Thiếu tướng David Kumashiro, đại diện Không quân Mỹ cho biết, quá trình tích hợp nói trên đang được thực hiện.
Sau khi kết nối, X-37B có thể đóng vai trò như vệ tinh lâm thời kết nối và trao đổi mọi thông tin giữa các máy bay tàng hình F-22 và F-35 với mọi phương tiện tác chiến trong khu vực kiểm soát.
Theo lời ông David Kumashiro, sự kết hợp trên cho phép các phi công máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 có khả năng nhận định không gian toàn cảnh trên chiến trường tốt hơn bằng các ảnh vệ tinh theo mốc thời gian thực.
Cuối tháng 10-2019, phương tiện bay X-37B sau khi hoàn thành chuyến bay kéo dài kỷ lục 780 ngày trên quỹ đạo đã trở về Trái Đất an toàn.
Đánh giá về vai trò của phương tiện bay quỹ đạo X-37B, chuyên gia quân sự Marco Langbrook cho biết, xét trên khả năng cơ động, phương tiện bay vũ trụ trên có khả năng tương đương với vệ tinh quân sự hoạt động ở quỹ đạo thấp.
Chính khả năng cơ động và khó bị theo dõi của X-37B đã khiến các đối thủ của Mỹ phải đau đầu tìm phương án đối phó.
Dù được công khai là phương tiện vũ trụ hoạt động với mục đích phi quân sự của NASA, nhưng giới phân tích quân sự cho rằng, X-37B có thể là thử nghiệm của Không quân Mỹ về một phương tiện bay có khả năng bắn hạ vệ tinh của đối phương.
Việc kết nối với các máy bay tàng hình với phương tiện bay không gian này sẽ mở rộng khả năng tác chiến của cả hai trên không trung và trong không gian.
Hiện tại, một số quốc gia cũng đang theo đuổi chương trình máy bay không gian. Trung Quốc mới đây đã công bố nguyên mẫu công nghệ của một thiết bị máy bay không gian tương lai. Tuy nhiên, thử nghiệm trên mới dừng ở mức nguyên mẫu mô hình khí động.