9 tháng sau khi xuất hiện những thông tin không chính thức về sự có mặt của Su-57 ở Syria (2/2018), Bộ Quốc phòng Nga ngày 19/11 đã quyết định công khai chi tiết sứ mệnh của dòng máy bay tàng hình thế hệ 5 này tại đây.
Cụ thể, hai chiếc tiêm kích Su-57 đã được Nga triển khai tới Syria tham gia kiểm nghiệm các khả năng tác chiến cùng với một số dòng máy bay tiên tiến khác, trong đó có tiêm kích-bom Su-34 và máy bay chiếm ưu thế trên không thế hệ 4++ Su-35.
Mặc dù chưa được đưa vào biên chế chính thức cho các lực lượng vũ trang Nga nhưng Su-57 đã chứng tỏ khả năng sẵn sàng tham chiến ở cường độ thấp. Tất nhiên, nhiệm vụ chính mà nó đảm trách là chiếm ưu thế trên không trong môi trường chiến đấu công nghệ cao hay xâm nhập hệ thống phòng không dày đặc của đối phương khó có thể kiểm chứng tại Syria.
Bên cạnh đó, một khi đã chứng tỏ được khả năng sẵn sàng chiến đấu của Su-57 ở Syria, Nga có lẽ cũng muốn "chào hàng" sản phẩm mới với các khách hàng tiềm năng nước ngoài, trực tiếp nhất là Ấn Độ, quốc gia đang muốn mua các máy bay thế hệ 5 thông qua một liên doanh sản xuất chung qua chương trình FGFA.
Su-57 bay theo đội hình cùng Su-34 và Su-35
Trong đoạn video mà Bộ Quốc phòng Nga công bố, 2 chiếc Su-57 đang bay theo đội hình trên không phận Syria, cất và hạ cánh từ căn cứ không quân Khmeimim ở tỉnh miền Tây Latakia.
Với thời gian triển khai khoảng 2 ngày, các tiêm kích Su-57 đã thực hiện hơn 10 vụ không kích tiêu diệt các mục tiêu khủng bố của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Đây cũng là lầu đầu tiên một máy bay thế hệ 5 sản xuất ngoài nước Mỹ tham gia sứ mệnh chiến đấu (J-20 của Trung Quốc mặc dù đã được đưa vào biên chế nhưng chưa bao giờ thử nghiệm khả năng này).
Tham gia các hoạt động tác chiến chắc chắn là điều kiện lý tưởng để Nga đánh giá các tính năng hoạt động cơ bản của Su-57, các hệ thống chỉ huy, điều khiển, thiết bị liên lạc cũng như mức độ phù hợp với điều kiện khí hậu nắng nóng khắc nghiệt ở sa mạc.
Đoạn video Bộ QP Nga tiết lộ ngày 19/11 không cho thấy Su-57 mang vũ khí bên ngoài giá treo, một dấu hiệu chứng tỏ chúng được cất giữ bên trong phục vụ mục đích trốn tránh hệ thống radar của đối phương.
Tuy nhiên, trong video mà Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu công bố tháng 5/2018, thì loại vũ khí mà Su-57 phóng đi dường như là một quả tên lửa hành trình Kh-59MK2, cũng được cho là thực hiện vào tháng 2/2018 nhưng không rõ liệu đó có phải là lần thử nghiệm ở Syria hay không.
Tiêm kích tàng hình thế hệ 5 Su-57
Cuộc chiến tại Syria đang dần đi đến hồi kết, cho dù tại khu vực phía Tây nước này vẫn còn rất nhiều các nhóm khủng bố khác nhau hoạt động.
Nguy cơ máy bay chiến đấu Nga bị những nhóm thánh chiến tấn công là khá thấp nhưng không loại trừ kịch bản chúng sử dụng máy bay không người lái (UAV) và đạn pháo tập kích bất ngờ các căn cứ Nga, phá hủy máy bay trên mặt đất.
Các hệ thống phòng không Pantsir-S1 từng thể hiện rất tốt vai trò đánh bật những cuộc tấn công như vậy nhưng nguy cơ từ các UAV cỡ nhỏ vẫn tiếp tục là một mối lo ngại không hề nhỏ đối với các lực lượng vũ trang Nga ở Syria.
Những hình ảnh vệ tinh mới nhất được Hội đồng Atlantic công bố ngay trong tháng 11 này cho thấy, Nga đang tích cực gia cường các nhà chứa máy bay tại Căn cứ Khmeimim, nhiều khả năng là để cất giấu những máy bay tiên tiến như Su-57 nếu được triển khai tại đây trong tương lai.
Một khi các nhà chứa này hoàn thành, rất có thể Nga sẽ tiếp tục điều động tiêm kích Su-57 quay trở lại Syria để tiến hành thêm các hoạt động đánh giá khả năng chiến đấu thực tế ở quy mô lớn hơn.
Trong nhiều mục đích Nga đặt ra khi quyết định triển khai Su-57 tới Syria thì rất có thể nó còn đảm nhận thêm vai trò làm đối trọng với địch thủ F-22 Raptor của Mỹ cũng như nhu cầu cần phải thể hiện cho cả Mỹ và Trung Quốc thấy được khả năng tác chiến của dòng máy bay thế hệ kế tiếp này tiếp sau sự ra đời của F-22 và J-20.
Tiêm kích tàng hình Su-57 Nga thực hiện phi vụ đầu tiên tại Syria