Con người mà, ai mà chả ham sống, không sống vì mình thì sống vì người khác. Được sinh ra trên cõi đời này đã là một may mắn, cuộc sống trao cho con người cũng chẳng thể đong đếm bằng tiền bạc hay vật chất.
Nhưng hiện tại, người ta bắt đầu đặt câu hỏi rằng: "Nếu được, người ta có thể bỏ ra bao nhiêu tiền để mua về sự sống?".
Những y dược sỹ, bác sỹ, các nhà khoa học trên thế giới đã và đang làm hết mình, nỗ lực tìm ra các phương pháp nhằm kéo dài sự sống con người. Và những công nghệ, những bài thuốc này đều rất tốn kém đắt đỏ, chi phí bỏ ra không hề rẻ.
Và từ đó người ta buộc phải đặt ra những hoài nghi về các liệu pháp "ăn gian tuổi thọ", rằng chúng ta, hay chính phủ, có nên hỗ trợ chi trả cho các phương pháp này, nếu có, sẽ là bao nhiêu?
Bạn nguyện bỏ ra bao nhiêu tiền để mua chuộc Thần Chết?
Lấy ví dụ đi, hiện nay người ta đang phát triển một loại thuốc mới dành cho bệnh nhân ung thư vú có tên Kadycla.
Để sử dụng loại thuốc này, mỗi bệnh nhân phải chi trả khoảng 90.000 Bảng Anh (khoảng 2.8 tỷ VNĐ), một con số phải nói là khổng lồ để đổi lấy thêm 6 tháng tuổi thọ.
Và thế là một số quốc gia bắt đầu tìm lời giải cho bài toán chi phí- tuổi thọ này bằng cách sử dụng công thức chi phí-tính hiệu quả của các liệu pháp mới, để so sánh tính tương xứng giữa số tiền bỏ ra và hiệu quả mà liệu pháp ấy mang lại.
Người ta sử dụng khái niệm Quality-Adjusted Life Year (QALY)- Số năm chất lượng sống để giải quyết vấn đề nêu trên.
Cụ thể, nếu loại thuốc, hay phương pháp mới có thể kéo dài tuổi thọ của con người thêm được một năm nhưng chất lượng cuộc sống của người sử dụng chỉ bằng một nửa so với ban đầu, loại thuốc/phương pháp ấy được coi là giúp kéo dài cuộc sống chỉ được nửa năm, tương đương 0.5 điểm QALY.
Và từ thang điểm này, các cơ quan y tế sẽ cân nhắc xem có nên đầu tư, hoặc mức đầu tư tối đa cho các phương pháp này là bao nhiêu.
Trở về với thần dược sự sống Kadycla, Viện Y tế quốc gia và chăm sóc sức khoẻ NICE đã đặt ra ngưỡng 20.000 tới 30.000 Bảng Anh cho mỗi đơn vị QALY (khoảng 620-944 triệu VNĐ).
Điều này có nghĩa là, thực giá mà mỗi bệnh nhân chi trả cho Kadycla chỉ là khoảng 10-15 nghìn Bảng, một con số quá chênh lệch so với giá thành mà hãng công bố với loại thuốc này.
Có thể rút ra kết luận là, để sống thêm được một thời gian thực sự quá đắt đỏ nhưng hiệu quả mang lại thì chẳng được như mong đợi. Vậy mà các hệ thống dịch vụ sức khoẻ công cộng lại chi trả khá nhiều tiền cho cái đích cuối của cuộc đời con người này.
Như ở Mỹ, mỗi năm trong khoản đầu tư 500 tỷ USD dành cho các dịch vụ y tế đều có 30% được sử dụng cho những ngày tháng cuối đời của các bệnh nhân. Hay như tại Anh, con số đó là 1.3 tỷ Bảng.
Vậy chúng ta nên ưu tiên ai?
Giải quyết xong bài toán chi phí-tuổi thọ xong, người ta lại nghĩ tới một câu hỏi khác. Các dịch vụ y tế công cộng có nên đầu tư quá nhiều tiền bạc, ưu tiên cho các trường hợp bệnh nhân chẳng còn có thể sống được bao lâu hay không?
Như ở năm 2009, NICE đã tuyên bố sẽ xem xét nâng mức đầu tư mỗi QALY lên đến 80.000 Bảng dành cho các trường hợp bệnh hiểm nghèo.
Đầu tư tiền bạc để níu giữ một người sắp chết có là nước đi khôn ngoan?
Nhưng thực sự đầu tư khoản tiền quá lớn như vậy cho các bệnh nhân chỉ còn rất ít thời gian sống thay vì tìm cách kéo dài tuổi thọ con người trong lúc họ còn đang khoẻ mạnh có là bước đi chính xác?
Một khảo sát mới được thực hiện tại Anh trên 4.000 người tham gia cho thấy phần lớn đều không đồng tình vào việc chi trả tiền nong cho các phương pháp kỹ thuật nhằm kéo dài tuổi thọ vào lúc cuối đời.
Khi tính đến tính hiệu quả của một phương pháp, cái người ta quan tâm là kết quả mà nó mang lại, không phải thời điểm áp dụng nó.
Cái giá của sự sống
Tại Singapore, một nghiên cứu khác cũng đã được thực hiện nhằm làm rõ vấn đề chi phí chăm sóc sức khoẻ. Tác giả của nghiên cứu này đã chia người tham gia làm hai nhóm: nhóm trung niên mạnh khoẻ và nhóm bệnh nhân ung thư.
Ở nước này, người dân thường tự chi trả các dịch vụ y tế bằng tiền tiết kiệm hoặc bảo hiểm y tế.
Nhóm người tham gia được hỏi rằng họ sẽ tự nguyện trả khoảng bao nhiêu tiền để hưởng các phương pháp điều trị khác nhau nếu như bị mắc bệnh ung thư và còn rất ít thời gian để sống.
Kết quả không ngạc nhiên lắm, nhóm bệnh nhân ung thư sẵn sàng vung ra số tiền nhiều hơn để níu giữ sự sống so với nhóm người khoẻ mạnh.
Tuy nhiên có điểm đặc biệt là cả hai nhóm đều rất chú trọng vào chất lượng cuộc sống khi điều trị hơn là việc sống thêm được bao lâu.
Thời gian sống không quan trọng bằng chất lượng sống.
Ví dụ: 20.000 SGD là con số mà các bệnh nhân ung thư sẵn sàng chi trả thêm chỉ để có thể được thoải mái ra đi ở ngay nhà mình thay vì bệnh viện, hoặc họ sẽ đồng ý với con số 43.000 SGD cho các phương pháp điều trị với điều kiện họ sẽ không còn cảm thấy đau đớn nữa.
Trong khi đó, họ chỉ chi trả khoảng 11.000 SGD để có thể được sống thêm 1 năm nữa. Có nghĩa là, đến thời khắc cuối của cuộc đời, cái người ta quan tâm là mình được sống thoải mái vô ưu vô lo hơn là được tồn tại thêm một khoảng thời gian nữa.
Bài học rút ra ở đây là gì? Sinh lão bệnh tử là cái vòng tuần hoàn mà chẳng ai có thể thoát nổi. Đem cuộc sống trân quý đổi ra tiền bạc có phải là một hình thức thô thiển hoá điều thiêng liêng rất đỗi tuyệt vời ấy hay không.
Bỏ ra một mớ tiền chỉ để mua thêm thời gian sống mà giảm đi chất lượng sống không phải là phương pháp nhân đạo.
Thay vì chi tiền để níu kéo khoảng thời gian ở trên trần gian mà phải chịu đựng đau khổ, chi bằng đầu tư ngay từ đầu cho một sức khoẻ sung mãn và chất lượng cuộc sống hoàn hảo.