Tháng trước, đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền đề xuất Nhật Bản nên cân nhắc “sở hữu khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo và các loại tên lửa khác ngay cả trên lãnh thổ của đối thủ”, với hàm ý thay đổi hiến pháp vốn chỉ cho phép phòng vệ.
Thủ tướng Abe Shinzo dự kiến sẽ khuyến khích thảo luận sâu về đề xuất đó trước khi ông thôi chức vào cuối tháng này, và ông Yoshihide Suga, cánh tay phải của ông Abe và đang là một trong những người dẫn đầu cuộc đua trở thành thủ tướng kế nhiệm, gần như chắc chắn ủng hộ quan điểm của ông Abe.
“Kiểu thảo luận như thế này là không tránh khỏi trước sự bành trướng quân sự ở Trung Quốc và Triều Tiên”, Kyodo dẫn lời ông Takeshi Yuzawa, giáo sư ngành quan hệ quốc tế tại ĐH Hosei.
Tuy nhiên, học giả này cũng cho rằng Nhật Bản cần “xem xét cẩn thận phạm vi mua sắm thiết bị quân sự của mình dựa trên hiệu quả của chiến lược răn đe tổng thể”.
“Các hệ thống vũ khí của Trung Quốc chủ yếu tập trung vào Mỹ, nhưng nếu Tokyo có khả năng tấn công căn cứ của kẻ thù, Bắc Kinh có thể quyết liệt tăng cường năng lực tấn công nhằm vào Nhật Bản, tuỳ thuộc vào khả năng mới của họ”, ông Yuzawa nhận định.
Học giả này cảnh báo tình hình đó có thể kéo Nhật Bản vào “một cuộc chạy đua vũ trang với Trung Quốc rồi cuối cùng buộc Nhật Bản phải mua các vũ khí tấn công vượt khỏi năng lực tài chính của mình, chưa nói đến những hạn chế về hiến pháp”.
Những thảo luận về việc có nên trang bị năng lực tấn công diễn ra vào thời điểm chính phủ Nhật đang tìm giải pháp thay thế cho hệ thống phòng thủ tên lửa tốn kém do Mỹ sản xuất.
Kế hoạch lắp đặt hệ thống phòng thủ Aegis trên bờ nhằm bảo vệ Nhật Bản trước mối đe doạ tên lửa từ Triều Tiên bị huỷ từ hồi tháng 6. Nhật đã thông báo với Mỹ về các lựa chọn thay thế, các quan chức Nhật Bản cho biết.
Nỗ lực của các nước như Trung Quốc, Nga và Triều Tiên nhằm phát triển vũ khí mới có thể vượt qua những hệ thống phòng thủ tên lửa truyền thống càng bổ sung thêm lý do cho những thảo luận hiện nay ở Nhật Bản.
Những vũ khí mới sử dụng công nghệ cho phép chúng lướt nhanh hơn và ở tầm thấp hơn so với tên lửa đạn đạo thông thường, khiến chúng khó bị chặn hơn.
Nếu muốn sở hữu năng lực tấn công, Nhật Bản không chỉ cần các tên lửa tầm xa mà cả năng lực phát hiện, GS Chikako Kawakatsu Ueki, một nhà nghiên cứu về quan hệ quốc tế và an ninh Đông Á tại ĐH Waseda, nhận định.
“Các nước khác sẽ tăng cường năng lực tấn công để đối phó với bước đi mới của Nhật Bản, và Đông Á sẽ phải tìm kiếm một sự cân bằng (quân sự) ở mức độ căng thẳng cao hơn”, GS Ueki nói.
Bà cho rằng Nhật nên tiếp tục tập trung phát triển các hệ thống tên lửa (thay vì mua sắm các hệ thống tấn công).
“Bên cạnh Mỹ, Nhật Bản cũng cần hợp tác với Hàn Quốc, Úc và các nước khác để tạo ra một thế giới phòng thủ thống trị, nơi các cuộc tấn công không xứng đáng với cái giá phải trả”, bà Ueki nói.
Đề xuất của LDP tương tự kế hoạch của ông Abe trước đây và chưa từng được đưa vào chiến lược quốc phòng của Nhật, rõ ràng là vì tính đến những phản ứng tiêu cực từ dư luận trong nước.
Nhưng lần này ông Abe có thể tìm ra cách nào đó để cuộc thảo luận này đi vào chi tiết hơn.
“Sứ mệnh của nhà nước là bảo vệ cuộc sống và hoà bình cho người dân. Vì mục tiêu đó, tôi muốn làm sâu sắc thêm các cuộc thảo luận về điều chúng ta nên làm”, ông Abe nói khi nhận được đề xuất mới nhất.