Quốc Thiên là một đứa bé sống nội tâm, không dám tâm sự chuyện xảy ra trong gia đình cùng với ai. Vì khi nói ra, cậu không biết có đang nghĩ đúng về mẹ mình hay không.
Quốc Thiên đang học lớp 8. Cậu chỉ biết viết ra những điều mình muốn nói trên trang giấy, sau đó lại xé đi vì không muốn ai đọc được. Quốc Thiên không thể nhớ nổi mình đã viết bao nhiêu tờ giấy như thế.
Dù biết con hay có thói quen xé giấy thành rác vụn nhưng mẹ Quốc Thiên không ngờ trong đống giấy vụn ấy lại có một sự thật đang được che giấu.
Trong một lần tình cờ dọn phòng con, mẹ Quốc Thiên đã nhặt được một tờ giấy bị vò nát và vứt trong gầm bàn. Như thường lệ, nếu thấy con vứt giấy lung tung, cô sẽ cằn nhằn vài lời rồi nhặt bỏ vào thùng rác.
Tuy nhiên, lần này như có trực giác mách bảo, mẹ Quốc Thiên mở tờ giấy ra. Người mẹ như "chết sững" trước những lời con viết trên giấy: "Mẹ bình tĩnh được với cả thể giới nhưng với con thì không. Khi nói chuyện với con, mẹ như quát vào mặt con, không nghĩ tới cảm xúc của con. Con đã cố gắng học nhưng thi điểm không được như mẹ kỳ vọng thì mẹ lại mắng chửi, đánh con. Mỗi lần như vậy mẹ lại nói: 'Con đau một, mẹ đau mười'. Con không hiểu nổi sao yêu thương mà mẹ lại đối xử với con như vậy".
Đó là một trường hợp được bác sĩ Nguyễn Hồng Bách, Viện Tâm lý học và Truyền thông (Hội Tâm lý học Việt Nam) chia sẻ. Bác sĩ Bách cho biết, trong quá trình làm việc, bác sĩ đã gặp rất nhiều trường hợp như của Quốc Thiên. Trẻ khi đến thường kể "tội" của bố mẹ rất nhiều và gặp phải vấn đề rối loạn cảm xúc.
Theo bác sĩ Bách, hiện nay rất nhiều bố mẹ đang sống cho chính họ chứ không phải cho đứa con. Bố mẹ đang sống bằng những kỳ vọng của bản thân họ, mong muốn đứa con đạt được những điều mà họ mong muốn. Khi con không làm được, họ không bằng lòng, quát mắng, trách phạt.
Với trường hợp của Quốc Thiên, con đã viết ra được nghĩ suy nghĩ muốn nói với mẹ. Đây là một điều đáng khen ngợi. "Một đứa trẻ viết ra được tiếng lòng như vậy là trong góc tâm hồn của con đã chấp nhận được mẹ rồi. Thi thoảng cơ chế của não bộ có xuất hiện sự phản kháng nhưng trẻ không dám phản kháng. Trẻ cũng có sự so sánh mẹ mình với mẹ bạn khác", bác sĩ Bách nói.
Tuy nhiên, nếu như tình trạng này kéo dài sẽ khiến cho trẻ có thể bị rối loạn nhân cách như: nhân cách che đậy, nhân cách chống đối và nhân cách gốc chịu đựng. Trẻ sẽ có những đấu tranh, vẫn cố gắng là một đứa con ngoan nhưng lại muốn phản kháng lại mẹ mà không dám. Những rối loạn nhân cách sẽ dẫn tới rối loạn cảm xúc nếu như không phát hiện và can thiệp cho trẻ.
Theo bác sĩ Bách, trường hợp người mẹ của Quốc Thiên cần phải thay đổi. Thậm chí, bản thân người mẹ cần phải can thiệp tâm lý. Nếu xét về quyền bảo vệ trẻ em, người mẹ có thể bị truy tố trước pháp luật vì đang áp bức tinh thần cho đứa trẻ.
(*)Tên nhân vật đã được thay đổi.