Kênh truyền hình Al-Sumaria dẫn lời một quan chức an ninh Iraq giấu tên cho biết, Quân đội Mỹ đang có kế hoạch mở rộng căn cứ không quân Al Asad, nhằm cho phép căn cứ này có thể tiếp nhận đồng thời triển khai các loại máy bay ném bom chiến lược tầm xa của Không quân Mỹ.
"Quân đội Mỹ dự định biến Al Asad thành một căn cứ không quân hỗn hợp để có thể triển khai các máy bay ném bom chiến lược B-52 ngay tại Iraq," nguồn tin của Al-Sumaria cho biết.
Một góc đường băng tại Al Asad, căn cứ không quân lớn thứ hai của Mỹ ở Iraq. Ảnh: Không quân Mỹ.
Nguồn tin này cũng tiết lộ, Quân đội Mỹ đang bắt đầu mở rộng cơ sở hạ tầng ở Al Asad cũng như cải tạo lại đường băng để phục vụ cho các hoạt động của "pháo đài bay" B-52.
Được biết, Al Asad là căn cứ không quân lớn thứ hai của Mỹ ở Iraq nằm ở Quận Hit thuộc tỉnh Anbar và chỉ cách cửa ngõ dẫn vào thủ đô Baghdad của Iraq khoảng 180km về hướng tây.
Hiện tại, Lầu Năm Góc chưa có bất cứ bình luận nào về thông tin trên.
"Pháo đài bay" B-52H - máy bay ném bom chiến lược của Không quân Mỹ. Ảnh: GoodFon.com
Nhiều nhà quan sát nhận định, thông tin Mỹ sẽ triển khai B-52 tới căn cứ Al Asad hiện vẫn chưa thực sự rõ ràng, bởi ở chiến trường Iraq không phải lúc nào họ cũng cần tới một cỗ máy chiến tranh như B-52, mà có cần đến đi nữa thì việc đặt chúng ở Jordan hay Kuwait cũng sẽ an toàn hơn ở Al Asad.
Do đó, nhiều nhà quan sát suy đoán thông tin này còn mang một thông điệp ẩn khác gửi cho chính quyền của Thủ tướng Iraq Adel Abdul-Mahdi rằng việc Quân đội Mỹ đi hay ở không do Baghdad quyết định.
Sở dĩ nói như vật là bởi, thông tin B-52 sẽ đến căn cứ Al Asad xuất hiện ngay sau khi Quốc hội Iraq thông qua nghị quyết chấm dứt thỏa thuận hợp tác an ninh với liên minh chống IS do Mỹ đứng đầu ở Iraq vào cuối tuần trước (5/1), đồng nghĩa với việc Mỹ không còn được phép hiện diện quân sự ở Baghdad.
Tuy nhiên, có vẻ như nghị quyết trên không được Mỹ và nhiều quốc gia đồng minh của họ công nhận, đồng thời liên minh này cũng tuyên bố chưa có kế hoạch rút quân khỏi Iraq. Về phía Baghdad họ không thể làm gì hơn ngoài việc nhờ đến sự can thiệp của Liên hợp quốc, cho dù cơ hội khá mong manh.
Và từ điều này có thể thấy, Washington sẽ không để lợi ích của mình ở Trung Đông bị ảnh hưởng bởi bất cứ cá nhân hay tổ chức nhà nước nào.Và không bao giờ có chuyện Mỹ buông tha cho Iraq.
Khám phá bên trong "pháo đài bay" B-52H Stratofortress của Không quân Mỹ.