“Thời còn độc thân, việc chi tiêu hàng tháng có lỡ quá tay cũng không ảnh hưởng đến mình, nhưng sau khi có gia đình lại khác. Sau nhiều năm mà cả hai vợ chồng đều vật lộn với quản lý tài chính, kiếm được bao nhiêu xài hết bấy nhiêu, cuối cùng chúng mình đều thống nhất cần sống tối giản, hạn chế chi tiêu và gia tăng nguồn thu", đó là lời chia sẻ của Minh Nguyệt (SN 1997, sale manager tại công ty kinh doanh khóa học tại Hà Nội).
Dù tổng thu nhập của hai vợ chồng là 90-100 triệu đồng/tháng, nhưng vợ chồng Minh Nguyệt luôn đề cao chi tiêu hợp lý. Với gia đình cô (hai bố mẹ và 1 bé trai 4 tuổi), tiết kiệm không phải chắt bóp, mà là quá trình tích tiểu thành đại để sau này để họ đứng tên trên các tài sản lớn.
Nguyên tắc tài chính cụ thể của vợ chồng lương 90 - 100 triệu đồng/tháng
Hàng tháng, vợ chồng Minh Nguyệt luôn trích riêng 50 triệu đồng vào tài khoản tiết kiệm và dành tiền khác để mua 1-2 chỉ vàng. Riêng quỹ tiết kiệm, số tiền này đang được vợ chồng cô đầu tư vào đất và chưa có ý định dành tiền tham gia vào chứng khoán hay các loại tài sản khác.
Số tiền còn lại trong thu nhập là dành cho chi phí sinh hoạt. Cụ thể, các khoản chi tiêu của gia đình như sau:
- Chi phí dịch vụ ở chung cư, phí gửi xe cộ và điện nước: 5 triệu đồng.
- Tiền thuê giúp việc đến dọn nhà 1 lần/tuần và thuốc men dành cho gia đình: 5 triệu đồng.
- Các khoản chi còn lại (chi tiêu ăn uống hàng ngày, tiền học của con, biếu gia đình 2 bên, mua sắm đồ đạc cho gia đình): 20 triệu đồng.
Đã từng gặp khó khăn trong kiểm soát tài chính, nên đây là những cách để vợ chồng Minh Nguyệt khắc phục những điểm yếu trong quản lý chi tiêu.
Cô nàng cho biết: “Đầu tiên, vợ chồng mình lập một bảng chi tiết các khoản chi tiêu hàng tháng trong một năm qua. Nhờ đó, mình có thể chia ra khoản chi tiêu thành 2 phần.
Một là khoản bắt buộc phải trả hàng tháng, bao gồm tiền nhà ở, điện thoại, xăng xe, tiền học của con, tiền biếu gia đình 2 bên... (Đây là khoản chi tiêu mình không tự quyết định được, bởi chúng cố định và ít biến động theo tháng). Hai là khoản chi tiêu thay đổi, gồm tiền ăn uống ở nhà, tiền ăn hàng, tiền đi đám cưới,...
Còn về thu nhập, mình chia ra làm thu nhập chủ động (lương đi làm) và thu nhập bị động (tiền sinh lời từ bất động sản, chứng khoán hay mua vàng,...). Sở dĩ mình chia thu nhập thành hai, vì muốn tách bạch tiền kiếm được từ công việc văn phòng và tiền từ đầu tư. Đầu tư rất quan trọng, bởi chúng khiến tiền của mình sinh sôi nảy nở, thay vì để nguyên một cục mà không có kế hoạch nào cả".
Luôn có quỹ dự phòng và quỹ tiết kiệm cho tương lai
Sau khi đã có kế hoạch cụ thể về chi tiêu trong gia đình, vợ chồng Minh Nguyệt lại cố gắng xây dựng 2 quỹ riêng. Sở dĩ 2 quỹ này xuất hiện vì cặp đôi đã từng tìm hiểu nhiều về quản lý tài chính, nhận ra quỹ tiết kiệm và quỹ dự phòng sẽ vô cùng hữu ích trong thời điểm gia đình gặp biến cố, cần dùng tiền nhưng không biết xoay xở từ đâu.
- Đầu tiên về quỹ dự phòng
Quỹ dự phòng được vợ chồng Minh Nguyệt tích lũy để dùng vào trường hợp không lường trước được như thất nghiệp, bệnh tật hay tai nạn bất thường,... Hiện tại, quỹ này được họ xây dựng bằng tiền thưởng hàng tháng của hai vợ chồng và tiền lời từ bán vàng.
Theo lời khuyên từ các chuyên gia tài chính, quỹ dự phòng thường bằng 3-6 tháng phí sinh hoạt. Hiện vợ chồng Minh Nguyệt đã tích lũy được 100 triệu đồng, tức hơn 3 tháng sinh hoạt, nếu lấy mức chi tiêu hàng tháng là 30 triệu đồng. Quỹ dự phòng chỉ bằng tổng 3-6 tháng chi phí sinh hoạt sẽ không ảnh hưởng quá nhiều đến các mục tiêu tài chính khác, mà vẫn đảm bảo họ không gặp khó khăn trước các tình huống khẩn cấp.
- Thứ hai là quỹ tiết kiệm hàng tháng
Như chia sẻ ở trên, hàng tháng cặp đôi trích 50 triệu đồng vào quỹ tiết kiệm này. Ở quỹ tiết kiệm họ lại chia nhỏ thành 2 phần. Một phần chiếm 20% thu nhập để làm quỹ tiết kiệm dự phòng, phần còn lại là tiền đầu tư vào đất.
Để có quỹ tiết kiệm này, Minh Nguyệt cho rằng quan trọng là bạn biết kiềm chế ham muốn, để không chi tiêu quá tay vào tài khoản tiết kiệm. Ngoài ra, vợ chồng cô còn chọn chế độ tự động chuyển tiền vào ngày nhận lương hàng tháng sang tài khoản tiết kiệm luôn, chứ không đợi cuối tháng còn bao nhiêu tiền mới đem đi cất riêng.
“Tóm lại, với vợ chồng mình cốt lõi của việc tích lũy tiền bạc là tiết kiệm. Bởi bạn chẳng thể để dư nhiều tiền nếu luôn thấy khoản chi tiêu đó là xứng đáng bỏ ra. Do đó, sau khi trích 50% thu nhập vào khoản tiết kiệm, mình mới tính đến những mức tiêu dùng khác và dẻ xèn cho từng khoản chi. Và mình nghĩ nếu dùng tiền để mua sự thoải mái thì dù dùng lương 200, 500 triệu cũng không đủ với người tiêu hoang phí", Minh Nguyệt kết luận.