Theo thông tin từ người nhà, khoảng 2 ngày trước, bệnh nhân xuất hiện sốt, đau mỏi toàn thân, có tự mua thuốc uống. Sau đó, bệnh nhân thấy sốt cao 40 độ, rét run, gọi hỏi không trả lời, được người nhà đưa vào viện.
Đánh giá bệnh nhân có biểu hiện của tình trạng sepsis: rối loạn ý thức, thở nhanh trên 25 lần/phút và nghi ngờ có nhiễm khuẩn thần kinh với biểu hiện: gáy cứng, vạch màng não dương tính.
Bệnh nhân được hồi sức theo phác đồ 1 giờ, sau khi chụp cắt lớp vi tính sọ não kết quả bình thường, tình trạng đông máu bình thường, loại trừ các bệnh lý tăng áp lực nội sọ như: chảy máu não, đột quỵ não, u não... Bệnh nhân được chọc dịch não tủy, đánh giá lâm sàng thấy dịch đục, áp lực tăng định hướng viêm màng não mủ và được điều trị liều kháng sinh phù hợp.
Kết quả đúng như đánh giá: Bạch cầu dịch não tủy tăng rất cao 29.543 G/L (90% trung tính) không có hồng cầu, 17.36 g/l protein và 0.11 mmol/l glucose.
Nhiều người cho rằng, viêm màng não mủ chỉ là bệnh hay gặp ở trẻ em nhưng thực tế mọi đối tượng đều có thể mắc bệnh. Theo thống kê toàn cầu năm 2016 đăng trên tạp chí Lancet, viêm màng não gây ra 318.000 ca tử vong và 21.866.000 ca di chứng tàn tật.
Viêm màng não mủ là tình trạng nhiễm khuẩn màng não do các tác nhân gây bệnh có khả năng gây viêm và sinh mủ. Tam chứng cổ điển với viêm màng não cấp mủ, xảy ra ở 41% bệnh nhân bao gồm sốt, gáy cứng và thay đổi ý thức, diễn ra đột ngột. Bệnh nhân lớn tuổi thường có triệu chứng điển hình hơn bệnh nhân trẻ tuổi (58% so với 36%), tuy nhiên đôi khi khó chẩn đoán do dễ nhầm lẫn với các triệu chứng của các bệnh nền.
Điều trị bệnh nền và các viêm nhiễm làm giảm nguy cơ viêm màng não. Hiện nay, ở Việt Nam đã có vaccine viêm màng não mủ do não mô cầu, phế cầu khuẩn và Haemophilus influenzae type b.
Khuyến cáo các bậc phụ huynh cần tiêm vaccine đầy đủ cho trẻ để phòng bệnh viêm màng não mủ hiệu quả. Người bệnh khi có biểu hiện bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được xử trí, điều trị kịp thời, tránh những di chứng đáng tiếc thậm chí có thể tử vong.