Do ăn uống thiếu vệ sinh, 6 con giun lạ sống ký sinh trong phổi

Trần Quỳnh |

Khi ăn đồ tái sống, con người có thể bị nhiễm một số loại ký sinh trùng nguy hiểm. Chúng gây ra rất nhiều hệ lụy cho sức khỏe mà xấu nhất là rối loạn thần kinh hoặc ung thư.

Vào một buổi sáng, Lâm Lâm (tên bệnh nhân đã được thay đổi), một phụ nữ 30 tuổi sống tại Gia Hưng (Trung Quốc), bỗng cảm thấy buồn nôn. Sau một hồi khó chịu, cô đã ho ra 6 con giun còn sống, con lớn nhất có chiều dài lên tới 3cm.

Quá kinh hãi, Lâm Lâm đã cho 6 con giun vào cốc và lập tức tới bệnh viện Gia Hưng để kiểm tra.

Bị 6 con giun lạ sống ký sinh trong phổi vì ăn uống thiếu vệ sinh

Trải qua một loạt các xét nghiệm, bác sĩ phát hiện ra phổi của Lâm Lâm xuất hiện nhiều vết thâm mờ. Những kết luận ban đầu khẳng định các tổn thương được ghi nhận ở phổi chủ yếu do những con giun lạ kia gây ra.

Bác sĩ Cố Quýnh cho biết: “Ngoại trừ chứng viêm, bệnh nhân không mắc bệnh trạng nghiêm trọng nào khác. Chúng tôi đã tiến hành trị liệu để loại bỏ hết các ấu trùng trong người cô Lâm.”

Mới đây, Lâm Lâm đã xuất viện trong tình trạng tương đối ổn định và tiếp tục được tiến hành theo dõi sức khỏe tại nhà.

Giải thích thêm về trường hợp này, ông Cố nói: “Tình trạng của cô Lâm tương đối đặc biệt. Loại giun cô ấy ho ra thuộc dạng giun tròn, nhưng cụ thể là loại giun gì thì chúng tôi chưa thể xác định.”

Ngay sau khi nhận được mẫu ấu trùng, bệnh viện Gia Hưng đã chuyển những con giun này tới cơ quan xét nghiệm tại Thượng Hải để tiến hành kiểm tra và xác định. Kết quả cho thấy, những con giun đó ra không nằm trong danh sách ký sinh trùng y học.


Loại giun do cô Lâm ho ra được xác định không phải là ký sinh trùng y học. (Ảnh: nguồn internet).

Loại giun do cô Lâm ho ra được xác định không phải là ký sinh trùng y học. (Ảnh: nguồn internet).

“Bởi chúng không phải là các loại ký sinh trùng y học, nên chúng tôi khó có thể kết luận những con giun này xâm nhập vào cơ thể bệnh nhân bằng cách nào.

Tuy nhiên, đại đa số các trường hợp mắc ký sinh trùng tương tự đều bắt nguồn từ thói quen ăn uống không vệ sinh"

Ông Cố cũng nói thêm, do thói quen sinh hoạt thay đổi, chế độ ăn uống của mọi người cũng có nhiều biến chuyển.

“Trước kia, mọi người phần lớn đều ăn chín. Nhưng hiện tại, các món tái, món sống ngày càng nhiều, có thể kể tới rau sống, cá sống…”

Hiểm họa khôn lường từ những kẻ ký sinh nhỏ bé

Nhiều người không khỏi thắc mắc nếu các loại ký sinh trùng xâm nhập cơ thể con người thông qua đường tiêu hóa, vậy làm sao chúng lại có thể tiến vào phổi như trường hợp của cô Lâm?

Đến từ khoa Nội thuộc Bệnh viện Gia Hưng, bác sĩ Lưu Gia Lương cho biết ký sinh trùng sẽ theo sự tuần hoàn của máu cùng bạch huyết, dễ dàng di chuyển từ dạ dày lên phổi và các cơ quan khác.

“Loại giun trong phổi của cô Lâm thực tế còn tương đối ‘nhân đạo’. Có những loại ký sinh trùng từng phá hoại mạch máu trong phổi, dẫn đến tình trạng ho ra máu.

Nguy hiểm hơn cả là những loại trùng di chuyển lên não và phá hoại cơ quan này. Thậm chí có những loại xâm nhập qua da. Chúng đều là những sinh vật vô cùng đáng sợ!”


Không chỉ làm tổ trong cơ thể con người, những sinh vật ký sinh nhỏ bé này còn kéo theo vô số hệ lụy nguy hại cho sức khỏe. (Ảnh: nguồn internet).

Không chỉ "làm tổ" trong cơ thể con người, những sinh vật ký sinh nhỏ bé này còn kéo theo vô số hệ lụy nguy hại cho sức khỏe. (Ảnh: nguồn internet).

Bên cạnh đó, ông Lương cũng cho biết trong những năm qua, do những thay đổi về khẩu vị và thói quen ăn uống, ngày càng có nhiều người thích ăn rau sống, đồ tái, thực phẩm kém vệ sinh, các bệnh ký sinh trùng cũng theo đó mà có dấu hiệu bùng phát.

Những loại ký sinh trùng phổ biến và nguy hiểm

Sán lá gan, sán lá phổi, sán dây, trùng cong (toxoplasma), sán lá gừng là những loại ký sinh trùng gây bệnh phổ biến thường gặp ở người”, bác sĩ Cố Quýnh chia sẻ.

Sán lá gan thường ký sinh trong gan, mật. Trong những trường hợp bất thường, chúng có thể “ký sinh lạc chỗ” ở trong cơ hoặc dưới da.

Sau khi sinh sản, trứng của sán lá gan sẽ theo đường mật xuống ruột và ra ngoài theo phân. Loại sán này thường có trong các loại cá nước ngọt.


Sơ đồ biểu thị vòng đời của sán lá gan. (Nguồn internet).

Sơ đồ biểu thị vòng đời của sán lá gan. (Nguồn internet).

“Bởi vậy, nếu không được nấu chín, các loại thủy sản sẽ trở thành cá thể phát tán các ký sinh trùng nguy hiểm này.

Tỷ lệ mắc ung thư ống mật ở những người bị sán lá gan ký sinh cao gấp nhiều lần so với người không mắc sán.” bác sĩ Cố Quýnh khuyến cáo.

Sán lá phổi là loại sán ký sinh chủ yếu ở vùng phổi, nhưng chúng cũng có thể xâm nhập và làm tổn thương màng não, kéo theo đó là các hệ lụy nguy hiểm như đau đầu dữ dội, teo dây thần kinh mắt, liệt nhẹ tay chân hoặc rối loạn tâm thần.

Loại sán này thường ký sinh ở các loại động vật giáp xác nước ngọt (tôm, cua, ốc) và xâm nhập vào cơ thể con người thông qua đường tiêu hóa.


Vòng đời của sán lá phổi. (Nguồn internet).

Vòng đời của sán lá phổi. (Nguồn internet).

Tương tự như vậy, sán dây, trùng cong và sán lá gừng cũng là những loại ký sinh trùng xâm nhập và lây lan qua đường ăn uống.

Sán dây chủ yếu có trong thịt lợn, thịt bò. Trùng cong xuất hiện từ thịt dê. Sán lá gừng phát tán từ thực vật thủy sinh (củ ấu, ngó sen, củ năng...) và rau sống.

Những trường hợp bị nhiễm ký sinh trùng phần lớn xuất phát từ thói quen ăn uống không hợp vệ sinh, đặc biệt là những trường hợp ăn thực phẩm bẩn hoặc đồ tái, sống.

*Theo Sina Health

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại