Theo bài công bố trên tạp chí khoa học Nature and Science of Sleep, người mắc chứng ngưng thở khi ngủ (OSA), thường được "báo động" bằng hiện tượng ngáy, có nhiều khả năng đang bị tăng nồng độ triglyceride trong máu.
Triglyceride, tức chất béo trung tính, là một dạng mỡ máu , thường đi kèm với sự gia tăng nồng độ các loại mỡ máu khác bao gồm cholesterol xấu và cholesterol toàn phần. Triglyceride tăng cao sẽ bám vào thành động mạch, làm tắc nghẽn quá trình lưu thông máu và có nguy cơ dẫn đến các biến cố tim mạch nguy hiểm.
Mối liên quan mật thiết giữa chứng ngưng thở khi ngủ và tình trạng tăng triglyceride vừa được chứng minh (Ảnh minh họa từ Internet)
Theo giải thích của giáo sư Gary Wittert từ Đại học Adelaide (Úc), tác giả của đề tài nghiên cứu chứng ngưng thở khi ngủ là một hội chứng đặc trưng bởi sự tắc nghẽn một phần hoặc hoàn toàn đường hô hấp trên, dẫn đến tình trạng thiếu ôxy không liên tục, có thể đi kèm với tình trạng gián đoạn giấc ngủ hoặc buồn ngủ vào ban ngày.
Trước đây, chứng ngưng thở khi ngủ đã được liên kết với các vấn đề tim mạch, tuy nhiên nguyên nhân chưa rõ ràng. Khảo sát mới dựa trên 753 tình nguyện viên nam giới từ 40 tuổi trở lên cho thấy ngay cả những người không thừa cân nhưng triglyceride cao thì vẫn gặp chứng ngưng thở khi ngủ.
Theo Sci-News, phát hiện ra mối liên hệ này đặc biệt có ý nghĩa để tăng cơ hội phát hiện cả 2 tình trạng sức khỏe. Nếu bạn hay ngáy, nên kiểm tra lại mỡ máu; ngược lại nếu bạn có triglyceride tăng cao, coi chừng nguy cơ mắc chứng ngưng thở khi ngủ mà không hay (nhiều người do ngủ một mình nên không phát hiện rằng mình ngáy, dẫn đến điều trị chậm trễ) , nhất là khi bạn thấy mình hay mệt mỏi, buồn ngủ vặt ban ngày.