Trong những cuộc tập trận giả định của Không quân Mỹ gần đây, những chiếc máy bay chiến đấu F-16 đã được bố trí làm "quân xanh" để tập luyện cùng những chiếc F-35 mới nhất. Tuy nhiên, những chiếc F-35 không đủ sức cơ động để có thể đánh bại chiếc F-16.
Từ kết quả của những cuộc chiến giả định, người ta buộc phải đặt ra nghi vấn về khả năng kỹ - chiến thuật của F-35 - loại máy bay chiến đấu chủ lực của không quân Mỹ trong tương lai và sẽ được sản xuất với số lượng nhiều nhất cho tất cả các lực lượng trong quân đội Mỹ (không quân, hải quân đánh bộ và không quân hải quân).
Với khả năng cơ động yếu kém, liệu F-35 có sống sót trước đối phương có số lượng đông hơn và khả năng cơ động tốt hơn, cụ thể ở đây là không quân Nga và Trung Quốc?
F-105 và những kết quả "bết bát" trong chiến tranh Việt Nam
Nhìn vào lịch sử, chúng ta có thể có câu trả lời: 50 năm trước, không quân Mỹ cũng đang ở trong tình trạng tương tự. Máy bay chiến đấu tấn công chính của họ khi đó là chiếc F-105 Thunderchief (Thần Sấm). Đây là chiếc máy bay chiến đấu phản lực đa nhiệm đầu tiên, được thiết kế cho cả nhiệm vụ tiêm kích (đánh chặn) và cường kích (tiến công mặt đất).
Chiếc F-105 được trang bị tất cả những công nghệ được cho là tiên tiến nhất lúc bấy giờ như radar quan sát cả trên không và dưới mặt đất, thiết bị tác chiến điện tử, các cảm biến… Những nhà quân sự Mỹ hy vọng, chiếc F-105 sẽ có khả năng tác chiến độc lập, tạo thế áp đảo trước đối phương.
Nhưng trên thực tế, chiếc F-105 khi đó - giống như chiếc F-35 hiện nay - khả năng cơ động quá chậm chạp để có thể đánh bại những chiếc tiêm kích MiG-21 do Liên Xô sản xuất và cũng là đối thủ chính của chiếc F-105 vào thời điểm đó.
Những điểm tương đồng giữa F-35 và F-105 thật ấn tượng: Cả F-105 và F-35 đều là những máy bay chiến đấu đa nhiệm, một chỗ ngồi, có kích thước thân lớn, nhưng chỉ sử dụng một động cơ được cho là mạnh nhất ở những thời điểm hiện tại.
Cả hai loại máy bay này đều có khoang vũ khí trong thân và những mấu cứng trên cánh để lắp thêm vũ khí. Bán kính chiến đấu cũng tương đương (khoảng 700 km), Carlo Kopp - chuyên gia phân tích quốc phòng Australia đã so sánh hai loại máy bay này vào năm 2014 đưa ra nhận xét.
Không quân Mỹ đã mua 833 chiếc F-105 và 334 chiếc đã bị các lực lượng phòng không Việt Nam bắn hạ từ năm 1965 đến 1970, một tỷ lệ thiệt hại quá cao cho một loại máy bay chiến đấu được kỳ vọng.
Một chiếc F-105 mang đủ vũ khí trong cuộc tiến công vào miền Bắc Việt Nam năm 1967
Về kết quả không chiến: Trong khi các máy bay tiêm kích đánh chặn MiG của Việt Nam bắn rơi 27 chiếc F-105, thì những chiếc F-105 chỉ bắn rơi được 22 chiếc MiG, trong đó phần lớn là MiG-17, loại máy bay chiến đấu phản lực đời đầu, có tốc độ dưới âm, không được trang bị tên lửa mà chỉ có pháo hàng không.
Tỷ lệ máy bay MiG-21 bị bắn hạ rất ít, không được như kỳ vọng của chỉ huy không quân Mỹ.
Không hài lòng với kết quả chiến đấu của của phi đội F-105, để có thể giành ưu thế trong những cuộc không chiến, không quân Mỹ đã thực hiện các chiến thuật đặc biệt giúp F-105 tồn tại khi đối mặt với những chiếc MiG-21.
Năm 1969, Lầu Năm Góc chỉ đạo lực lượng Không quân tiến hành các trận chiến giả định giữa một chiếc F-105 và một chiếc MiG-21 trong chương trình "Have Donut" của Cơ quan tình báo quốc phòng Mỹ (Chiếc MiG-21 này của không quân Iraq bị Cơ quan tình báo Mossad của Israel mua chuộc, phi công Iraq đã lái chiếc MiG này bỏ trốn sang Israel).
Người Israel đã hào phóng cho phép Mỹ mượn chiếc máy bay chiến đấu tuy nhỏ, nhưng nhanh nhẹn này để tiến hành tập luyện mô phỏng đối kháng. Cũng phải nói thêm rằng, MiG-21 là loại máy bay đánh chặn chính của Liên Xô và các đồng minh của họ khi đó.
Trong các cuộc đối kháng giữa F-105 và MiG-21, chiếc F-105 đã bộc lộ những điểm yếu chết người. Nếu 2 chiếc máy bay này ở vị trí ngang bằng hoặc khi MiG-21 trong vai kẻ bám đuổi hoặc tư thế đối đầu, thì F-105 sẽ gặp rắc rối vì nó sẽ nhanh chóng cạn kiệt nhiên liệu và nhất là khả năng cơ động kém do thân hình cồng kềnh.
Máy bay F-105 đang tiến hành chuẩn bị kỹ thuật ở sân bay
Lời khuyên của các phi công thử nghiệm cho thấy, trong trường hợp này F-105 không nên đối mặt với MiG-21. Những chiếc F-105 chỉ phát huy ưu điểm khi bay sau những chiếc MiG-21, do radar của MiG-21 có độ bao phủ bán cầu sau kém, phi hành đoàn F-105 có thể tổ chức một cuộc phục kích tốc độ cao.
Với những kết quả "bết bát" trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam, chiếc F-105 nhanh chóng bị thay thế bởi những chiếc F-4 của hải quân và F-111 của không quân. Đến những năm 1970, máy bay F-105 được rút hoàn toàn khỏi Việt Nam.
F-35 có thoát khỏi vết xe đổ của F-105?
Những phi công F-35 trong thử nghiệm đối kháng với những chiếc F-16 đã báo cáo những điểm yếu tương tự như những chiếc F-105 khi đối đầu với những chiếc MiG-21 vào thập niên 1960.
Nhưng trong khi chiếc F-105 có lợi thế về tốc độ đường thẳng so với hầu hết các đối thủ khi đó thì hiện nay chiếc F-35 lại không có được lợi thế đó với những chiếc Sukhoi của Nga hay Shenyang và Chengdu của Trung Quốc hiện nay.
Lợi thế duy nhất của chiếc F-35 là khả năng tàng hình với các tính năng thiết kế hiện đại, giúp nó tránh bị phát hiện bởi các cảm biến tầm xa trong một số trường hợp nhất định.
Nếu để F-35 có thể tồn tại và giành chiến thắng trong các cuộc không chiến trong tương lai, các nhà khai thác nó phải đưa ra các chiến thuật mới, tận dụng lợi thế tàng hình của loại máy bay này.
Carlo Kopp đánh giá: "Yếu tố quyết định giành chiến thắng cho F-35 chính là phát huy được tính năng tàng hình và sử dụng vũ khí tiến công ngoài tầm nhìn trong không chiến, thực hiện chiến thuật không chiến hiện đại: "thấy trước, bắn trước, thoát ly nhanh". Nếu không, F-35 sẽ đi vào vết xe đổ như F-105 trong cuộc chiến tranh Việt Nam cách đây hơn 4 thập kỷ".
F-35 - Tiêm kích tàng hình đắt nhất, tối tân nhất trong lịch sử Quân đội Mỹ