Theo National Interest, đầu tháng này, 3 máy bay B-52 của lực lượng không quân Mỹ bay qua căn cứ không quân RAF Fairford ở Anh. Máy bay đã bay qua Biển gần Vòng Bắc Cực.
B-52, xuất phát từ trụ sở tại Căn cứ Không quân Barksdale, Louisiana tới Anh để tập trận với các quốc gia châu Âu.
Chuyến bay tích hợp cả việc huấn luyện và khả năng tương tác với Không quân Na Uy, cũng như huấn luyện hàng hải với các máy bay P-8 của Hải quân Mỹ, theo thông cáo báo chí của Không quân Mỹ ngày 6 tháng 11.
Những chiếc B-52 đã bay qua biển Barents ít nhất ba lần trong vài tháng qua. Một phát ngôn viên của Lực lượng Không quân Mỹ ở Châu Âu từng nói về lý do của những chuyến bay này là vì mục tiêu an ninh.
Máy bay Mỹ bay gần căn cứ Nga
Máy bay ném bom của Không quân Mỹ bay và thực hiện các nhiệm vụ trên khắp châu Âu, trên không phận quốc tế hoặc trên lãnh thổ có chủ quyền sau khi phối hợp và được sự cho phép của các quốc gia liên quan.
Tuy nhiên, một số trang tin tức và hàng không của Nga - cũng như một trang tin tức của Na Uy - đang báo cáo rằng chuyến bay mới nhất đã bay gần các căn cứ quân sự nhạy cảm của Nga nơi được cho là có sự hiện diện của tàu ngầm hạt nhân.
Lần thứ ba vào mùa thu này, các máy bay ném bom chiến lược của Mỹ đã bay về phía bắc Vòng Bắc Cực ở Châu Âu. Tuy nhiên, lần này, các máy bay đã tiến sâu hơn vào không phận quốc tế gần các cơ sở có tầm quan trọng cao đối với quân đội Nga.
Ban đầu, ba chiếc B-52 đã bay cùng với năm chiếc F-16 của Na Uy dọc theo bờ biển Na Uy và vào biển Barents. Máy bay tuần tra hàng hải P-8 của Mỹ cũng có mặt cùng với các tàu chở dầu.
Thiếu tá Brynjar Stordal, phát ngôn viên của quân đội Na Uy nói rằng những chiếc F-16 cuối cùng đã tách ra khỏi nhóm máy bay B-52 khi chúng tiếp cận Biển Barents.
Điều thú vị là, trong khi truyền thông Nga thường xuyên phàn nàn về các máy bay chiến đấu phương Tây bay gần biên giới Nga, quân đội Nga đã không có vẻ đặc biệt quan tâm, hoặc ít nhất là không công khai.
Nguồn tin của Nga nói với hãng tin EurAsia Daily trụ sở tại Moscow rằng B-52 đã không đến gần quá 100 km với căn cứ quân sự quanh bán đảo Kola và Novaya Zemlya.
Động thái trên ghi dấu sự thay đổi nhiều so với thời điểm gần sau Chiến tranh Lạnh và cách thức máy bay Mỹ và Nga tiếp cận biên giới của nhau cũng khác.
Đây thực sự là trò chơi nguy hiểm. Liên Xô từng bắn hạ nhiều máy bay do thám của Mỹ, và chắc hẳn Nga cũng đang lo lắng về việc các máy bay ném bom bay gần các căn cứ quân sự nhạy cảm của mình.