Trong cuộc tập trận của Nga vào cuối tháng 8/2017, hệ thống Krasuha-4 đã thực hiện “làm mù” các hệ thống định vị và khiến cho các loại vũ khí chính xác của tiêm kích – ném bom Su-34 đóng vai “máy bay địch” không thể hoạt động. Do đó, “máy bay địch” không thể phát hiện mục tiêu để thực hiện không kích.
Đánh lừa tên lửa
Tháng 5/2017, phát ngôn viên của Công ty Công nghệ vô tuyến điện tử Nga (KRET) Vladimir Mikheev cho biết tiến trình sản xuất các thiết bị quân sự liên quan tới các hệ thống tác chiến điện tử của Nga sẽ được tăng lên khoảng 30% trong tương lai gần.
Các nhà máy của KRET sản xuất nhiều hệ thống tác chiến điện tử hiện đại, gồm các hệ thống phòng thủ độc lập như Krasuha-S4, Rtut-BM, Rychag-AV, Vitebsk và Khibiny-M.
Đơn vị tác chiến điện tử của Quân khu trung tâm, quân đội Nga trong cuộc tập trận chiến thuật đặc biệt tại căn cứ Sverdlovsky. (Ảnh: Sputnik)
Phát biểu tại triển lãm hàng không MAKS-2017 tại vùng Mátxcơva vào tháng 8/2017, ông Mikheev cho hay có tổng cộng 100 tiêm kích – ném bom Su-34 trong biên chế của Quân chủng không quân vũ trụ Nga. Ông cũng cho biết tất cả các tiêm kích đa nhiệm này đều được trang bị hệ thống Khibiny-10V.
Khibiny có hình dáng và kích thước giống với một quả ngư lôi được gắn vào đầu cánh máy bay, khi hoạt động hệ thống này có thể tăng khả năng sống sót của máy bay khoảng 25-30%.
Hệ thống Khibiny khiến đối phương gặp nhiều khó khăn trong việc phát hiện và sử dụng tên lửa không đối không hoặc đất đối không để bắn hạ, RIA Novosti dẫn lời chuyên gia Andrey Kots.
Đáng chú ý, hệ thống này đã được triển khai trên các tiêm kích – ném bom Su-34 và tiêm kích Su-30SM được triển khai chống lực lượng khủng bố IS tại Syria.
Các máy bay trực thăng của Nga được trang bị hệ thống tác chiến điện tử Vitebsk với đặc tính tương tự hệ hống Khibiny. Hệ thống Vitebsk đã được trang bị cho trực thăng tấn công Ka-52 và trực thăng đa nhiệm Mi-8MT.
Chuyên gia Andrey Kots cho biết thêm, hệ thống phòng thủ điện tử Tarantul (Tarantula) còn có khả năng giúp tiêm kích Su-34 bảo vệ hiệu quả các chiến cơ khác trong phi đội khỏi radar của đối phương.
Hệ thống này được phát triển từ năm 2007 và hiện đang được thử nghiệm ở cấp quốc gia, và chuyên gia Andrey Kots nhận định đây chính là tương lai của lực lượng tác chiến điện tử của Nga.
Tác chiến phi đối xứng
Một trong những hệ thống tác chiến điện tử nổi tiếng nhất của Nga là hệ thống trạm gây nhiễu đa chức năng băng tần rộng Krasukha-4, đặt trên thân xe 4x4 BAZ-6910-022. Hệ thống này có tầm hoạt động lên đến 300 km và được thiết kế để đối phó với các hệ thống cảnh báo sớm, hệ thống điều khiển và các loại radar máy bay khác.
Tầm hoạt động lớn cho phép hệ thống Krasukha-4 có thể cản trở hoạt động của các vệ tinh bay ở quỹ đạo thấp cũng như gây hư hại vĩnh viễn cho các thiết bị vô tuyến điện tử mục tiêu. Các đài radar mặt đất cũng nằm trong danh sách mục tiêu có thể tấn công được của hệ thống Krasukha-4.
Trong tương lai, hệ thống Krasukha-4 thậm chí còn có thể tác động đến các mục tiêu ở độ cao cực lớn, thậm chí cả những mục tiêu ở ngoài khoảng không gian. Hệ thống này sẽ có khả năng gây nhiễu vệ tinh do thám của đối phương và tạo một ‘vùng chết’ xung quanh khu vực hoạt động, khiến đối phương không thể theo dõi khu vực này bằng vệ tinh.
Phát biểu với Sputnik, chuyên gia quân sự Viktor Murakhovsky mô tả việc Nga phát triển các hệ thống tác chiến điện tử là “phản ứng phi đối xứng” với việc Mỹ tăng cường phát triển các loại vũ khí hiện đại. Ông nhấn mạnh rằng các hệ thống tác chiến điện tử của Nga “không gì sánh được”.
“Kể từ Chiến tranh lạnh, Mỹ đã tập trung vào việc đạt được và duy trì ưu thế công nghệ, chủ yếu trong [vũ khí hàng không và hàng hải] của họ.
Thực lòng mà nói chúng tôi không thể ganh đua trực tiếp với họ bởi họ có nhiều tiền và nhiều cơ hội cung cấp cho quân đội các loại chiến cơ, máy bay không người lái và chiến hạm hàng năm. Đó là lý do tại sau chúng tôi chọn các biện pháp bất đối xứng”, ông Murakhovskty giải thích.
Ông nói thêm, “lấy ví dụ, không một nước nào ngoại trừ Nga sở hữu hệ thống kiểm soát tác chiến điện tử tự động.
Yếu tố con người tham gia vào ở mức tối thiểu: Chuyên viên vận hành chỉ cần chọn một trong những tùy chọn được lập trình sẵn để đạt được mục đích cụ thể. Điều này giúp giảm đáng kể thời gian mà hệ thống đòi hỏi để phản ứng lại một mối đe dọa điển hình”.
Thực chiến
Ngày 4/12/2011, một máy bay không người lái Lockheed Martin RQ-170 Sentinel của Mỹ bị quân đội Iran ép hạ cánh ở gần thành phố Kashmar, đông bắc Iran. Cho đến nay chưa ai rõ Iran đã làm thế nào để ép chiếc máy bay này hạ cánh, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng Iran đã sử dụng hệ thống tác chiến điện tử của Nga hoặc Trung Quốc.
Vào tháng 4/2014, khu trục hiện đại nhất của Hải quân Mỹ USS Donald Cook khi đang có mặt tại Biển Đen bị một tiêm kích bom Su-24 không mang vũ khí tiếp cận. Tuy nhiên, tiêm kích Su-24 này lại mang theo hệ thống tác chiến điện tử khiến cho hệ thống radar của khu trục USS Donald Cook không thể hoạt động được.
Sau khi bị tiêm kích Su-24 tiếp cận, khu trục USS Donald Cook đang trên đường tiếp cận vùng nước của Nga bỗng đột ngột đổi hướng đi tới một cảng của Rumani.