Gần 5.000 quân tan vỡ trong 2 tháng: Saudi "chia 3" Yemen hay quyết phục thù Houthi?

Hoài Giang |

Houthi đã phát động các chiến dịch quân sự với nỗ lực giảm bớt áp lực tại Hodeidah bằng cách gây thiệt hại nặng cho Arab Saudi lên tới con số gần 5.000 quân.

Ngày 29/9, lực lượng dân quân Houthi tuyên bố đã thực hiện một chiến dịch quân sự quy mô lớn tại khu vực Najran ở miền nam Arab Saudi, chiến dịch nói trên đã gây thương vong lớn cho lực lượng an ninh Saudi cũng như binh sĩ đồng minh người Yemen.

Trong bối cảnh chiến sự Yemen tiếp tục leo thang và giúp độc giả có cái nhìn đa chiều về cuộc chiến, chúng tôi xin được lược dịch bài viết The Future Structure of the Yemeni State (tạm dịch: Cấu trúc tương lai của Liên bang Yemen) của nhà phân tích Stephen W. Day được tổ chức Middle East Institute xuất bản tháng 8/2019.

Từ Sanaa 2017 đến Hodeidah 2018 và Aden 2019, hai lực lượng Houthi ở Yemen?

Sau hơn hai năm can thiệp, vào năm 2017 lực lượng liên minh Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) do Arab Saudi dẫn đầu can thiệp Yemen đã lâm vào thế bế tắc. Các mặt trận chính tấn công lực lượng Houthi đã bị "đóng băng".

Đầu năm 2018, lực lượng chính phủ Yemen dưới yểm trợ của Liên quân đã tiến quân men theo bờ Biển Đỏ dưới sự chỉ huy của các chỉ huy quân sự thuộc Hội đồng chuyển tiếp miền nam (STC).

Cuộc tiến quân được hỗ trợ bởi Tareq Mohammed Saleh, cháu trai của cố tổng thống Yemen Ali Abdullah Saleh, người đã ủng hộ Houthi kiểm soát thủ đô Sanaa sau một cuộc đảo chính quân sự năm 2014.

Gần 5.000 quân tan vỡ trong 2 tháng: Saudi chia 3 Yemen hay quyết phục thù Houthi? - Ảnh 1.

Chiến binh Houthi và xe bọc thép chiến lợi phẩm hôm 28/9.

Năm 2017, Saleh bắt đầu phản đối các thủ lĩnh Houthi. Vào tháng 12 năm đó, các cuộc đụng độ dữ dội giữa lực lượng trung thành với Saleh và Houthi đã nổ ra trên đường phố Sanaa.

Sau cái chết của Saleh, người cháu trai Tareq và các chiến binh trung thành đã rút khỏi Sanaa và liên kết với kẻ địch cũ, lực lượng chính phủ Yemen để tiến quân về thành phố Hodeidah, một cảng biển chiến lược trên bờ Biển Đỏ.

Giao tranh đẫm máu tại Hodeidah diễn ra trong cả năm 2018, tuy nhiên Houthi vẫn tiếp tục kiểm soát cảng biển chiến lược dưới áp lực quân sự liên tục của quân chính phủ.

Mùa thu năm 2018, dưới sự trung gian không mệt mỏi của Liên Hiệp Quốc, đại diện của các bên tham chiến tại Hodeidah đã gặp nhau để đàm phán ở Thụy Điển. Họ đã đồng ý rút các đơn vị vũ trang khỏi thành phố và bàn giao nó cho LHQ.

Tuy nhiên, Thỏa thuận Stockholm không tồn tại được lâu, các bên tham chiến đã không tuân thủ các điều khoản rút quân, cuộc chiến vẫn tiếp tục và lan rộng ra các khu vực khác ở Yemen cũng như biên giới Arab Saudi.

Gần 5.000 quân tan vỡ trong 2 tháng: Saudi chia 3 Yemen hay quyết phục thù Houthi? - Ảnh 2.

Bản đồ các khu vực kiểm soát theo phe phái tại thành phố cảng Hodeidah tháng 9/2019.

Một trong những rào cản chính khiến cuộc chiến vẫn tiếp diễn đó là vì các bên tham chiến muốn sở hữu "đòn bẩy" khi các cuộc đàm phán chuyển sang các vấn đề quan trọng hơn, chẳng hạn như cấu trúc chính trị của Yemen và cấu trúc tương lai của một nhà nước liên bang.

Vấn đề chính ở Yemen, nơi các phe phái đối địch không tuân thủ đầy đủ các điều khoản thỏa thuận hòa bình của LHQ đó là do sự mơ hồ về cấu trúc chính trị Yemen trong tương lai.

Hiện tại tồn tại nhiều chính quyền đối lập nhau ở khắp nơi và các cá nhân nắm quyền không đồng thuận trong việc trở thành các quốc gia thành viên của liên bang Yemen.

Trên hết, họ cũng không đồng thuận về việc các quốc gia này nên độc lập hay liên kết thông qua hệ thống liên bang.

Điều đó chứng minh bằng việc vào tháng 8/2019, bằng một cuộc đảo chính đẩy lui lực lượng chính phủ Yemen, STC đã nắm quyền kiểm soát thành phố cảng Aden họ đã trở thành một "Houthi thứ hai" với mong muốn các vùng đất miền nam Yemen trở thành một quốc gia độc lập.

Gần 5.000 quân tan vỡ trong 2 tháng: Saudi chia 3 Yemen hay quyết phục thù Houthi? - Ảnh 4.

Bản đồ các phe tham chiến và các khu vực kiểm soát trong lãnh thổ Yemen tháng 9/2019, lực lượng Houthi (tím) và STC (vàng) hiện không có giao tranh trực tiếp mà chủ yếu là với lực lượng chính phủ Yemen do Liên minh hậu thuẫn (xanh) và al-Qaeda (đen).

Ba "thành bang" Aden, Sanaa và Marib

Chỉ 2 tháng trước khi cuộc can thiệp của Liên minh do Arab Saudi diễn ra vào ngày 26/3/2015, ở Yemen đã tồn tại một kế hoạch tái cấu trúc dưới hình thức liên bang. Kế hoạch này dựa trên kết quả của Hội nghị Đối thoại Quốc gia (NDC) do Liên Hợp Quốc tài trợ tổ chức tại Sanaa.

Sau khi NDC kết thúc, ủy ban của chính phủ Yemen đã quyết định tái cấu trúc Yemen thành một quốc gia liên bang gồm 6 khu vực.

Một hiến pháp mới đã được chuẩn bị vào đầu tháng 1/2015 với kế hoạch trưng cầu dân ý trước cuộc bầu cử và thành lập một chính phủ mới vào cuối năm đó. Tuy nhiên lực lượng Houthi cùng với Saleh đã không đồng ý với kế hoạch, và cuộc chiến đã bùng nổ.

Câu hỏi về cấu trúc tương lai của Yemen rõ ràng là trung tâm của các vấn đề. Sức mạnh quân sự và chính trị ngày càng tăng của Houthi và STC làm cho điều này trở nên rõ ràng.

Gần 5.000 quân tan vỡ trong 2 tháng: Saudi chia 3 Yemen hay quyết phục thù Houthi? - Ảnh 5.

Một người lính STC trước đám đông đòi độc lập cho miền nam Yemen, tháng 8/2019.

Chiến tranh càng kéo dài thì kế hoạch liên bang càng cần phải được xem xét thực hiện vì những lợi thế "đòn bẩy" trên chiến trường có thể trở thành lý do để các phe tiếp tục mở rộng giao tranh.

Điều này đặc biệt đúng khi STC tiếp tục củng cố nơi đứng chân xung quanh Aden và Ansar Allah (tên khác của lực lượng Houthi) đã mở rộng khu vực ảnh hưởng sau các chiến thắng vào sâu trong lãnh thổ Arab Saudi.

Một kịch bản tồi tệ cho chính phủ Yemen (Arab Saudi hậu thuẫn) là STC (UAE hậu thuẫn) và Houthi (Iran hậu thuẫn) sẽ có những cuộc đàm phán riêng rẽ, nhằm thiết lập một liên minh với hai "thành bang" Sanaa và Aden tiến tới chia sẻ quyền kiểm soát toàn bộ đất nước.

Nếu kịch bản này xảy ra, Arab Saudi quốc gia láng giềng có ảnh hưởng lớn nhất ở các vùng đất phía đông bắc của Yemen, đặc biệt là tỉnh Marib sẽ phải thu xếp để lực lượng chính phủ Yemen (trung thành với Hadi và Tareq) dời thủ đô về khu vực này.

Gần 5.000 quân tan vỡ trong 2 tháng: Saudi chia 3 Yemen hay quyết phục thù Houthi? - Ảnh 7.

Một kịch bản "chia 3" Yemen được chia sẻ bởi người Arab Saudi trên mạng xã hội.

Hodeidah sẽ là chiến trường chính cuối năm 2019?

Động lực tham chiến của lực lượng Houthi xuất phát từ năng lực chiến đấu của các chiến binh trên cao nguyên nằm giữa thủ đô Sanaa và tỉnh Saada để tìm kiếm quyền bá chủ trên toàn bộ Yemen và miền nam Arab Saudi.

Vào ngày 11/5 Houthi tuyên bố rút quân đơn phương khỏi cảng Hodeidah. Vào tháng 7, UAE tuyên bố sẽ rút bớt quân khỏi Hodeidah nói riêng và Yemen nói chung, điều đó đồng nghĩa với việc đồng minh STC của họ cũng rút quân về miền nam.

Nhưng các lực lượng dân quân chính phủ Yemen và lính đánh thuê Sudan dưới sự chỉ huy của Liên minh do Arab Saudi dẫn đầu vẫn tiếp tục tấn công vị trí của Houthi ở Hodeidah.

Nguy hiểm hơn, liên minh và Houthi tiếp tục chiến đấu trên các mặt trận khác mà đỉnh điểm là các thất bại của liên minh vào ngày 28/8 tại quận Ketaf của tỉnh Saada (thiệt hại khoảng 2.000 quân) và ngày 28/9 tại Najran, Arab Saudi (thiệt hại khoảng 2.500 quân).

Gần 5.000 quân tan vỡ trong 2 tháng: Saudi chia 3 Yemen hay quyết phục thù Houthi? - Ảnh 9.

Mặc dù Houthi tuyên bố trận bao vây hôm 28/9 diễn ra ở Najran, Arab Saudi tuy nhiên dựa theo bản đồ họ cung cấp thì khu vực giao tranh vẫn nằm ở tỉnh Sanaa, Yemen.

Rõ ràng Houthi đã phát động các chiến dịch quân sự quy mô với một nỗ lực rõ ràng để giảm bớt áp lực tại Hodeidah bằng cách tấn công các khu vực quan trọng của Arab Saudi.

Nếu Arab Saudi tiếp tục thất bại tại biên giới, người Mỹ tiếp tục tăng cường binh lực tại vương quốc Vùng Vịnh (liên quan tới cáo buộc Iran đứng sau lực lượng Houthi trong cuộc tập kích hôm 14/9), trận chiến Hodeidah có thể sẽ tái khởi động vào cuối năm 2019.

Nhưng ngay cả khi cuộc chiến Hodeidah không xảy ra, chưa có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy LHQ có thể biến Thỏa thuận Stockholm thành một tiến trình hòa bình đủ động lực cho các phe để kết thúc chiến tranh và trả lời được câu hỏi: Cấu trúc tương lai của Yemen như một nhà nước liên bang như thế nào?

Middle East Institute (Viện nghiên cứu Trung Đông) được thành lập năm 1944 tại Thủ đô Washington DC và là tổ chức lâu đời nhất Hoa Kỳ chuyên nghiên cứu chi tiết về tình hình Trung Đông.

Tiến sĩ Stephen W.Day là giáo sư về các vấn đề quốc tế tại Đại học Rollins ở Winter Park, ông cũng giảng dạy tại Đại học Indiana, Đại học St. Lawrence và Đại học Stetson.

Stephen W.Day đồng thời là một nhà phân tích chuyên về Trung Đông, tập trung vào Yemen và bán đảo Arab với nhiều bài phân tích có uy tín.

Cảnh quay tại chiến trường Najran, Arab Saudi hôm 28/9 nơi 3 lữ đoàn bị Houthi bao vây và ra hàng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại