Áp lực ở Idlib
Mỹ và các đồng minh đang tiến hành một loạt các hành động gây hấn tập thể khi đồng thời làm gia tăng căng thẳng ở cả Idlib và vịnh Ba Tư.
Động thái này nhằm hướng đến mục tiêu buộc Syria , Iran và Nga phải nhượng bộ, các nhà phân tích chính trị nói với Sputnik.
Trong những ngày qua, Mỹ đã tăng cường chỉ trích Damascus và Moscow về tình hình ngày càng tồi tệ ở Idlib, cáo buộc hai nước gây ra các cuộc không kích "bừa bãi", điều mà Nga và Syria kiên quyết phủ nhận.
Moscow và Damascus nhấn mạnh rằng, họ đang chiến đấu chống lại nhóm khủng bố Hayat Tahrir Al Sham (HTS) – nhóm khủng bố nằm trong danh sách của Liên Hợp Quốc.
"Chúng tôi dứt khoát từ chối mọi cáo buộc về các cuộc tấn công bừa bãi. Chúng tôi không thực hiện các cuộc tấn công vào dân thường", đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc, ông Vassily Nebenzia tuyên bố.
Về phần mình, đại sứ Syria tại Liên Hợp Quốc Bashar Ja'afari nhấn mạnh rằng: "Người Syria và đồng minh không nhắm mục tiêu vào trường học hay bệnh viện".
Bình luận trên Sputnik, nhà phân tích chính trị Christopher Assad cho rằng, Mỹ và các đồng minh tại Liên Hợp Quốc đang cố tình gia tăng áp lực lên Nga, Iran và Chính phủ Syria để buộc họ "xem xét lại quyết tâm trong việc tiêu diệt khủng bố ở Idlib".
"Những chiến thuật gây áp lực này đi ngược lại với nghị quyết của Liên Hợp Quốc", chuyên gia Assad nhấn mạnh. Ông cũng lưu ý rằng một số mục tiêu dân sự ở Idlib hiện đang bị những kẻ khủng bố sử dụng làm "lá chắn người".
"Chiến dịch quân sự chống khủng bố ở Idlib sẽ có kết quả tốt hơn ngay khi thực hiện từ bây giờ", ông nói thêm.
Về phần mình, nhà bình luận chính trị Syria Ghassan Kadi nhận định: "Nga rất quyết tâm trong việc chấm dứt chiến tranh ở Syria, nhưng họ phải cố gắng tiến tới một giải pháp cuối cùng mang tính chiến lược".
"Xét cho cùng, lợi ích khu vực của Nga không bị hạn chế ở Syria, nhưng nơi này còn có cả Thổ Nhĩ Kỳ và Israel. Tổng thống Putin không muốn quay trở lại những ngày tháng đối đầu giữa Đế quốc Nga và Đế chế Ottoman. Nga phải có mối quan hệ tốt với Thổ Nhĩ Kỳ và những người khác phải hiểu và chấp nhận điều này", chuyên gia Kadi bình luận.
Mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ đang duy trì quyền kiểm soát ở khu vực Idlib, cuối cùng nước này sẽ phải rút khỏi khu vực và chuyển giao quyền lực lại cho Damascus, ông nhấn mạnh.
Idlib và Vịnh Ba Tư tập trung sự chú ý của thế giới
Sự cố ở vịnh Oman khiến nhiều người hoài nghi về động thái của Mỹ.
Vào ngày 22/5, Mỹ tuyên bố đã thấy các dấu hiệu về việc Chính phủ Syria có thể "lại sử dụng vũ khí hóa học" ở Idlib để tạo điều kiện cho việc chiếm lại thành trì cuối cùng của phe thánh chiến.
Washington cảnh báo sẽ đáp trả "nhanh chóng và phù hợp" nếu những nghi ngờ trên được chứng minh. Tuy nhiên, cho đến nay, không có bằng chứng nào ủng hộ các tuyên bố của Mỹ được đưa ra.
Trước đó vào ngày 21/5, người đứng đầu trung tâm hòa giải Syria của Nga , Thiếu tướng Viktor Kupchishin đã cảnh báo về việc kẻ khủng bố đang lên kế hoạch tấn công hóa học ở khu vực giảm leo thang Idlib.
Giới phân tích tin rằng, tình huống này có sự tương đồng với các cáo buộc tấn công hóa học lần trước của Mỹ ở Khan Shaykhun và Douma, vào năm 2017 và 2018.
Khi đó, chính quyền Trump đã nhanh chóng đổ lỗi cho Damascus, dẫn đến các cuộc tấn công tên lửa lớn của Mỹ và các đồng minh vào các mục tiêu của Chính phủ Syria.
"Những gì chúng ta đang thấy bây giờ là một hành động tập thể, không chỉ ở Syria, mà cả ở Vịnh Ba Tư. Đây là trò chơi theo kiểu xem ai chớp mắt trước", nhà phân tích chính trị Kadi nêu quan điểm, đề cập đến sự cố ở Vịnh Oman vào tháng 5 và tháng 6 vừa qua, khi Mỹ nhanh chóng kết án Iran đứng đằng sau.
Sự đối đầu giữa Mỹ-Iran đang leo thang nhanh chóng. Sự cố ở Vịnh Oman tiếp diễn cùng với việc Iran bắn hạ máy bay không người lái trinh sát RQ-4 Global Hawk của Mỹ, khi bị cáo buộc đang có hành vi do thám trong lãnh thổ nước này.
Động thái của Tehran được ông Trump gọi là "một sai lầm rất lớn", trong khi một số cơ quan truyền thông Mỹ loan tin rằng Tổng thống Mỹ sắp cho phép một cuộc tấn công vào Iran.
Tuy nhiên, trong động thái tiếp theo, ông Trump tuyên bố sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt mới đối với Iran, đặc biệt nhắm vào lãnh đạo tối cao Ali Khamenei.
Đáp lại, Tehran thẳng thừng nói rằng, các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với nhà lãnh đạo tối cao Iran đồng nghĩa với việc "đóng cửa vĩnh viễn con đường ngoại giao".
Khi căng thẳng ở Trung Đông gia tăng, tất cả phụ thuộc vào những thế lực trong khu vực, đặc biệt là Thổ Nhĩ Kỳ, chuyên gia Kadi cho hay.
"Tổng thống Recep Tayyip Erdogan phải quyết định ông muốn đứng ở bên nào. Rốt cuộc, ông là lãnh đạo một quốc gia thành viên NATO nhưng lại có mối quan hệ với Nga tốt hơn so với Mỹ", nhà phân tích chính trị nói.