"Siêu khối quân sự" bao trùm 4 châu lục?
Ngày 10/1/2020, tờ Haaretz của Israel đưa tin Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump ngỏ ý ủng hộ kế hoạch mở rộng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) bao gồm các quốc gia Trung Đông trong một phát biểu tại Nhà Trắng.
"Tôi nghĩ rằng NATO nên được mở rộng, và chúng tan nên tính tới việc bao gồm cả Trung Đông".
Ông Trump đã đề xuất việc các đồng minh của Mỹ ở Trung Đông (Israel, Arab Saudi, UAE... ) gia nhập NATO khi ông đề cập đến các cuộc tấn công của "lực lượng Iran" nhằm vào quân đội Mỹ ở Iraq, cuộc tấn công bằng máy bay không người lái giết hại Tướng Iran Qassem Soleimani.
Theo tờ Haaretz, Tướng Qassem Soleimani là người đóng vai trò chính trong cuộc chiến chống lại nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) trong khu vực.
Với sự tham gia của Israel, Arab Saudi, UAE và Ai Cập, NATO sẽ trở thành một "Siêu khối quân sự" trải dài trên 4 Châu lục là Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Á (Trung Đông) và Châu Phi (Ai Cập).
Nhắc đến nhóm khủng bố IS, ông Trump đánh giá IS đã trở thành một "vấn đề quốc tế" mà tất cả các quốc gia (đặc biệt là thành viên NATO) cần cùng giải quyết:
"Chúng tôi đã có thể về nhà (nước Mỹ), phần lớn (lính Mỹ) đã trở về nhà và lực lượng NATO được sử dụng (để thay thế lính Mỹ). Chúng tôi đã bắt được (nhóm khủng bố) IS, điều chúng tôi đã làm là một ân huệ lớn cho châu Âu".
Ông Trump đã từng phê bình các đồng minh Châu Âu thuộc NATO và yêu cầu họ trả nhiều tiền hơn cho việc phòng thủ tập thể và nhượng bộ thương mại đối với lợi ích của Mỹ.
Ông Trump nói thêm rằng "siêu khối quân sự" này có thể được gọi là NATO-ME (NATO và Middle East/Trung Đông). TT Mỹ cũng nói rằng ông đã liên lạc với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm 8/1/2020 về vấn đề này.
Binh sĩ Đức và Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) trong một cuộc tập trận.
"Siêu khối quân sự" để đối phó với ai?
NATO được thành lập vào năm 1949 như đối trọng của Khối Warsaw do Liên Xô dẫn đầu. Từ 12 thành viên ban đầu, hiện tại NATO đã có 29 quốc gia thành viên.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng đã liên lạc với ông Stoltenberg để thảo luận về cuộc tập kích tên lửa của Iran và nhắc lại lời kêu gọi của ông Trump về việc NATO cần "tham gia nhiều hơn vào Trung Đông".
Một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết "NATO có thể đóng góp nhiều hơn cho an ninh khu vực và cuộc chiến chống khủng bố".
Tuyên bố nói thêm rằng ông Pompeo và Stoltenberg đã lên án "bạo lực gây bất ổn" của Iran và "cam kết chống khủng bố quốc tế, bao gồm cả việc NATO tham gia Liên minh chống IS và các nhiệm vụ huấn luyện ở Iraq và Afghanistan."
Nhà Trắng nói rằng trong lời kêu gọi của mình, ông Trump đã "nhấn mạnh giá trị của việc NATO tăng vai trò trong việc ngăn chặn xung đột và giữ gìn hòa bình ở Trung Đông".
Trong quá khứ, nước Mỹ chưa bao giờ "đơn độc" trong các cuộc chiến chống lại các đối thủ có năng lực quân sự. Kể từ khi NATO được thành lập, việc Mỹ tuyên chiến với bất kỳ đối tượng nào thường đồng nghĩa với một cuộc chiến của NATO.
Phi công Pháp chuẩn bị cho nhiệm vụ không kích do NATO dẫn đầu tại Libya năm 2011.