Theo SciTech Daily, nhà nghiên cứu Yomma E.Dean từ Đại học Alexandria (Ai Cập) và các cộng sự đã xác định được 153.881 người bị mất ngủ trong số hơn 1,18 triệu người được thu thập dữ liệu. Tổng cộng có 12.398 người ở nhóm không mất ngủ bị nhồi máu cơ tim trong thời gian theo dõi, trong khi nhóm mất ngủ - dù chỉ chiếm 13% - đã có 2.406 người gặp phải biến cố chết người này.
Mất ngủ hay ngủ quá nhiều đều có thể tác động mạnh đến nguy cơ nhồi máu cơ tim - Ảnh minh họa từ Internet
Xét về tỉ lệ trên thời gian ngủ cụ thể hơn, họ chỉ ra rằng một trong hai nhóm người có nguy cơ nhồi máu cơ tim cao nhất là người ngủ đêm ít hơn 5 tiếng, với nguy cơ cao hơn 38% và 56% khi lần lượt so với nhóm ngủ 6 tiếng và nhóm ngủ 7-8 tiếng mỗi đêm.
Bất ngờ hơn, một nhóm trong số những người không mất ngủ cũng có nguy cơ nhồi máu cơ tim rất cao, tương đương với nhóm ngủ dưới 5 tiếng: Đó là những người "ngủ ngon" quá mức cần thiết, 9 tiếng trở lên.
Thậm chí người chỉ ngủ 6 tiếng - dù đã làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim - vẫn an toàn hơn những người ngủ 9 tiếng trở lên.
Kết quả này hỗ trợ một số phát hiện trước đây cho thấy ngủ quá nhiều hay quá ít đều có thể gây hại cho sức khỏe tim mạch.
Đáng lo hơn, nguy cơ nhồi máu cơ tim tăng gấp đôi ở người bị rối loạn giấc ngủ nói chung có đi kèm với bệnh tiểu đường. Người mất ngủ lâu ngày cũng có khả năng dẫn đến tình trạng này bởi rối loạn giấc ngủ là yếu tố thúc đẩy cao huyết áp, cholesterol cao, tiểu đường type 2.
Vì những lý do đó, nghiên cứu vừa được công bố trên Clinical Cardiology này đề xuất nên xem rối loạn giấc ngủ như một tiêu chi đánh giá yếu tố nguy cơ tim mạch.