Sự tưởng tượng của nhà báo Trung Quốc
Theo báo Vzglyad (Nga), hơn một ngày qua, trên nhiều trang thông tin internet tại Nga, người ta bàn luận sôi nổi tin tức về việc chiếc máy bay ném bom mang tên lửa Tu-160 đã "cắt đuôi" thành công cùng lúc 2 chiếc tiêm kích F-35 của Mỹ trên vùng biển Nhật Bản.
Tuy nhiên, ngay sau đó, người ta phát hiện ra rằng toàn bộ câu chuyện này chỉ là trí tưởng tượng của một nhà báo Trung Quốc "thiếu đạo đức". Vậy thực sự điều gì đã xảy ra?
Câu chuyện về việc các máy bay tiêm kích Mỹ đã cố gắng chặn đầu chiếc máy bay ném bom chiến lược Tu-160 (Thiên nga trắng) của Nga được dựng lên rất thuyết phục. Như tờ báo Sina của Trung Quốc viết, hai chiếc tiêm kích thế hệ thứ 5 F-35 Lightning II đã đưa vào tầm theo dõi chiếc máy bay ném bom mang tên lửa bay trên biển Nhật Bản.
Song, theo khẳng định của nhà báo Trung Quốc, chiếc máy bay ném bom đã dễ dàng bỏ lại phía sau các tiêm kích F-35 khi kích hoạt chế độ đốt sau. Những phi công Mỹ đã bị hạ nhục – hay "mất mặt" theo như tác giả của bài viết này mô tả. Người này còn nêu rõ rằng sự việc xảy ra từ hôm 03/11, và dường như hãng thông tấn "Sputnik" của Nga đã thông báo về điều đó.
"Tiêm kích tàng hình thế hệ 5 Mỹ không đuổi kịp máy bay ném bom Nga" - Đó chỉ là câu chuyện tưởng tượng và thêu dệt của nhà báo Trung Quốc.
Để thêm sức thuyết phục, tác giả bài viết của hãng thông tấn Trung Quốc thậm chí còn thêm cả những chi tiết kỹ thuật – lấy ví dụ, trong cơ chế đốt sau, "Thiên nga trắng" đạt tới vận tốc 2,05M – tương đương 2,2 nghìn km/h, còn động cơ đốt sau Pratt & Whitney F135 được lắp đặt tên F-35 có thể cho phép chiếc tiêm kích đạt tới vận tốc 1,8M (1,93 nghìn km/h).
Hãng thông tấn của Trung Quốc nhấn mạnh rằng, chiếc máy bay ném bom chiến lược nặng 110 tấn (trọng lượng rỗng) đã có thể dễ dàng cho các tiêm kích nặng 13 tấn của Mỹ "ngửi khói trong chớp mắt". Nói chung, theo Vzglyad, tất cả những thông số này có thể dễ dàng tìm thấy trên các bài viết của "Wikipedia".
Câu chuyện "cổ tích" hay "Bẫy lừa"
Thông tin giật gân được các hãng thông tấn hàng đầu khai thác, theo sau họ là nhiều tờ báo. Tuy nhiên, trong quá trình kiểm chứng thông tin, Vzglyad nhận thấy hãng thông tấn "Sputnik" không hề đưa ra thông tin này, còn bản thân hãng Sina, như các đồng nghiệp phía Trung Quốc chia sẻ thì đây không được coi là nguồn thông tin đáng tin cậy ở Trung Quốc.
Ngoài ra, trên các blog bắt đầu xuất hiện cả những đánh giá của các chuyên gia quân sự, khi thẳng thừng gọi câu chuyện về Tu-160 cắt đuôi F-35 là "cổ tích". Thứ nhất, theo thông tin của họ, không có bất cứ tiêm kích F-35A của Mỹ nào bay gần lãnh hải Nhật Bản trong thời gian gần đây.
Thứ hai, bộ tổng tham mưu quân đội Nhật Bản thường thông tin chi tiết về tất cả các trường hợp những máy bay chiến đấu cỡ lớn của Nga hoạt động gần biên giới của mình. Tuy nhiên, trong tuần đầu tiên của tháng 11, cơ quan này không hề thông báo về những trường hợp tương tự giống như họ vẫn làm trong thời gian gần đây.
Đó là còn chưa nói tới việc Bộ Quốc phòng Nga hôm thứ Sáu vừa qua không hề đưa ra bất cứ bình luận nào về sự việc trên. Nói tóm lại, cả các nhà báo Nga cũng không muốn phiền phức đặt những câu hỏi tương tự với cơ quan này.
Bài viết về Tu-160 đăng trên trang mạng Sina. Theo tờ Vzglyad, Sina không được xem là nguồn tin đáng tin cậy ở Trung Quốc.
Cũng được biết rằng các "Thiên nga trắng", thông thường nếu có bay trên biển Nhật Bản và các vùng biển lân cận, thì luôn có sự hộ tống của những bay tiêm kích, chứ không bay một mình. Đó là chưa kể tới việc các máy bay ném bom Nga bị cấm hoạt động trên biển một mình – tối thiểu phải có hai chiếc.
Giới quân sự cũng lưu ý tới việc kế hoạch bay của Tu-160 tại khu vực Viễn Đông trong năm nay đã hoàn thành, bởi vậy khó có khả năng chiếc nào đó được cử tới đây trong tháng 11. Giả sử nếu như trường hợp đó vẫn xảy ra thì các kênh truyền hình quốc gia Nga sẽ phải thông báo trước tiên, chứ không thể là Trung Quốc.
Các chuyên gia cho rằng, câu chuyện liên quan tới "Thiên nga trắng" sẽ phải trở thành liều "thuốc tiêm phòng" bổ sung trước những thông tin giả mạo đối với báo chí Nga.
"Chúng ta đang sống trong thời kỳ không thể kiểm chứng được những luồng thông tin mang tính rủi ro cao.
Tất cả thứ này giống như câu chuyện 'cụ bà ngồi ở sân khu tập thể kể rằng...', chỉ có điều đây là thông tin trực tuyến" - Cựu cố vấn của tổng thống Nga về các vấn đề phát triển internet, đồng chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Nga về phát triển công nghệ thông tin và kinh tế số, ông German Klimenko chia sẻ về vấn đề này với tờ Vzglyad.
Ông còn lưu ý rằng, trước đây ở Nga, ranh giới trong thế giới thông tin chính thống và tin đồn rất rõ ràng.
"Hiện nay tin đồn đang ngang bằng với thông tin chính thống. Nhưng chúng ta không quen với điều này và không hiểu làm thế nào để phân biệt giữa hai thứ. Trong khi đó, những liều thuốc tiêm phòng chống các thông tin giả mạo được 'bào chế' từ thế hệ này sang thế hệ khác lại không hề có" - chuyên gia này khuyến cáo.
Ông Klimenko cho rằng, nếu như trước đây, các nguồn tin được kiểm chứng tồn tại trong nhiều thập niên, thì trong thế giới đương đại mọi người tự biến thành các nguồn thông tin, đòi hỏi các nỗ lực nhằm kiểm chứng nội dung phải đa dạng hơn.