EU lo sốt vó vì Trung Quốc biến mảnh đất màu mỡ này thành "cứ điểm" mới

Thủy Thu |

EU lo ngại kế hoạch Vành đai và con đường của Trung Quốc sẽ tác động xấu đến ảnh hưởng của Liên minh châu Âu ở Balkan.

Theo New York Times, Bắc Kinh đã "xây dựng một cứ điểm" ở Đông Nam châu Âu khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lựa chọn - công bố Serbia nắm giữ vị trí trung tâm trong sáng kiến Vành đai và con đường trị giá 900 tỷ USD - tại một thị trấn công nghiệp bên bờ Danube.

Cụ thể, trong chuyến thăm Serbia vào năm ngoái, tại thị trấn công nghiệp Smederevo cách thủ đô Belgrade khoảng 45 km về phía Đông, ông Tập Cận Bình cam kết sẽ đầu tư xây dựng đường bộ và đường sắt để tạo nên một hành lang giao thông nhằm giúp hàng hóa Trung Quốc dễ dàng thâm nhập vào thị trường Tây Âu.

Dự án này thuộc sáng kiến Con đường tơ lụa mới của Trung Quốc, đi qua bán đảo Balkan tới cảng Piraeus (Hy Lạp) rồi tới Đức.

NYT đánh giá, ông Tập rất sáng suốt khi chọn Serbia - một trong những quốc gia nghèo nhất châu Ấu để thúc đẩy chính sách của mình. Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa với việc sáng kiến Vành đai và con đường của Trung Quốc sẽ phát sinh xung đột với các dự án của Liên minh châu Âu (EU) trong khu vực Balkan.

Chiến lược của Bắc Kinh còn khai thác mối quan hệ phức tạp giữa EU và các quốc gia Tây Balkan muốn gia nhập EU và cho thấy, Trung Quốc đang nỗ lực mở rộng ảnh hưởng tới trung tâm châu Âu trong bối cảnh vị thế của Mỹ trên trường quốc tế đang giảm sút.

Chủ tịch Tập Cận Bình phát biểu tại nhà máy sản xuất thép ở Serbia

Serbia được lợi gì?

Trong thời gian công du Serbia, Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết, Trung Quốc sẽ giúp tăng việc làm tại địa phương, nâng cao mức sống của người dân và thúc đẩy sự phát triển kinh tế Serbia. Quan trọng hơn, thông qua việc mở cửa kinh tế với Trung Quốc, Serbia sẽ nhận được sự ủng hộ của Bắc Kinh, càng dễ dàng đối phó với áp lực của EU.

Zorana Mihajlovic, Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Giao thông và Cơ sở hạ tầng của Serbia nói về đề nghị của ông Tập: "Có thể nói rằng, Serbia là đối tác chính của Trung Quốc ở châu Âu".

Ông Tập cam kết sẽ giữ 5.200 việc làm ở Smederevo, thành phố này có 10 triệu dân nhưng chỉ phụ thuộc vào một nhà máy thép tại địa phương trong hàng chục năm qua.

Tập đoàn HBIS (Trung Quốc) đã chi 46 triệu euro để mua lại nhà máy thép duy nhất này dù Công ty sắt thép Mỹ U.S. Steel đã bán nó cho chính phủ Serbia vào năm 2012 với mức giá tượng trưng là 1 USD.

"Chúng tôi muốn tạo ra một môi trường cùng có lợi", ông Tập phát biểu sau khi doanh nghiệp Trung Quốc mua lại nhà máy thép duy nhất ở Serbia.

Hiện tại, mục tiêu của Trung Quốc ở khu vực Balkan và kế hoạch của EU đã phát sinh xung đột tiềm ẩn - và Serbia là quốc gia bị kẹp ở giữa.

Một số người đang mong chờ Trung Quốc đưa viễn cảnh phác thảo về nhà máy thép Smederevo trở thành hiện thực và Mileta Gujanicic, một lãnh đạo công đoàn đã làm việc 40 năm tại nhà máy thép, cho biết, ông đã quen với cách làm việc của người Mỹ, khi đó, công nhân được trả lương cao và vấn đề an toàn lao động được đảm bảo.

Ông nói rằng, cách Trung Quốc điều hành một nhà máy thép là khá khác với người Mỹ. Cho đến nay, những chủ sở hữu mới này dù cam kết giữ lại công việc cho các công nhân Serbia nhưng lời hứa của ông Tập đến nay vẫn chưa được thực hiện.

Ông này cho biết thêm, các hợp đồng của người lao động đều được giữ kín và các tiêu chuẩn an toàn lại giảm, tiêu chuẩn an toàn được duy trì ở mức thấp nhất, không có sự tiếp xúc giữa chủ sở hữu và công nhân trong nhà máy. Ông nói rằng, quyền và lợi ích của người lao động bị vi phạm khi người sử dụng lao động bỏ qua luật lao động.

EU lo sốt vó vì Trung Quốc biến mảnh đất màu mỡ này thành cứ điểm mới - Ảnh 2.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Serbia Tomislav Nikolic trong chuyến công du hồi 2016. Ảnh: Reuters

Hành lang quyền lực

Khi Trung Quốc nhắm vào khu vực này, EU vẫn là lực lượng mạnh nhất ở đây, các dự án của EU đều đang tăng vọt.

Chẳng hạn, để ngăn chặn một đợt đụng độ mới ở Balkan, châu Âu đã phát triển một kế hoạch vào năm 2014 để nối Serbia và Albania bằng hệ thống đường sắt cao tốc và đường sắt mới để thúc đẩy du lịch và lưu thông hàng hóa.

Thủ tướng Đức Angela Merkel rất coi trọng kế hoạch "Tiến trình Berlin", là một phần của một chương trình hội nhập châu Âu đầy tham vọng cho các nước Balkan. Kế hoạch này cam kết đưa luật vận tải của các nước này gần hơn với các quy định của EU và tăng cường hợp tác giữa các quốc gia Balkan.

Vào tháng 7 năm nay, hội nghị thượng đỉnh khu vực mới nhất được tổ chức tại Trieste, Italy -gồm các nước Albania, Bosnia và Herzegovina, Kosovo, Macedonia, Montenegro và Serbia - những quốc gia đều muốn gia nhập EU và nhất trí xây dựng một khu vực kinh tế chung, để củng cố một thị trường với 20 triệu dân.

Tuy nhiên, các quan chức ở Balkan phàn nàn về quá trình hội nhập phức tạp - phải mất một năm để Brussels tập trung được số vốn cần thiết để khởi động dự án. Quan trọng hơn, dù Tổng thống Serbia rất ủng hộ kế hoạch này nhưng Albania và giới chính trị Kosovo lại quan ngại rằng, kế hoạch thiết kế cơ sở hạ tầng công cộng với thị trường chung khu vực sẽ trở thành vật thay thế cho các nước thành viên chính thức của Liên minh châu Âu.

NYT cho biết, chỉ cần tiến hành một loạt cải cách tư pháp, chính trị và kinh tế, Brussels khẳng định Serbia sẽ có thể gia nhập EU, hiện đang có 28 quốc gia thành viên.

Trong khi để tìm cách khiến Serbia rời xa phương Tây, Nga - một trong những nhà tài trợ truyền thống của Serbia - cam kết giá ưu đãi trong các hợp đồng cung cấp vũ khí và năng lượng nhằm ngăn chặn NATO đóng quân ở Kosovo và Montenegro. Hai vùng lãnh thổ đã tham gia vào khối NATO hồi tháng 5 vừa qua.

"Tay mới" ở Balkan

EU lo sốt vó vì Trung Quốc biến mảnh đất màu mỡ này thành cứ điểm mới - Ảnh 3.

Cần cẩu đưa một cuộn thép lên chiếc xà lan ở Smederevo, Serbia. Một doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc đã mua lại nhà máy thép từ chính phủ Serbia. Ảnh: AP

Hiện nay, Trung Quốc cũng gia nhập cuộc chơi. Ở khu vực Balkan, Trung Quốc là một lực lượng tương đối mới, dù số vốn đầu tư Bắc Kinh đổ vào Balkan chưa phải nhiều nhưng đây cũng là điều kiện rất quan trọng.

Sức hút của Trung Quốc đối với Serbia đã được thể hiện rõ: Bắc Kinh cung cấp các khoản trợ cấp cao, áp dụng tiêu chuẩn môi trường thấp và không gây áp lực quá lớn để tăng tính minh bạch trong các giao dịch kinh doanh nhưng Serbia phải chấp nhận mô hình phát triển do chính phủ Bắc Kinh đề xuất.

Serbia có khả năng phải gánh các khoản nợ khổng lồ. Hầu hết các khoản đầu tư đều đến từ các khoản cho vay của các ngân hàng Trung Quốc, với lãi suất từ 2% đến 2,5% trong vòng 20 đến 30 năm. Cho đến nay, Trung Quốc đã cho Serbia vay khoảng 5,5 tỷ euro để xây dựng cầu, đường cao tốc và đường sắt.

Ngoài ra, Trung Quốc đang đầu tư vào các nước láng giềng của Serbia - điều này làm dấy lên quan ngại rằng, sự hào phóng của Bắc Kinh ở Balkans không chỉ liên quan đến kinh doanh, mà còn liên quan đến địa chính trị.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Serbia Mihajlovic nhận định, động thái này chứng minh cho các quan chức ở Brussels hiểu rằng vấn đề Balkans ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn.

Mihajlovic nói rằng Trung Quốc đang bảo vệ lợi ích của Serbia trên thế giới, bà cũng ca ngợi Bắc Kinh vì đã không công nhận điều mà bà gọi là "tuyên bố độc lập bất hợp pháp của Kosovo". Trong khi việc công nhận chủ quyền của Kosovo - một tỉnh vốn thuộc Serbia là một điều kiện tiên quyết quan trọng để Belgrade gia nhập EU.

Tại các khu vực khác của Balkan, Trung Quốc đã cho Montenegro vay hàng trăm triệu đô la và đưa hàng ngàn công nhân tới xây dựng tuyến đường cao tốc chiến lược nhưng tốn kém nối Belgrade với cảng Bar của Montenegro trên biển Adriatic.

Bắc Kinh lần đầu tiên thử nghiệm mô hình xây dựng kiểu Trung Quốc tại Serbia vào năm 2010, khi nước này gửi hàng trăm công nhân từ một nhà thầu xây dựng trong nước tới Serbia để xây dựng một cây cầu lớn trên sông Danube.

Năm 2014, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã tham dự lễ khánh thành cầu. Cây cầu được đặt tên theo tên nhà khoa học người Serbia là Mihajlo Pupin với chi phí 170 triệu Euro và khoản vay này được cung cấp bởi Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc.

Một dự án cơ sở hạ tầng quan trọng khác là tuyến đường sắt cao tốc theo dự kiến nối Belgrade và Budapest với tổng chiều dài 217 dặm, bao gồm cả đường ray phục vụ chuyên chở hàng hóa.

Tuy nhiên, Michal Makocki, một chuyên gia về quan hệ châu Âu-Trung Quốc cho biết, một số nước châu Âu đang xem xét vai trò lãnh đạo của Trung Quốc trong việc thúc đẩy hội nhập kinh tế ở "sân sau" của họ bởi họ lo ngại, kế hoạch Vành đai và con đường của Bắc Kinh sẽ tác động xấu đến ảnh hưởng của EU ở Balkan.

Trong khi, Chủ tịch công đoàn nhà máy Smederev, ông Gujanicic cho rằng, giới lãnh đạo Serbia sẵn sàng bỏ qua luật lao động để thu hút đầu tư nước ngoài.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại