Đóng cửa căn cứ Incirlik: Mỹ đừng đùa với ông Erdogan

Đăng Khoa |

Căn cứ Incirlik có sức nặng rất lớn và làm tăng sức ảnh hưởng của Mỹ với các tình huống chính trị và quân sự của các nước trong khu vực.

Cuối tuần qua, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đe dọa có thể đóng cửa căn cứ không quân Incirlik mà Mỹ đang sử dụng ở nước này nếu Mỹ trừng phạt Ankara vì chuyện mua hệ thống phòng không S-400 của Nga.

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu mới đây cũng xác nhận khả năng đóng cửa hai căn cứ đã “được đặt lên bàn”.

Tầm quan trọng của căn cứ Incirlik với Mỹ

Căn cứ không quân Incirlik là nơi đóng quân quan trọng của các lực lượng Mỹ và NATO ở Trung Đông. Khác với các căn cứ biệt lập Washington sử dụng cho các chiến dịch ở châu Phi, Incirlik là căn cứ không quân khổng lồ nằm ở TP Adana cách biên giới với Syria chỉ 250 km.

Căn cứ này cũng là nơi đóng quân của gần hàng ngàn lính không quân Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ. Với hơn 50 nhà chứa máy bay và đường băng dài 3.048 m, căn cứ Incirlik có thể đáp ứng mọi loại máy bay dân sự lẫn quân sự.

Thực tế, một lượng lớn máy bay do thám và máy bay tự hành của Mỹ hiện đang được triển khai ở đây cùng hơn 50 quả bom hạt nhân B61 của Mỹ cũng đang được trữ ở căn cứ này.

Theo đài RT, có thông tin số bom này đã được Mỹ chuyển đi nơi khác sau vụ đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ tháng 7-2016.

Ngoài căn cứ Incirlik, ông Erdogan còn đe dọa đóng cửa căn cứ Kurecik - trạm radar biệt lập ở tỉnh Malatya ở đông nam Thổ Nhĩ Kỳ.

Nằm trên một ngọn đồi cao 2.100 m, căn cứ này có khả năng phát hiện các tên lửa đạn đạo có tầm bắn tới 1.000 km. Mất hệ thống radar này, năng lực cảnh báo sớm tên lửa tấn công của NATO và Mỹ sẽ bị hạn chế đáng kể.

Theo nhà bình luận quân sự Mikhail Khodarenok tại đài RT, nếu ông Erdogan đóng cửa căn cứ Incirlik , năng lực chiến đấu và tầm hoạt động của không quân Mỹ ở Trung Đông chắc chắn sẽ bị giảm sút nghiêm trọng.

Căn cứ Incirlik đóng vai trò là đòn răn đe của Mỹ khi đối thoại, giao dịch với các nước khác và làm tăng ảnh hưởng của Washington trong khu vực.

Vì thế, đóng cửa căn cứ Incirlik sẽ là một đòn mạnh với Mỹ, đặc biệt trong thời điểm quan hệ với Iran đang căng thẳng. Chưa kể Mỹ còn có khả năng mất đi một đối tác chủ chốt tại Trung Đông là Thổ Nhĩ Kỳ, vốn là nước có quân đội lớn thứ hai trong liên minh NATO sau Mỹ.

Đừng đùa với ông Erdogan

Có thể thấy với Mỹ, cái giá phải trả nếu đánh cược với Thổ Nhĩ Kỳ quá lớn và ông Erdogan biết rất rõ điều này.

Nhiều chuyên gia cảnh báo Mỹ không nên đánh giá thấp phát ngôn của ông Erdogan mà đa số truyền thông Mỹ cho rằng là một “sự đe dọa”, hay cho rằng đây chỉ là lời nói suông.

Nói cách khác Mỹ đừng đùa với ông Erdogan vì đây là nhân vật nói là làm. Từ thực tế trước đây có thể thấy ông Erdogan nói được làm được.

Dù chịu nhiều áp lực từ Mỹ và NATO, thậm chí còn bị Washington loại khỏi chương trình tiêm kích tàng hình F-35 của Mỹ, ông Erdogan vẫn cương quyết theo đuổi thương vụ mua S-400 của Nga.

Thổ Nhĩ Kỳ đã được chuyển giao một đợt S-400 và bất chấp nguy cơ bị trừng phạt từ Mỹ, nước này vẫn giữ kế hoạch nhận thêm đợt chuyển giao thứ hai. Ankara thậm chí còn có kế hoạch hợp tác phát triển chung với Moscow để sản xuất tên lửa đạn đạo.

Nếu cần thiết phải đi bước này, dĩ nhiên chúng tôi có quyền… Chúng tôi sẽ đóng cửa căn cứ Incirlik… Nếu cần thiết chúng tôi cũng sẽ đóng cửa luôn căn cứ Kurecik.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ RECEP TAYYIP ERDOGAN

Một ngày sau tuyên bố của ông Erdogan, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper khẳng định ông cần đối thoại với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar để đánh giá đúng mức độ nghiêm trọng lời đe dọa của người đứng đầu Ankara.

Theo ông Esper, dù Thổ Nhĩ Kỳ có toàn quyền quyết định sự hiện diện của quân đội nước ngoài trên lãnh thổ của mình nhưng nếu Thổ Nhĩ Kỳ nghiêm túc về chuyện đóng cửa các căn cứ thì phải chính thức bàn với Mỹ và NATO.

Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ giấu tên cho biết sự hiện diện quân sự của nước này tại các căn cứ ở Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó có Incirlik, là biểu tượng cho cam kết của Washington đối với Thổ Nhĩ Kỳ hàng thập niên qua.

Quan chức này mong muốn Ankara sẽ tích cực hơn về bất đồng giữa hai nước. Từ những phát ngôn trên, có thể hiểu Mỹ đang muốn thương lượng hòa bình với Thổ Nhĩ Kỳ.

Dù vậy, cơ hội của Mỹ khá mong manh. Không chỉ kiểm soát các căn cứ Mỹ đang sử dụng ở Trung Đông, Thổ Nhĩ Kỳ cũng là bức tường duy nhất của châu Âu trước hơn 4 triệu người tị nạn (chủ yếu từ Syria) đổ sang.

Ngoài ra nằm giữa châu Âu và châu Á, Thổ Nhĩ Kỳ cũng từng được xem là một vùng đệm của phương Tây chống lại Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh. Với tầm quan trọng chiến lược của mình, Thổ Nhĩ Kỳ biết rõ mình có những lợi thế nào trên bàn đàm phán.

S-400 mở đường cho Nga vào Trung Đông

Ngày 11-12 (giờ địa phương), Thượng viện Mỹ thông qua dự luật cho phép Mỹ trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ do nước này mua hệ thống phòng không S-400 của Nga.

Lo ngại lớn nhất của Mỹ là S-400 của Nga có thể sẽ được sử dụng thu thập thông tin về năng lực tàng hình của tiêm kích F-35 mà Thổ Nhĩ Kỳ tham gia phát triển và mua. Mỹ liên tục đề nghị Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng không Patriot của mình thay vì S-400 nhưng Thổ Nhĩ Kỳ từ chối.

Đáp lại, ông Erdogan nói các đồng minh phương Tây không cung cấp đủ sức mạnh quốc phòng cần thiết cho nước này chống lại các đe dọa từ các nước láng giềng Iran, Iraq, Syria. Mối lo ngại này buộc ông phải mua S-400 của Nga.

Tuy nhiên, ông Erdogan khẳng định có S-400 nhưng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn muốn mua thêm Patriot của Mỹ. Nhiều chuyên gia nhận định việc S-400 được triển khai ở Thổ Nhĩ Kỳ sẽ làm tăng thêm lợi thế cho Nga trong quá trình nước này mở rộng hiện diện ở Trung Đông.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại