa vào các khoản chi tiêu không yêu cầu sử dụng đồng đô la và các giao dịch được thanh toán bằng đồng euro hoặc được tính bằng đồng tiền của Iran. Nhưng các ngân hàng châu Âu đã ngần ngại trước lời kêu gọi của Iran vì sợ bị trừng phạt bởi chính quyền Mỹ.

Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araghchi cáo buộc châu Âu là không có khả năng thiết lập cơ chế và cho biết các nước châu Âu đang hợp tác với chính quyền Mỹ, mặc dù họ phản đối việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân.

Nga và Trung Quốc, cũng như tám quốc gia khác, bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ đang dự kiến ​​sẽ tìm nguồn thay thế cho dầu mới và Saudi Arabia được cho là sẽ tăng sản lượng dầu của mình để khắc phục tình trạng thiếu hụt do lệnh cấm đối với dầu mỏ Iran.

Tuy nhiên, điều này không chỉ làm giảm lượng dầu mà Iran mà còn làm tăng sự phụ thuộc của Tehran đối với Nga và Trung Quốc. Sự phụ thuộc như vậy có thể có ý nghĩa chiến lược, ví dụ như Nga quyết định Iran phải nhượng bộ tại Syria.

Sự cần thiết phải thể hiện thái độ bền bỉ khi đối mặt với các biện pháp trừng phạt và áp lực ngoại giao khiến Iran trở nên cứng rắn hơn trong việc duy trì vị thế của mình ở Syria và Yemen, ngay cả khi nỗ lực đó làm xấu đi hình ảnh nhà nước.

Để giải phóng chính mình khỏi những gông cùm này, Iran hy vọng Nga sẽ có thể đẩy nhanh tiến trình hòa bình ở Syria. Điều này sẽ cho phép Iran rút quân một cách đàng hoàng thay vì do áp lực kinh tế đến từ Mỹ.

Tuần tới, các nhà lãnh đạo Iran, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến ​​sẽ gặp nhau lần thứ 11 tại Astana, thủ đô của Kazakhstan, để thảo luận về việc tiếp tục tiến trình hòa bình cho Syria. Có lẽ tại buổi họp mặt này,người ta có thể nhìn thấy một sự đồng ý của tất cả các bên về cái kết cho cuộc chiến kéo dài 8 năm.

Và đúng như mong muốn của người Mỹ, khi cuộc chiến đã kết thúc, Iran sẽ sớm rời khỏi Syria.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại