Xe tăng chiến đấu chủ lực T-90M. Ảnh: TASS
“Xe tăng Abrams và Challenger ‘được chế tạo để đánh bại Nga’: Vì sao địa hình bùn lầy ở Ukraine là chiến trường lý tưởng”; “Abrams, Leopard, Challenger 2 và T-72: So sánh xe tăng phương Tây với xe tăng Nga” là 2 trong số nhiều bài viết mà báo chí phương Tây đăng tải những ngày gần đây, chủ yếu so sánh xe tăng thế hệ thứ 2 của Liên Xô đầu những năm 1970 với xe tăng thế hệ thứ 3 của NATO ra đời sau đó 15-20 năm.
Chỉ một số ít tờ báo thực sự tập trung vào khả năng của T-90 - xe tăng hiện đại nhất của Nga. Một số bài báo cho rằng T-90 “về cơ bản là thân và tháp pháo T-72 đời cuối” với động cơ được nâng cấp.
Một nguồn tin phương Tây miễn cưỡng thừa nhận rằng “một số phiên bản của T-90 thậm chí còn tốt hơn so với xe tăng NATO, với hệ thống pháo và tên lửa chống tăng vượt trội”, nhưng vẫn cho rằng nếu được huấn luyện bài bản, Ukraine sẽ chiếm ưu thế.
Xe tăng chiến đấu chủ lực T-90
T-90 là loạt xe tăng chiến đấu chủ lực đầu tiên được sản xuất gần như hoàn toàn trong thời kỳ hậu Xô viết. Mẫu xe tăng này được thiết kế từ giữa đến cuối những năm 1980 và là một cuộc đại tu lớn của T-72B – mẫu xe tăng Liên Xô được đưa vào sử dụng với số lượng lớn.
Ban đầu được gọi là T-72BU, mẫu xe tăng này được đặt tên T-90 do Tổng thống Boris Yeltsin muốn có “mẫu xe tăng đầu tiên của Nga” được chế tạo sau thời kỳ Xô viết.
T-90 có trọng lượng 46-48 tấn, dài 9,6 m, rộng 3,78 m và cao 2,22 m. Giống như các xe tăng trước đó, T-90 nhẹ hơn và nhỏ hơn đáng kể so với xe tăng NATO giai đoạn những năm 1980 và 1990 (nặng từ 62-74 tấn và cao tới 3m trong trường hợp của Leopard 2).
T-90 trang bị pháo nòng trơn 2A46 125 mm/L48 (được sử dụng trên nhiều loại xe tăng Nga, Ukraine và Trung Quốc) và súng máy 12,7 mm hoặc 7,62 mm làm vũ khí phụ.
Pháo của T-90 và các biến thể của nó được đánh giá là có lợi thế hơn so với với pháo nòng trơn 120 mm Rh-120 L/44 được trang bị trên Leopard 2, và có thể bắn đạn tới 4.000m – xa hơn 500m so với pháo của Đức.
Kích thước của T-90 nhỏ gọn hơn so với xe tăng phương Tây là do triết lý thiết kế bắt nguồn từ thời hậu Thế chiến II. Đặc điểm này là nhằm cải thiện khả năng di chuyển, kể cả khi đi qua những không gian chật hẹp như rừng và vùng núi, tăng phạm vi hoạt động cũng như khả năng vượt sông và cầu…
Biến thể T-90M
T-90M Proryv (Đột phá) là phiên bản mới nhất của dòng T-90. Đây là bản nâng cấp toàn diện của T-90 cơ bản, bao gồm mô-đun tháp pháo mới với vỏ giáp nhiều lớp, khả năng bảo vệ tổ lái được cải thiện nhờ đặt giá đạn bên ngoài khoang lái và pháo chính cải tiến – 125 mm 2A82 – loại pháo tương tự được trang bị trên các xe tăng thế hệ tiếp theo như T-14 Armata.
T-90M có hệ thống điều khiển hỏa lực Kalina tự động, súng máy Kord 12,7mm điều khiển từ xa, hệ thống phòng thủ chủ động Relict và hệ thống liên lạc kỹ thuật số thế hệ 5.
Những điểm mới trong thiết kế xe tăng của Nga bao gồm hệ thống điều hòa không khí, hệ thống lái và hộp số được cải tiến giúp người lái dễ sử dụng hơn. T-90M cũng có Arena-M, một hệ thống bảo vệ chủ động tiên tiến để chống tăng và chống tên lửa.
Việc giao xe tăng T-90M cho quân đội Nga bắt đầu từ năm 2020.
Nga có bao nhiêu xe tăng T-90?
Có tới 1.000 xe tăng T-90 với nhiều biến thể khác nhau được sản xuất từ năm 1992 đến nay. Nga có khoảng 350 xe tăng T-90A và khoảng 100 xe tăng T-90M đưa vào phục vụ năm 2022, ngoài ra còn 200 xe tăng T-90 nữa đang được niêm cất.
Năm 2018, quân đội Nga đã công bố kế hoạch nâng cấp tất cả xe tăng T-90 lên biến thể T-90M vào năm 2025.
Hiệu quả T-90 trong chiến đấu
Trong vòng đời hơn 30 năm, các biến thể của T-90 đã tích lũy kinh nghiệm hoạt động trong nhiều điều kiện khác nhau, bắt đầu từ thử nghiệm ở Chechnya năm 1995. Khi đó, một số lượng nhỏ T-90 đã chứng tỏ “thực tế bất khả xâm phạm” trước các loại tên lửa chống tăng nhờ hệ thống bảo vệ tích cực.
Khoảng 30-40 xe tăng T-90 với nhiều biến thể khác nhau đã được triển khai tới Syria năm 2015 và được các lực lượng Damascus sử dụng trong các trận chiến khốc liệt chống chiến binh Hồi giáo cực đoan được phương Tây, vùng Vịnh và Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn.
Khả năng bảo vệ trước tên lửa chống tăng có điều khiển (ATGM) của T-90 đã nhiều lần chứng minh hiệu quả trước các tên lửa TOW mà Mỹ đưa vào Syria.
Có 3-6 xe tăng T-90 bị hư hỏng không thể sửa chữa hoặc bị phá hủy trong chiến tranh, một xe tăng rơi vào tay những kẻ khủng bố. Những chiếc khác bị hư hại nhưng đã được sửa chữa để đưa trở lại chiến trường sau đó.
T-90 ở Syria được đánh giá hiệu quả hơn so với Leopard 2 - vốn đã chịu nhiều tổn thất trong các chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ ở miền Bắc Syria kể từ năm 2016.
Các lực lượng Nga sử dụng T-90 rộng rãi trong cuộc xung đột ở Ukraine. Các nhà quan sát phương Tây cho rằng Nga đã mất khoảng 20 xe tăng T-90 và Ukraine thu được một số xe tăng chiếc.
Thiệt hại thực sự rất khó xác minh. Tuy nhiên, một sĩ quan Ukraine gần đây đã thừa nhận, xe tăng của Ukraine, chủ yếu bao gồm T-62 và T-72 cũ từ thời Liên Xô, không phải là đối thủ của T-90.
T-90 đối đầu xe tăng chủ lực của phương Tây ở Ukraine?
Có nhiều bài báo và tuyên bố từ Nga và phương Tây về cách xe tăng của bên này hoặc bên kia sẽ hạ gục đối phương trên chiến trường Ukraine trong thời gian ngắn.
Dù vậy, kết quả của bất kỳ cuộc chạm trán xe tăng nào trong thế giới thực sẽ phụ thuộc vào kỹ năng của kíp lái, năng lực của chỉ huy, các thông tin tình báo chiến trường và chiến thuật, sự hỗ trợ của pháo binh, không quân và bộ binh sử dụng ATGM, hiệu quả của việc tiếp nhiên liệu, tái trang bị cũng như sửa chữa.
Mục đích chính của xe tăng, trong những điều kiện tối ưu, là thực hiện những cuộc đột phá bọc thép quy mô lớn, nhanh chóng trên một mặt trận rộng lớn.
Như chuyên gia quân sự Nga Alexei Leonkov gần đây nhận định, số lượng xe tăng NATO được gửi tới Ukraine để đối đầu với thiết giáp Nga, bao gồm cả T-90, “hoàn toàn không đủ để thực hiện bất kỳ loại chiến thuật hay tác chiến-thực tế nào”.
Hơn nữa, Scott Ritter, cộng tác viên của Sputnik, cho rằng hoạt động hiệu quả của xe tăng đòi hỏi chúng phải được sử dụng như một phần của đội vũ trang kết hợp với sự yểm trợ của bộ binh và “số lượng lớn vũ khí hỗ trợ”. Nếu không có sự hỗ trợ này, bất kỳ chiếc xe tăng nào cũng “chỉ là một cỗ quan tài di động đắt tiền”.