Theo Reuters, báo cáo trên do Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR, trụ sở tại Anh) đưa ra. Tuy nhiên, phụ tá chính sách đối ngoại của tổng thống Azerbaijan, Hikmet Hajiyev, nói rằng báo cáo của SOHR là "vô lý".
Ít nhất 16 quân nhân cùng với 2 dân thường (một phụ nữ và cháu trai của bà) thiệt mạng và hơn 100 người khác bị thương trong các cuộc đụng độ dữ dội nhất giữa Armenia và Azerbaijan kể từ năm 2016. Vụ việc làm dấy lên lo ngại về sự ổn định của Nam Caucasus, hành lang đường ống dẫn dầu và khí đốt đến các thị trường thế giới.
Tổng thống Azerbaijan xác nhận quân đội của ông bị tổn thất nhưng không tiết lộ chi tiết. Bên phía Armenia, nước này tuyên bố "4 máy bay trực thăng của Azerbaijan bị bắn rơi, 33 xe tăng và xe chiến đấu của Azerbaijan bị trúng đạn pháo".
Giao tranh ác liệt nổ ra vào sáng 27-9 (giờ GMT) tại vùng Nagorno-Karabakh – được quốc tế công nhận là lãnh thổ của Azerbaijan nhưng hiện do Armenia kiểm soát. Hiện vẫn chưa rõ điều gì đã châm ngòi cho các cuộc đụng độ.
AP dẫn lời nhà chức trách Nagorno-Karabakh cho hay pháo binh đã tấn công thủ phủ Stepanakert của vùng này và các thị trấn Martaker, Martuni. Ngược lại, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Armenia Artsrun Hovhannisyan tố Azerbaijan tấn công lãnh thổ Armenia gần thị trấn Vardenis.
Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev đã ra lệnh thiết quân luật ở một số khu vực của đất nước, đồng thời kêu gọi giới nghiêm tại các thành phố lớn. Trong một bài phát biểu trên truyền hình, ông Aliyev xác nhận "có những tổn thất về phía lực lượng Azerbaijan và dân thường do Armenia bắn phá". Ông cũng khẳng định "nhiều thiết bị quân sự của đối phương đã bị phá hủy".
Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov đang làm việc để thúc đẩy các bên ngừng bắn và đàm phán nhằm ổn định tình hình. Thủ tướng Albania Edi Rama, Chủ tịch Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), kêu gọi các bên ngừng giao tranh. Tiến trình đàm phán giữa Armenia và Azerbaijan do OSCE bảo trợ.
Thủ tướng Armenia Nikol Pashinian hôm 27-9 cho biết nước này có thể xem xét lại việc có công nhận Nagorno-Karabakh là vùng độc lập hay không. Một động thái như vậy có thể sẽ cản trở các cuộc đàm phán kế tiếp.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters
Bộ trưởng Ngoại giao Javad Zarif của Iran, quốc gia có biên giới với cả Azerbaijan và Armenia, kêu gọi chấm dứt các hành động thù địch ngay lập tức và thúc giục đối thoại để giải quyết những khác biệt.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 27-9 nói rằng Washington đang xem xét những gì có thể để ngăn chặn căng thẳng bùng phát ở khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh.