Kể từ khi trời lập xuân, thời tiết nồm ẩm xuất hiện khiến nhiều người cảm thấy vô cùng phiền phức. Mới đây, một người dùng facebook đăng trong nhóm: "Xin là xin giận chị Nồm. Giờ sao chúng bạn? Tôi bỏ vào luộc mấy nước rồi nhưng thấy bảo đồ gỗ mốc ăn độc hại, có luộc cũng không ăn thua".
Caption chia sẻ khá dí dỏm, hài hước của chủ tài khoản nhưng phản ánh sự thật hiện nay: tình hình thời tiết nồm ẩm khiến nấm mốc phát triển. Băn khoăn của chủ tài khoản cũng là băn khoăn của nhiều người. Liệu đũa mốc rồi thì cứ luộc nước sôi là yên tâm dùng tiếp hay không? Đâu mới là cách xử lý đúng đắn nhất dành cho lô đũa lên mốc tua tủa như này?
Đũa mốc đem luộc nước sôi là yên tâm sử dụng?
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội), thời tết nồm ẩm hiện nay là nguyên nhân sinh sôi nấm mốc, vi khuẩn phát triển rất mạnh. Do đó, không có gì khó hiểu khi đũa ăn cũng bị nấm mốc "làm tổ".
Sử dụng đũa mốc để ăn cơm đồng nghĩa việc bạn nạp chất gây ung thư vào cơ thể. Theo chuyên gia, sử dụng đũa mốc có nguy cơ bị ung thư do nấm mốc có thể sản xuất ra độc tố aflatoxin.
Aflatoxin là một trong những chất độc tố mạnh có nguy cơ gây ung thư gan. Khi ăn phải thức ăn có chứa aflatoxin trong thời gian dài, nguy cơ phát triển ung thư gan sẽ tăng cao. Do đó, sử dụng đũa mốc, sẽ tạo điều kiện cho việc tiếp xúc với aflatoxin và các chất độc tố khác, từ đó làm tăng khả năng mắc bệnh ung thư.
Thông thường, khi đũa bị mốc, nhiều người thường đem luộc nước sôi 30 phút, 1 tiếng, hoặc xát chanh, giấm, baking soda... để diệt nấm mốc. Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh nhận định, tất cả đều không đủ để diệt nấm mốc tuyệt đối. Tốt nhất là phải luôn ý thức tránh để đũa bị nấm mốc. Nếu đũa lên mốc, tốt nhất vứt bỏ để bảo vệ sức khỏe.
Vậy cần lưu ý gì khi dùng đũa để tránh nấm mốc?
Ngay cả khi thời tiết không nồm ẩm, đũa vẫn là đồ dùng thường xuyên trong tình trạng ẩm ướt do rửa hàng ngày sau ăn, cắm vào ống đũa, nhà bếp cạnh bồn rửa ấm ướt, đũa không được làm khô trước khi cắm vào ống đũa...
"Khu vực úp bát đũa thường ẩm ướt hơn những khu vực khác trong căn bếp. Khi cắm đũa vào ống đựng, đũa đang ướt hoàn toàn, kể cả chúng ta có đập đũa, xoa đũa... như thế nào chăng nữa nhằm giảm bớt nước, giúp đũa nhanh khô hơn thì cũng không đảm bảo sẽ khô ráo hoàn toàn. Vào những ngày thời tiết khô hanh thì có thể đến bữa sau, đũa khô ráo như mong đợi, còn lại, nhất là khi tiết trời nồm ẩm như hiện nay thì điều này rất khó xảy ra", chuyên gia khẳng định.
Bản thân đũa ẩm ướt được sử dụng cho các bữa ăn sau vốn đã không tốt cho sức khỏe. Nếu đũa nhà bạn là dạng đũa gỗ thì điều này càng nghiêm trọng hơn.
"Hầu hết các gia đình hiện nay sử dụng đũa gỗ vì sự tiện lợi, dễ sử dụng, giá thành rẻ... Nhưng đũa gỗ bị ẩm ướt thường xuyên dễ dàng sinh sôi vi khuẩn vì có môi trường thuận lợi. Khi ăn cơm, dùng loại đũa này gắp thức ăn, ăn cơm... thì vô tình khiến vi khuẩn đi vào cơ thể. Đặc biệt, đũa gỗ bị ẩm ướt ngày qua ngày có thể xuất hiện hiện tượng nấm mốc mà mắt thường có thể chưa nhìn thấy mầm bệnh này ngay", PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh nói.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, sau khi rửa sạch bát đũa, tốt nhất đem đi sấy khô, nhất là với đũa ăn hàng ngày càng cần được sấy khô làm sạch. Bạn cũng có thể phơi cả rổ bát ra ở khu vực có ánh nắng, đảm bảo sạch sẽ để diệt khuẩn. Còn nếu không được, trong những ngày mưa gió ẩm ướt kéo dài, bạn có thể cần sự hỗ trợ của máy sấy, khử khuẩn, máy tiệt trùng đũa thìa...
Chuyên gia cũng khuyên, sau mỗi tháng nên ngâm đũa vào nước sôi trong khoảng 30 phút (không áp dụng với đũa nhựa hoặc đũa sơn). Ngoài ra, bất kì loại đũa ăn nào cũng có hạn sử dụng, nếu quá hạn sử dụng mà vẫn tiếp tục dùng đũa thì nguy cơ hại sức khỏe sẽ càng tăng. Thông thường, các loại đũa có hạn sử dụng 3-6 tháng, sau khoảng thời gian này nên thay đũa mới.