Financial Times: Phương Tây cạn đạn dược, không thể cung cấp cho Ukraine

Thu Thủy |

Tờ Financial Times đưa tin, Mỹ và phương Tây đang bị thiếu hụt vũ khí, điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng phương Tây cung cấp vũ khí đáp ứng nhu cầu của Ukraine trong cuộc chiến chống Nga.

Do sức tiêu thụ quá lớn của Quân đội Ukraine, kho dự trữ đạn dược của các nước phương Tây đã cạn kiệt (Ảnh: Toutiao).

Do sức tiêu thụ quá lớn của Quân đội Ukraine, kho dự trữ đạn dược của các nước phương Tây đã cạn kiệt (Ảnh: Toutiao).

Theo báo này, Washington vào tháng 5 đã đặt hàng sản xuất 1.300 tên lửa phòng không Stinger để thay thế các tên lửa của họ đã viện trợ cho Ukraine , nhưng giám đốc điều hành của Raytheon Defense, công ty sản xuất loại tên lửa này đã trả lời rằng sản xuất số tên lửa này phải "cần một số thời gian".

Paris cũng đã vận chuyển 18 khẩu pháo tự hành Caesar tới Kiev, chiếm 1/4 tổng số loại pháo công nghệ cao này trong kho của nước Pháp. Có thông tin cho biết nhà sản xuất Nexter của Pháp phải mất khoảng 18 tháng để chế tạo số lượng pháo mới để bù vào.

Bài viết của Financial Times nhấn mạnh rằng cuộc chiến Ukraine cho thấy sự thiếu hụt nghiêm trọng nguồn dự trữ quốc phòng của phương Tây, đặc biệt là các loại vũ khí cơ bản quan trọng như đạn pháo - trụ cột chủ yếu trong cuộc chiến đấu của Ukraine với Nga .

Tờ báo cũng đưa tin rằng, do các quốc gia này cũng phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt về năng lực sản xuất, việc làm và chuỗi cung ứng, cũng như khan hiếm chip máy tính, nên sẽ phải mất rất nhiều thời gian để bù đắp cho sự thiếu hụt dự trữ quốc phòng.

Financial Times: Phương Tây cạn đạn dược, không thể cung cấp cho Ukraine - Ảnh 1.

Pháo tự hành Caesar Pháp viện trợ cho Ukraine (Ảnh: AFP).


Các quan chức quốc phòng và các nhà phân tích coi lỗ hổng này cho thấy sự buông lỏng của phương Tây đối với mối đe dọa quân sự tiềm tàng kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Hậu quả của việc này đã hiện rõ khi các nước phương Tây tìm cách hỗ trợ Ukraine về mặt quân sự để chống Nga.

Các quan chức quốc phòng và các nhà phân tích cũng cho rằng nỗi ám ảnh của phương Tây về theo đuổi vũ khí công nghệ cao và sản xuất tinh gọn đã làm lu mờ tầm quan trọng của việc duy trì kho dự trữ các vũ khí thiết bị cơ bản thiết yếu.

Sự trở lại của Công nghiệp Chiến tranh

Financial Times dẫn lời ông Jimmy Shea, cựu giám đốc hoạch định chính sách của NATO nói: "Ukraine là một bài học cho thấy các cuộc chiến thường giành được chiến thắng nhờ vũ khí cổ điển, lực lượng mặt đất và sự chiếm đóng"; ông đồng thời cho biết thêm rằng "chứng kiến ​​một sự cân bằng quân sự chuyển từ cũ sang mới cần phải quay trở lại thời đại trước đây."

Tờ Financial Times viết, việc thiếu vũ khí hiện có thể ảnh hưởng đến khả năng của phương Tây cung cấp vũ khí cho Kyiv trong cuộc chiến với Nga.

Tờ báo cũng chỉ ra rằng, ví dụ, Alex Vershinin, một chuyên gia về mua sắm của Mỹ, nói rằng tổng sản lượng đạn pháo 155mm hàng năm của Mỹ sẽ chỉ đáp ứng nhu cầu của các chiến binh Ukraine trong vòng chưa đầy hai tuần chiến đấu. Ông bổ sung: cuộc xung đột Nga-Ukraine đã thúc đẩy "sự phục hồi của công nghiệp chiến tranh".

Financial Times: Phương Tây cạn đạn dược, không thể cung cấp cho Ukraine - Ảnh 2.

Mỹ đã viện trợ cho Ukraine 8 hệ thống phóng tên lửa nhiều nòng HIMARS với số lượng lớn đạn kèm theo (Ảnh: AP).


Những gì đang xảy ra giống như cuộc khủng hoảng đạn pháo năm 1915

Một bình luận khác của Financial Times, trích lời cựu giám đốc hoạch định chính sách của NATO Jimmy Shea, cho rằng tình trạng thiếu vũ khí hiện ảnh hưởng đến nguồn cung cấp của phương Tây cho Ukraine "tương tự như cuộc khủng hoảng lớn về đạn pháo trong Thế chiến thứ nhất", đề cập đến cuộc khủng hoảng năm 1915.

Vào thời điểm đó, việc sử dụng rộng rãi pháo binh trong chiến tranh chiến hào cho thấy các kho dự trữ của Anh đang cạn kiệt đạn dược, sự thiếu hụt này gây ra thiệt hại lớn về sinh mạng của quân đội Anh và khiến ông thủ tướng khi đó phải từ chức.

Financial Times cũng dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace nói, nếu phương Tây phát động một cuộc chiến kéo dài, giống như chiến tranh Nga-Ukraine, họ sẽ bị ảnh hưởng vì kho đạn dược của họ "không đủ để đối phó với những mối đe dọa trước mắt".

Báo cáo lưu ý rằng Anh đã cạn kiệt đạn dược sau cuộc tập trận giả định kéo dài 8 ngày vào năm ngoái, cho rằng thật khó tin là phương Tây đã ở bên bờ cạn kiệt vũ khí cơ bản do cung cấp vũ khí cho Ukraine.

Nguyên nhân gây nên sự thiếu hụt?

Tờ Financial Times cho rằng nếu kết hợp ngân sách quốc phòng 66 tỉ USD của Nga với chi tiêu quốc phòng 293 tỉ USD của Trung Quốc năm ngoái, thì chi tiêu quốc phòng của họ vẫn là một con số nhỏ so với ngân sách quốc phòng hơn 1,1 nghìn tỉ USD của các nước thành viên NATO.

Tuy nhiên, một phần rất lớn chi tiêu vũ khí của NATO dành cho việc sản xuất các hệ thống và vũ khí tiên tiến, chẳng hạn như các máy bay chiến đấu mà phương Tây không sử dụng trong cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Financial Times: Phương Tây cạn đạn dược, không thể cung cấp cho Ukraine - Ảnh 4.

Một số lượng rất lớn tên lửa chống tăng Javelin được lấy từ kho dự trữ của Mỹ và các nước NATO để cung cấp cho Ukraine (Ảnh: aljazeera.net).


Trong hơn 20 năm qua, phương Tây đã dành phần lớn lực lượng phòng thủ cho việc chống lực lượng nổi dậy ở Trung Đông, thay vì chuẩn bị cho một cuộc chiến dựa vào xe tăng và pháo hạng nặng như ở Ukraine hiện nay.

Tờ báo cho rằng, sau nhiều thập kỷ tập trung vào "sản xuất hàng tinh gọn", hiệu quả tài chính và tăng cường công nghiệp hóa đã làm trầm trọng thêm các vấn đề cung ứng quân sự không phù hợp lợi ích của các nhà hoạch định quân sự muốn duy trì kho dự trữ loại vũ khí đắt tiền.

Financial Times lưu ý rằng việc thiếu hụt kho đạn dự trữ cuối cùng đã buộc Vương quốc Anh phải mua đạn pháo từ một bên thứ ba, được cho là một đại lý tư nhân ở Bỉ, để vận chuyển tới Ukraine.

Ở Mỹ, Lầu Năm Góc hiện chỉ dựa vào 5 nhà thầu chính để sản xuất vũ khí quốc phòng, ít hơn nhiều so với 51 hãng sản xuất hồi những năm 1990.

Financial Times dẫn lời một cố vấn quốc phòng phương Tây nói: "Từ lâu nay, quan điểm phổ biến là phương Tây sẽ không gây chiến tranh công nghiệp nữa, vì vậy hầu như không nước nào còn giữ được khả năng tăng cường sản xuất các trang thiết bị chủ chốt của quốc gia mình."

Báo cáo kết luận rằng nhiều chuyên gia quân sự đang theo dõi chặt chẽ cuộc xung đột ở Ukraine để làm rõ tính chất của chiến tranh hiện nay. Bài học đầu tiên mà họ rút ra cho đến nay có lẽ là tầm quan trọng của việc duy trì kho dự trữ vũ khí cơ bản, giống như Jack Watling, thành viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu quân chủng liên hợp An ninh Quốc gia Hoàng gia Anh (Royal United Services Institute for Defence and Security Studies, RUSI) đã kết luận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại