Chuyên gia Mỹ kinh ngạc: Đến Nga cũng tin rằng Hải quân Mỹ sẽ đánh bại Trung Quốc

QS |

“Nếu các tàu sân bay của Mỹ và Trung Quốc đụng độ, Hải quân Mỹ sẽ giành chiến thắng". Người đã đưa ra nhận định đó là ai? Câu trả lời thật bất ngờ, một chuyên gia quân sự Nga.

Tạp chí National Interest đăng tải bài viết của chuyên gia Michael Peck với tiêu đề "Ngay cả Nga cũng cho rằng Hải quân Mỹ sẽ đánh bại Trung Quốc".

Cụ thể, ông Konstantin Sivkov, một thành viên của Học viên Khoa học Pháo - Tên lửa của Nga đã đưa ra nhận định rằng, khả năng trinh sát vượt trội của Mỹ sẽ làm suy yếu những lợi thế về tên lửa siêu vượt âm của Trung Quốc.

Ông Sivkov đưa ra tình huống đụng độ giữa các tàu sân bay của Mỹ và Trung Quốc, dường như những giả định của ông được dựa trên các trận giao tranh thời Thế chiến II giữa Mỹ và Nhật Bản, đặc biệt là trận Midway.

Trong những trận chiến đó, thắng bại phụ thuộc vào việc bên nào phát hiện ra các tàu sân bay của bên kia trước, rồi sau đó phát động một cuộc không kích nhằm vào chúng.

Sức mạnh và số lượng vũ khí tấn công không còn nắm giữ phần lớn vai trò quan trọng quyết định tiến trình và kết quả của trận chiến trên biển trong điều kiện hiện nay, thay vào đó là khả năng của hệ thống trinh sát trên mặt trận đại dương”, ông Sivkov viết trong ấn phẩm quốc phòng Military-Industrial Courier của Nga.

Theo vị chuyên gia, nhờ vượt mặt đối thủ về mặt này, Hải quân Mỹ có thể san bằng đáng kể với mức độ vượt trội của Trung Quốc trong lĩnh vực tên lửa chống tàu siêu vượt âm.

Mặc dù Mỹ hiện có hạm đội tàu sân bay lớn nhất trên thế giới, nhưng Trung Quốc hiện đã có 2 tàu sân bay và có thể chế tạo thêm nhiều tàu nữa để củng cố và khẳng định sức mạnh của nước này ở Tây Thái Bình Dương, hoặc xa hơn nữa.

Điều đó khiến Nga - quốc gia chỉ có 1 tàu sân bay (hiện đang tạm ngừng hoạt động sau tai nạn) - trở thành một người ngoài cuộc trong chiến tranh tàu sân bay.

Kịch bản đụng độ tàu sân bay Mỹ-Trung

Ông Sivkov cho rằng, do Trung Quốc thiếu năng lực triển khai lực lượng (như thiếu các căn cứ quân sự ở nước ngoài) nên trận chiến với Mỹ sẽ diễn ra tại vị trí gần hơn với các căn cứ của họ, trong phạm vi 500-1.500km tính từ bờ biển Trung Quốc (hoặc gần một căn cứ ở Ấn độ Dương nếu Trung Quốc tìm cách có được một căn cứ từ quốc gia đối tác).

Chuyên gia Mỹ kinh ngạc: Đến Nga cũng tin rằng Hải quân Mỹ sẽ đánh bại Trung Quốc - Ảnh 1.

Nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ. Ảnh: National Interest

Có lẽ do bị vượt trội về hỏa lực trong một trận chiến tàu sân bay thuần túy nên Hải quân Trung Quốc sẽ tìm cách tấn công trong phạm vi tầm bắn của các tên lửa siêu vượt âm mà nước này bắn từ bệ phóng trên bộ, hoặc triển khai từ các máy bay ném bom.

Khi người Mỹ tìm cách buộc trận chiến diễn ra ở nơi cách các căn cứ bờ biển của Trung Quốc xa hơn nữa thì Bắc Kinh sẽ cố gắng trốn tránh. Trong trường hợp không thể, họ sẽ tìm cách rút quân nhanh nhất khỏi hỏa lực của Mỹ, làm chệch hướng tấn công của đối thủ và phát động cuộc chiến của riêng họ” - ông Sivkov nhận định.

Các tàu sân bay Trung Quốc, với kích cỡ nhỏ hơn - bằng khoảng một nửa tàu sân bay Mỹ - sẽ phải phụ thuộc vào tàu ngầm, máy bay tuần tra xuất kích từ các căn cứ trên bờ và vệ tinh do thám để xác định vị trí của lực lượng tàu sân bay Mỹ.

Trái lại, các tàu sân bay Mỹ sẽ có sự hỗ trợ của các máy bay cảnh báo sớm E-2 Hawkeye, máy bay tác chiến điện tử EA-18 ngay trên tàu, và các máy bay cảnh báo sớm triển khai từ căn cứ trên bộ.

Ông Sivkov tin rằng, các hệ thống phòng thủ của nhóm tàu sân bay Mỹ sẽ vô hiệu hóa tàu ngầm và máy bay tuần tra của Trung Quốc, khiến chúng khó có thể xác định được vị trí của lực lượng Mỹ, trong khi các vệ tinh của Bắc Kinh lại di chuyển quá nhanh, khó duy trì liên lạc liên tục.

Trong lúc này, các tàu ngầm và máy bay của Mỹ sẽ tìm ra nhóm tàu của Trung Quốc, và rồi tàu ngầm Mỹ sẽ tấn công hạm đội Trung Quốc bằng tên lửa chống tàu.

Chuyên gia Mỹ kinh ngạc: Đến Nga cũng tin rằng Hải quân Mỹ sẽ đánh bại Trung Quốc - Ảnh 2.

Nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh trong một lần diễn tập trên Biển Đông. Ảnh: Reuters

Nhóm tàu sân bay Trung Quốc bị đánh bại

Mặc dù không nói rõ phương thức tính toán của mình nhưng ông Sivkov đã chỉ ra các ước tính định lượng cho thấy hạm đội của Trung Quốc chỉ có thể xác định vị trí thô của tàu sân bay Mỹ, trong khi Mỹ thì xác định được chi tiết hơn về vị trí của các tàu Trung Quốc.

Ở giai đoạn này của trận chiến, cả hai bên sẽ đều hứng chịu một số tổn thất nhất định”, ông Sivkov viết, “Trung Quốc có thể thiệt hại 1 hoặc 2 tàu ngầm, 1 tàu mặt nước, 2-3 máy bay trinh sát, 2-4 máy bay chiến đấu. Còn Mỹ có khả năng thiệt hại 1 tàu ngầm, 1-2 máy bay trinh sát, cùng 2-4 máy bay chiến đấu”.

Bây giờ đến phần mấu chốt của trận chiến. Ở kịch bản này, ông Sivkov ước tính tàu sân bay Trung Quốc chỉ có thể tham gia tấn công với khoảng 6 máy bay, những chiếc khác được giữ lại để tuần tra phòng thủ.

Các chiến đấu cơ này sẽ phóng tên lửa chống hạm có khả năng vô hiệu hóa hoặc đánh chìm cặp tàu khu trục ở vòng ngoài của nhóm tàu sân bay Mỹ.

Song, tàu sân bay Mỹ có thể tập hợp lực lượng tấn công với hơn 30 máy bay, chúng sẽ phá hủy một số tàu hộ tống của Trung Quốc. Để tiêu diệt tàu sân bay Trung Quốc, tàu sân bay Mỹ cần tiến hành đợt tấn công thứ hai.

Trong lúc này, 4-5 tàu khu trục Trung Quốc sẽ tìm cách tiến vào phạm vi có thể tấn công tên lửa nhóm tàu Mỹ, mỗi tàu sẽ bắn ra 16 tên lửa YJ-18, kèm một loạt 6 tên lửa nữa nhằm phá hủy tàu sân bay Mỹ.

Phía Mỹ sẽ điều chuyển các tàu hộ tống lên ngăn chặn tình huống xấu, và triển khai các máy bay trên tàu để tìm cách phá vỡ mối đe dọa từ các tàu mặt nước của Trung Quốc.

Mô hình hóa tình hình ở giai đoạn này cho thấy nhóm tàu Trung Quốc có cơ hội tốt để tiến tới vạch tấn công, với thiệt hại lên tới 40-50% tiềm lực”, ông Sivkov viết, “Loạt tên lửa gồm 30-40 tên lửa chống tàu YJ-18 sẽ khiến tàu sân bay Mỹ bị vô hiệu hóa khoảng 20-30%, nếu trong tình huống hàng phòng thủ của nhóm tàu Mỹ đã bị suy yếu do những đợt tấn công trước đó.

Mức độ hiệu quả của đợt tấn công thứ hai do các tiêm kích hạm trên tàu sân bay Mỹ tiến hành (khoảng 24 máy bay) nhằm vào tàu sân bay Trung Quốc ước tính khoảng 40-50%”.

Ông Sivkov cho rằng ở giai đoạn này, nhóm tàu Trung Quốc sẽ rút lui, trong khi lực lượng Mỹ sẽ đuổi theo và tìm cách thực hiện đợt không kích cuối cùng.

“Chốt lại: Tàu sân bay Trung Quốc sẽ bị hư hỏng nặng hoặc vô hiệu hóa, thậm chí bị đánh chìm cùng 4-5 tàu hộ tống, 1-2 tàu ngầm và thiệt hại hơn một nửa số tiêm kích hạm”, ông Sivkov kết luận.

Trong khi đó, nhóm tàu sân bay Mỹ sẽ thiệt hại “2-3 tàu chiến mặt nước, 17-20% tiêm kích hạm. Tàu sân bay Mỹ sẽ hứng chịu tương đối ít hư hại hoặc không có hư hại gì. Nói cách khác, nhóm tác chiến tàu sân bay Trung Quốc sẽ bị đánh bại và mất đi khả năng tiếp tục chiến đấu. Còn nhóm tàu sân bay Mỹ chỉ bị suy yếu một chút”.

Theo nhà phân tích Michael Peck, có rất nhiều tình huống giả định được đặt ra trong kịch bản của ông Sivkov. Nó dường như mô tả một trận chiến giữa 1 tàu sân bay Trung Quốc và 1 tàu sân bay Mỹ cùng với lực lượng hộ tống của chúng, thay vì nói về các chiến dịch có nhiều tàu sân bay.

Chi tiết các tàu ngầm và máy bay trên bờ của Trung Quốc bị các hệ thống phòng thủ của Mỹ vô hiệu hóa là một giả định táo bạo, mặc dù điều đó là cần thiết nếu nhóm tàu Mỹ hoạt động trong phạm vi tấn công của các hệ thống phòng thủ trên bờ mà Trung Quốc triển khai.

Bên cạnh đó, theo ông Peck, thật “thú vị” khi chuyên gia Nga lại giả định rằng các trận chiến tàu sân bay ở thế kỷ 21 sẽ tái hiện lại các trận chiến thời Thế chiến 2 ở Thái Bình Dương, nơi lực lượng tàu ngầm và máy bay trên cạn chỉ đóng vai phụ, và cuộc chiến thực sự chỉ diễn ra giữa các tàu sân bay của Nhật và Mỹ.

Tuy nhiên, chuyên gia Mỹ cho rằng, các loại tên lửa đạn đạo chống tàu tầm xa, máy bay ném bom trên cạn trang bị tên lửa siêu vượt âm, tàu ngầm siêu im lặng và hệ thống trinh sát vệ tinh có thể sẽ khiến tính toán đó thay đổi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại