Những cặp “cha làm con phá” nổi tiếng trong lịch sử TQ

Nguyễn Nhung |

Lịch sử phong kiến Trung Quốc không thiếu những gương con giết cha, anh em sát hại nhau giành ngôi báu, càng không thiếu những cặp “cha làm, con phá” hủy hoại gia nghiệp tổ tiên.

“Bại gia chi tử” lâu nay vẫn được dùng để chỉ đứa con phá phách, làm bại hoại gia nghiệp do tổ tiên gây dựng. Không phải bây giờ khi xã hội phát triển, đem đến nhiều thú vui, thú tiêu khiển trụy lạc, cụm từ này mới xuất hiện.

Bằng chứng là ngay từ thời xa xưa, trong xã hội phong kiến Trung Quốc còn lạc hậu, “bại gia chi tử” đã nhiều không đếm xuể. Không chỉ có con của các ông quan to, quan nhỏ, ngay cả con vua cũng gia nhập vào nhóm danh sách này.

Có những ông vua con sau khi lên ngôi, chỉ trong vòng chưa đầy 4 năm đã phá tan sản nghiệp mà ông cha mất công sức cả trăm năm gây dựng, gieo nỗi bất hạnh cho cả một triều đại.

Dưới đây là 3 cặp “cha làm con phá” điển hình nhất trong lịch sử phong kiến Trung Hoa.

Tần Thủy Hoàng và Hồ Hợi

Nhìn vào bề dày thành tích của Tần Thủy Hoàng, đủ để biết đây là một trong những ông vua thành công bậc nhất trong lịch sử phong kiến Trung Quốc.

Từ năm 230 đến năm 221 trước công nguyên, Tần vương trước sau thôn tính 6 nước nhỏ, thành lập nên một đất nước thống nhất, đa dân tộc, duy trì chế độ trung ương tập quyền đầu tiên trong lịch sử Trung Hoa. Đó chính là triều Tần.

Ông là người có công lớn trong việc xây dựng lên bộ máy quan liêu hoàn chỉnh, hình thành nên một mô hình chính quyền phong kiến tồn tại hơn hai nghìn năm tại quốc gia đông dân nhất thế giới.

Mặc dù sau đó, Tần Thủy Hoàng bị đánh giá là một ông vua bạo ngược, song hầu như không một ai phủ nhận những thành tích hiển hách, mang tính chất bước ngoặt lịch sử do ông tạo ra.

Tuy nhiên, đời vua thứ 2 của nhà Tần không làm được những điều mà cha ông kỳ vọng. Tần Thủy Hoàng mưu lược bao nhiêu thì Hồ Hợi lại là kẻ bất tài vô dụng và ngang ngược bấy nhiêu.

Không chỉ kém cỏi về mặt trí tuệ, nhân vật lịch sử này còn là một “con rối” điển hình bị vô số quyền thần thao túng.


Chân dung Hồ Hợi trên phim truyền hình. Đây chính là nhân vật được xếp vị trí đầu tiên trong danh sách các bại gia chi tử trong lịch sử phong kiến Trung Quốc.

Chân dung Hồ Hợi trên phim truyền hình. Đây chính là nhân vật được xếp vị trí đầu tiên trong danh sách các "bại gia chi tử" trong lịch sử phong kiến Trung Quốc.

Trước khi dựa vào mưu thâm kế hiểm của Triệu Cao để đăng cơ, Hồ Hợi đã ra tay hại chết anh trai cả là Phù Tô – người vốn được Tần Thủy Hoàng rất mực tin tưởng.

Để dẹp bỏ mọi chướng ngại vật trên con đường tiến thân, “con rối” này đã bức tử 12 huynh đệ ở thành Hàm Dương. Trong khi đó, số huynh đệ ở Đỗ Cục (phía Đông Hàm Dương) bị Hồ Hợi hại chết một cách tàn nhẫn là 6 huynh đệ và 10 tỉ muội.

Không chỉ vậy, nghe lời xúi bẩy của Triệu Cao, “tội đồ” của Tần triều còn thẳng tay giết các đại thần có công lớn với nhà Tần như Mông Điềm, Mông Nghị… Tể tướng Lý Tư cũng bị xử tử cùng cả gia đình.

Bi kịch của Hồ Hợi xuất phát từ cái đầu rỗng tuếch, hoàn toàn không có chính kiến, không có lập trường của ông ta.

Cùng với việc loại trừ không thương tiếc các đối thủ, “bại gia chi tử” của dòng họ Tần đã đồng thời nhào nặn nên một mối họa lớn đến cho cả triều đại – đó chính là tên hoạn quan thú tính Triệu Cao.

Trong khi đó về phía người dân, sự cai trị của Hồ Hợi chỉ đem đến cho họ những bất hạnh bởi tô thuế nặng nề, lao dịch triền miên. Thực tế này đã làm bùng nổ các cuộc khởi nghĩa rộng rãi mà tiêu biểu nhất là cuộc khởi nghĩa của Trần Thắng, Ngô Quảng.

Không thu phục được lòng dân, Hồ Hợi ắt phải hứng kết cục đau đớn. Chỉ trong vòng 3 năm sau khi nắm quyền, ông vua con của Tần Thủy Hoàng đã chính thức phá nát gia nghiệp mà phụ thân dày công xây dựng. Khi đó, ông vua này mới 24 tuổi.

Dương Kiên và Dương Quảng

Dương Quảng là con thứ 2 của người khai lập ra nhà Tùy - Tùy Văn Đế Dương Kiên.

Theo các ghi chép trong sử sách Trung Quốc, vì có công tiêu diệt nhà Trần ở phương Nam vào năm 589 nên một năm sau đó, Dương Quảng được vua cha lập làm Hoàng thái tử thay người anh là Dương Dũng bị phế truất.

Từ năm 602, Dương Quảng bắt đầu xử lý việc nước, nắm đại quyền trong tay. Vì nóng lòng muốn thống trị thiên hạ, năm 604, Dương Quảng đã bí mật độc sát cha, ngồi vào ngai báu, tự xưng là Tùy Dạng Đế.

Trong những năm đầu trị vì, Dương Quảng rất được lòng dân, nhờ vào những chính sách cải cách tốt đẹp như mở mang khoa cử, đẩy mạnh lưu thông đường thủy bằng kênh đào Đại Vận Hà, xây dựng lại Đông Đô Lạc Dương... lập nhiều công trạng cho xã tắc.


Tùy Dạng Đế Dương Kiên trên phim. Ông vua này vì ham hưởng thụ đã khiến nhà Tùy suy vong.

Tùy Dạng Đế Dương Kiên trên phim. Ông vua này vì ham hưởng thụ đã khiến nhà Tùy suy vong.

Tuy nhiên, càng về sau, ông vua này càng sa đà vào những thói ăn chơi trụy lạc, hoang dâm háo sắc, bỏ bê chính sự, trọng dụng gian thần, xa lánh trung lương.

Để có tiền xây dựng cung điện, ăn chơi hưởng lạc, Tùy Dạng Đế không ngần ngại lại tăng tô thuế, bóc lột sức dân xây thành đắp sông, lại nhiều lần tiến công Lâm Ấp, Cao Câu Ly... khiến quân tướng tổn hao, lòng dân oán hận.

14 năm sau khi giành giật được ngai vàng từ tay cha đẻ, vào năm 618, Tùy Dạng đế bị Vũ Văn Hóa Cập sát hại tại Giang Đô. Nhà Tùy chính thức diệt vong sau 38 năm thống trị (581-619).

Lưu Bị và Lưu Thiền

So với các anh hùng hào kiệt có công lập quốc, Lưu Bị là nhân vật không quá nổi tiếng. Tuy nhiên, để nói về những cặp “cha làm con phá”, thì vì Lưu Thiền quá “xuất sắc”, không thể không đề cập đến trong trường hợp này.

Đây chính là ông vua thứ 2 và cũng là ông vua cuối cùng của nhà Thục Hán dưới thời Tam Quốc. Không phải ngẫu nhiên, các nhà sử học Trung Quốc gán cho Lưu Thiện danh hiệu “ông vua dung chủ (ông vua mất nước).

Sau khi lên thay cha nắm quyền vào năm 223, Lưu Thiện điều hành nhà Thục Hán dưới sự trợ giúp đắc lực của Gia Cát Lượng. Nhưng khi vị Thừa tướng này lục xuất Kỳ Sơn, tiến vào Trung Nguyên thu thắng lợi giòn rã thì ở nhà, Lưu Thiền khiến cơ nghiệp tan tành.

Tình hình càng trở nên bi đát sau khi Gia Cát Lượng qua đời. Ông vua trẻ này không đủ năng lực và mưu trí để nắm quyền điều hành đất nước. Hoạn quan Hoàng Hạo bắt đầu chuyên quyền, nhà Thục Hán dần dần thoái bại.


Lưu Thiền trên phim truyền hình Trung Quốc.

Lưu Thiền trên phim truyền hình Trung Quốc.

Về sau, nước Ngụy đem quân đánh Thục, Lưu Thiền bất lực đầu hàng, chuyển đến Lạc Dương (đất của nhà Ngụy) sinh sống và được phong làm An Lạc huyện công. Những người con của Lưu Thiện cũng đều được ban chức tước.

Sống nơi đất khách nhưng ông vua của nước Thục Hán này không một chút cảm thấy nhục nhã, xót xa cho bản thân và quê hương mình.

Theo “Hán Tấn Xuân Thu”, dù Lưu Thiền đã sống trên đất Ngụy như Tư Mã Chiêu vẫn rất đề phòng.

Một hôm Chiêu có mời Lưu Thiện đến phủ của mình. Trong buổi tiệc, họ Tư cho cung nữ múa điệu múa ở nước Thục làm rất nhiều quan lại nước Thục trước đây cảm động phát khóc. Nhân đó, Tư Mã Chiêu hỏi Lưu Thiền có còn nhớ đất Thục không.

Không ngờ, ông vua thất thế này vô tư trả lời: Ở đây rất vui. Tôi không còn nhớ gì đến đất Thục nữa.

Đây chính là một cái kết đắng ngắt cho nhà Thục Hán mà Lưu Bị đã phải khổ công xây dựng mới có được.

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại