Các cơ quan hàng đầu Trung Quốc đang cân nhắc những ý kiến tranh cãi xung quanh cái chết của một sản phụ vốn là tiến sĩ của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc.
Những cuộc tranh luận nảy lửa này, giữa Viện trên và một bệnh viện hàng đầu của Trung Quốc ở Bắc Kinh về trường hợp sản phụ Dương Băng đột tử, đang trở thành tiêu điểm trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc.
Sự việc này cũng đang châm ngòi cho các cuộc thảo luận trưc tuyến và một lần nữa phơi bày mối quan hệ vốn không mấy hài hòa giữa bệnh nhân và bác sỹ tại quốc gia Đông Bắc Á.
Trong vài năm trở lại đây, hiện tượng bạo lực đối với các nhân viên y tế đang trở thành một vấn nạn ở quốc gia đông dân nhất thế giới.
Một báo cáo của Hiệp hội y tế Trung Quốc vào tháng 5 năm ngoái chỉ ra rằng 13% trong tổng số 12.600 bác sĩ được khảo sát cho biết trong năm vừa qua họ đã bị hành hung về thể chất.
Ngoài ra, một báo cáo khác của Hiệp hội quản lý bệnh viện Trung Quốc cũng cho thấy trong thời gian từ năm 2002 đến năm 2012, tổng số những cuộc tấn công nhằm vào các nhân viên y tế đã tăng lên trung bình là 23% mỗi năm.
Chỉ tính riêng năm 2012, mỗi bệnh viện ở Trung Quốc phải hứng chịu khoảng 27 ca hành hung của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.
Trường hợp sản phụ Dương Băng đột tử gây bão trên các phương tiện truyền thông gần đây cũng là một minh chứng cho những con số thống kê này.
Bệnh viện nơi chị Dương tử vong.
Lời của người nhà nạn nhân
Dương Băng, 34 tuổi được nhập viện tại Bệnh viện số 3 thuộc Đại học Bắc Kinh với bệnh lý tiền sản giật, một biến chứng thai kỳ với những dấu hiệu đặc trưng như huyết áp cao và những tổn thương ở các cơ quan nội tạng khác.
Sau khi được điều trị, tình trạng của chị Dương đã ổn định nhưng chỉ gần 12 tiếng sau, chị đột ngột qua đời.
Chồng của sản phụ, anh Trương đã đổ lỗi cho bệnh viện về cái chết của vợ mình bởi sau khi được điều trị chứng tiền sản giật, vợ anh kêu bị đau ngực vào lúc 12:20 sáng ngày 11/1.
Anh Trương cũng khẳng định, dù nhiều lần giục y tá đi gọi bác sỹ nhưng anh và gia đình chỉ nhận được câu trả lời “tiếp tục theo dõi”. Các bác sỹ chỉ xuất hiện khi bệnh của vợ anh đã trở nên nguy kịch, và sau 3 tiếng đồng hồ cấp cứu, Dương Băng đã không qua khỏi.
Giải thích của bệnh viện
Các kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy nguyên nhân dẫn đến cái chết của bệnh nhân là vỡ động mạch chủ ngực (TAD).
Một bác sỹ tham gia cấp cứu Dương Băng giải thích rằng ở giai đoạn đầu, các biểu hiện vỡ động mạch chủ rất khó phát hiện và khi nó đã phát triển sang giai đoạn sau thì cơ hội sống sót của bệnh nhân là rất thấp.
Những lời giải thích này muốn chỉ ra rằng bệnh viện hoàn toàn không lơ là chức trách và không có lỗi gì trong cái chết của sản phụ.
Ảnh minh họa.
Tranh cãi, cáo buộc lẫn nhau
Cảm thấy lời giải thích này chưa thỏa đáng, anh Trương đã yêu cầu câu trả lời hợp lý hơn và muốn nhận xác của con mình. Trong khi đó, phía Bệnh viện lại cáo buộc anh và họ hàng tụ tập, phá hoại tài sản và đuổi đánh nhân viên trong bệnh viện.
Trương đã phủ nhận lời cáo buộc trên mặc dù phía cảnh sát có xác nhận là đã từng can thiệp vào một vụ xung đột ở bệnh viện này vào hôm 13/1 sau khi nhận được điện thoại thông báo, nhưng không có ai bị bắt giữ.
Vụ việc càng trở nên phức tạp hơn khi có sự can thiệp của một số cơ quan có tiếng nói của Trung Quốc.
Ngày 14/1, Viện Kỹ thuật Vật lý và Hóa học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc – cơ quan làm việc của chị Dương đã gửi công văn đến bệnh viện yêu cầu "tiến hành một cuộc điều tra công bằng, minh bạch và toàn diện về cái chết của Dương".
Sau khi nhận được công văn trên, Hiệp hội bác sỹ y khoa Trung Quốc đã đăng một bài viết trên trang web chính thức của họ và đặt ra câu hỏi về tính pháp lý của bức công văn đến từ Viện khoa học.
Hiệp hội này đồng thời đáp trả rằng Viện khoa học nên hướng dẫn cho các nhân viên của mình tuân theo pháp luật trước.
Anh Trương cho biết chính anh đã yêu cầu Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc gửi công văn sau khi những cuộc thỏa thuận giữa anh và bệnh viện trở nên gay gắt.
Các trường hợp tai nạn xảy ra do sơ suất y tế thường rất khó tìm ra bằng chứng và phải mất vài năm để giải quyết ổn thỏa.
Tuy nhiên, vụ việc này đã một lần nữa cho thấy tâm lý băn khoăn của bệnh nhân về tính minh bạch của những sự cố chết người ở bệnh viện cũng như nguy cơ bạo lực ngày càng gia tăng trong các bệnh viện Trung Quốc.
Sau khi Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc CCTV đăng tải bài viết này lên trang Facebook của mình, đã có rất nhiều người thẳng thắn bày tỏ sự nghi ngờ đối với cái gọi là tinh thần, trách nhiệm của các bác sĩ khi để xảy cố đáng tiếc xảy ra.
"Bác sĩ, hầu hết trong số họ đều cẩu thả và vô trách nhiệm", một cư dân mạng có facebook là Wong Fey nói.