Bộ Y tế đề xuất xác định nồng độ cồn trong hơi thở tài xế

N.Dung |

Bộ Y tế đang lấy ý kiến các đơn vị chuyên môn để làm cơ sở đề xuất, xác định nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở của người điều khiển phương tiện giao thông.

Cục Quản lý khám, chữa bệnh - Bộ Y tế vừa có công văn gửi các chuyên gia, một số đơn vị chuyên khoa, đề nghị nghiên cứu, đề xuất về vấn đề nồng độ cồn trong máu hoặc khí thở của người điều khiển các phương tiện giao thông.

Việc đề xuất được căn cứ từ khía cạnh y tế như: nồng độ cồn phát hiện trong cơ thể không do sử dụng rượu, bia; giới hạn nồng độ cồn trong máu hoặc khí thở của người điều khiển phương tiện giao thông.

Bộ Y tế đề xuất xác định nồng độ cồn trong hơi thở tài xế- Ảnh 1.

Bộ Y tế đang lấy ý kiến chuyên gia về vấn đề nồng độ cồn trong máu hoặc khí thở của người lái xe

Đề xuất quy định nồng độ cồn trong máu, hơi thở

Cục Quản lý khám, chữa bệnh đề nghị các chuyên gia, đơn vị nghiên cứu, cho ý kiến và gửi các đề xuất nội dung quy định về Cục Quản lý khám, chữa bệnh trước 20-2, để tổng hợp, báo cáo lãnh đạo Bộ Y tế.

Lãnh Cục Quản lý khám, chữa bệnh cho biết đề xuất từ các chuyên gia, các đơn vị chuyên môn là cơ sở để đơn vị nghiên cứu, đề xuất quy định nồng độ cồn trong máu hoặc trong khí thở lái xe.

Vừa qua, đại diện Bộ Y tế cũng đã có cuộc họp với Bộ Công an về một số vấn đề liên quan đến quy định nồng độ cồn với lái xe. Vấn đề này sẽ được hai bộ và các cơ quan liên quan thảo luận trong thời gian tới.

Bày tỏ quan điểm về kiến nghị xử lý hình sự tài xế có nồng độ cồn "vượt ngưỡng", ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho rằng trường hợp nồng độ cồn cao không đủ điều kiện lái xe thì cần phải xử lý nghiêm. Tuy nhiên, sẽ phải tham khảo thêm quy định các nước trên thế giới để đưa ra một quy định hài hòa.

"Chúng tôi ủng hộ việc xử lý vi phạm hành chính có nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Nhờ có việc xử lý vi phạm nghiêm về nồng độ cồn số vụ tai nạn giao thông đã giảm khá nhiều"- ông Khoa nói.

Không uống rượu, bia nhưng vẫn có nồng độ cồn phải làm sao?

Liên quan đến quy định hiện hành về nồng độ cồn với các lái xe, một chuyên gia của Bộ Y tế cho biết, luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã quy định cấm điều khiển ôtô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

Quy định này áp dụng ổn định đối với người điều khiển ôtô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trong 10 năm, trước khi luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia được ban hành. Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia đã kế thừa quy định này, mở rộng thêm đối với người điều khiển xe máy và các phương tiện giao thông khác.

Bộ Y tế đề xuất xác định nồng độ cồn trong hơi thở tài xế- Ảnh 2.

Kiểm tra nồng độ cồn trong máu qua hơi thở

Theo chuyên gia của Bộ Y tế hiện các văn bản quy phạm pháp luật không có quy định về cồn tự nhiên trong cơ thể.

Một số bác sĩ cho biết trong cơ thể người bình thường luôn có một lượng nhỏ cồn ethanol nội sinh được tạo ra do quá trình lên men tự nhiên, bởi vi sinh vật đường ruột và sự chuyển hóa trong các mô.

Vấn đề cồn nội sinh khiến dương tính với máy đo nồng độ cồn cũng có thể xảy ra, bởi cồn nội sinh có thể xảy ra ở một số trường hợp dùng thuốc điều trị, thậm chí dùng lượng lớn cồn sát khuẩn ngoài da.

Tuy nhiên, các trường hợp có cồn nội sinh thì thường nồng độ rất thấp, khó có khả năng dương tính khi test cồn qua hơi thở.

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, hiện nay, kỹ thuật xác định cồn nội sinh cho bệnh nhân là thử định lượng nồng độ cồn trong máu. Bệnh nhân sẽ uống đường glucose khoảng 30 phút/lần. Nếu xét nghiệm có cồn trong máu thì đây là trường hợp có cồn nội sinh do bệnh lý. Xét nghiệm ở người khỏe mạnh sẽ không phát hiện ra cồn.

Về ngưỡng nồng độ cồn, tại quyết định số 320/QĐ-BYT ngày 23-1-2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế có quy định về định lượng ethanol (định lượng nồng độ cồn) trong máu, tại mục 60 của quyết định này.

Theo đó, tại điểm 4 "nhận định kết quả" có ghi: trị số thường dưới 10,9 mmol/lít (tương đương 50 mg/100 ml).

Với việc xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn như hiện nay nhiều chuyên gia cho rằng mức xử phạt hành chính đối với vi phạm nồng độ cồn đã ở mức tương đối cao, tạo được sức răn đe tốt.

Dù vậy một số ý kiến cho rằng pháp luật hiện hành quy định những người có nồng độ cồn ở mức trên 0,4mg/l khí thở, dù cao đến mấy vẫn chung một hình phạt. Điều này chưa phù hợp và chưa tương xứng với mức độ vi phạm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại