Armenia cáo buộc F-16 Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi Su-25
Cả Thổ Nhĩ Kỳ và Azerbaijan đều đã thẳng thừng bác bỏ tuyên bố từ Bộ Quốc phòng Armenia rằng một máy bay chiến đấu F-16 Viper của Ankara đã bắn rơi một máy bay cường kích Su-25 Frogfoot của Armenia.
Shushan Stepanyan, Thư ký báo chí của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Armenia đã đưa ra tuyên bố trên trong một bài viết đăng tải trên Facebook vào ngày 29/9/2020.
Thông báo được phát hành bằng cả tiếng Armenia, tiếng Anh và tiếng Nga nói rằng, chiếc F-16 Thổ Nhĩ Kỳ khi đó đang làm nhiệm vụ yểm trợ cho Không quân Azerbaijan và phi công lái Su-25 của Armenia đã “anh dũng hy sinh”.
Giới chức Azerbaijan sau đó đã phản bác lại bằng cách khẳng định không có máy bay nào của Armenia bị bắn hạ và vụ việc chỉ là một hành động khiêu khích.
Phía Armenia cho rằng việc Thổ Nhĩ Kỳ can dự vào cuộc xung đột tại vùng lãnh thổ tranh chấp Nagorno-Karabakh, trong đó có cả máy bay chiến đấu, có thể sẽ buộc Yerevan phải phản ứng mạnh mẽ hơn và không loại trừ khả năng sử dụng tên lửa đạn đạo Iskander-E do Nga cung cấp nhằm vào các mục tiêu ở Azerbaijan.
Fahrettin Altun, trợ lý cấp cao của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan phát biểu trên tờ Bloomberg: “Tuyên bố của Armenia là hoàn toàn sai sự thật”. Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ sau đó tiếp tục chỉ trích cáo buộc này là một “chiêu trò tuyên truyền rẻ tiền”.
Tiêm kích F-16 Không quân Thổ Nhĩ Kỳ
Cho tới thời điểm hiện tại, Armenia vẫn chưa đưa ra bất kỳ bằng chứng nào chứng minh cho việc chiếc Su-25 của họ bị bắn hạ hay một tiêm kích F-16 nào đó của Thổ Nhĩ Kỳ phải chịu trách nhiệm.
Bản thông báo bằng tiếng Anh của Thư ký báo chí Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Armenia viết rằng “theo bộ lưu trữ dữ liệu chuyến bay (FDR), tiêm kích đa năng F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ đã xâm nhập vào sâu không phận Armenia 60 km và ở độ cao 8.200m”.
Tuy nhiên, không rõ bằng cách nào mà FDR của Su-25 lại có thể thu thập được thông tin này. Đặc biệt khi Su-25 lại thiếu một hệ thống radar, vốn là phương pháp dễ dàng nhất để ghi lại sự hiện diện của các máy bay khác trong khu vực.
Bản dịch phiên bản tiếng Armenia và tiếng Nga của thông báo miêu tả nguồn thông tin này là “phương tiện kiểm soát khách quan”, cho thấy phiên bản tiếng Anh đã có lỗi và thông tin đưa ra đã đến từ một nguồn khác, chẳng hạn như một trạm radar trên mặt đất.
Cho dù có như thế nào đi chăng nữa, điều quan trọng là Armenia vẫn chưa công bố bất kỳ dữ liệu liên quan nào để chứng minh một cách thuyết phục cho tuyên bố của họ.
Bài viết đăng trên Facebook của Stepanyan cũng nói rằng chiếc F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ khi đó đã xuất kích từ Sân bay Quốc tế Ganja ở Azerbaijan.
Thế nhưng, hình ảnh vệ tinh lan truyền trên các nền tảng truyền thông xã hội ngày 27/9 - tức ngày bùng nổ xung đột, dường như không cho thấy bất kỳ hoạt động nào liên quan đến sự hiện diện của máy bay chiến đấu tại sân bay đó. Tất nhiên, vẫn có khả năng Thổ Nhĩ Kỳ đã triển khai máy bay sau khi cuộc giao tranh bắt đầu.
Cường kích Su-25 Frogfoot. Ảnh: RT
"Tuyên truyền rẻ tiền" hay ngòi nổ cho một cuộc chiến lớn?
Ngay từ khi cuộc xung đột mới nhất ở Nagorno-Karabakh nổ ra, đã xuất hiện nhiều tuyên bố cho rằng các máy bay F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ đã tham gia vào cuộc giao tranh lần này nhưng cũng không có bằng chứng xác thực.
Đúng là Thổ Nhĩ Kỳ đã triển khai F-16 tới Azerbaijan để tập trận sau các cuộc đụng độ trong khu vực vào đầu năm nay nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy những chiếc máy bay này vẫn ở lại sau khi cuộc tập trận kết thúc.
Một khả năng khác có thể xảy ra là một trong các máy bay chiến đấu MiG-29 Fulcrum của Azerbaijan đã bắn rơi cường kích Su-25 của Armenia. Tuy nhiên, như đã đề cập, giới chức Azerbaijan đã bác bỏ thông tin có bất kỳ máy bay Armenia nào bị bắn hạ.
Điều có thể khẳng định chắc chắn cho tới lúc nào là trên thực tế đang diễn ra một cuộc chiến trên không ở Nagorno-Karabakh và các khu vực lân cận tại Armenia và Azerbaijan.
Azerbaijan đã sử dụng phi đội máy bay không người lái (UAV) của họ, trong đó có cả UAV vũ trang Bayraktar TB2 do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất và nhiều loại vũ khí tấn công cảm tử trên không do Israel sản xuất.
Armenia cũng tuyên bố họ đã bắn rơi hàng chục UAV cũng như một số máy bay trực thăng và máy bay cánh cố định của Azerbaijan nhưng những con số đó vẫn còn gây tranh cãi và có rất ít bằng chứng để xác thực bất kỳ tổn thất nào như vậy xảy ra. Tuy nhiên, Azerbaijan đã xác nhận ít nhất một máy bay trực thăng của họ đã bị bắn rơi.
Sau tất cả, sự xuất hiện của các máy bay F-16 Thổ Nhĩ Kỳ trên bầu trời Nagorno-Karabakh, nếu đúng như những gì Armenia tuyên bố, sẽ là một dấu hiệu cho thấy Ankara đang can dự sâu hơn vào cuộc xung đột.
Nếu điều này thực sự diễn ra thì diễn biến tình hình càng trở nên nghiêm trọng hơn. Armenia là thành viên của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO), trong đó Nga cũng là một thành viên.
Theo đúng như tên gọi, thành viên CSTO được viện dẫn các điều khoản an ninh tập thể mà chính quyền Armenia có thể quyết định sử dụng tới, rằng vùng lãnh thổ không thể tranh cãi của họ đang bị đe dọa, không chỉ bởi Azerbaijan mà còn cả Thổ Nhĩ Kỳ.
Khả năng này buộc Nga phải tham gia tích cực hơn vào cuộc xung đột. Nga vẫn đang duy trì sự hiện diện quân sự ở Armenia, trong đó có cả một phi đội máy bay chiến đấu MiG-29 Fulcrum.
Khi đó, các lực lượng Nga và Thổ Nhĩ Kỳ tham gia vào cuộc giao tranh sẽ có nguy cơ khiến cuộc xung đột trở thành một cuộc khủng hoảng khu vực nghiêm trọng hơn.
Các máy bay F-16 Thổ Nhĩ Kỳ tới Azerbaijan tham gia tập trận