Khi gan bị tổn thương, bên cạnh việc sử dụng thuốc thì chế độ dinh dưỡng phù hợp có vai trò quan trọng trong điều trị.
Nguyên tắc dinh dưỡng trong điều trị viêm gan là giảm mỡ trong chế độ ăn, tăng glucid, tăng protein.
Nguyên tắc dinh dưỡng cho người bệnh gan
Giảm mỡ trong chế độ ăn: Khi tế bào gan bị tổn thương, trong bào tương của nó sẽ sinh ra các giọt mỡ có thể giết chết tế bào - hiện tượng thoái hóa mỡ của gan. Do đó chế độ ăn nhiều lipid cần loại bỏ ngay.
Tăng glucid trong khẩu phần ăn hằng ngày: Bình thường một phần glucid của chế độ ăn được dự trữ trong gan dưới dạng glycogen, chức năng chuyển hoá dự trữ glycogen rất quan trọng vì nó làm cho gan đảm nhiệm được vai trò giải độc chống xâm nhập của các chất độc từ bên ngoài vào và những chất độc nội sinh gây ra.
Khi gan bị tổn thương thì glycogen trong gan bị giảm đi, do đó chế độ ăn cần phải có nhiều glucid để tạo ra nhiều glycogen.
Tăng protein: Sự tái tạo tế bào, trong đó có tế bào gan cần phải có nhiều protein. Sự thoái hoá mỡ của gan có thể sinh ra bởi một chế độ ăn nhiều lipid hoặc chế độ ăn ít protein. Chế độ ăn tăng protein có thể bảo vệ gan rất tốt, chống ngộ độc do asen, clorofoc, tetraclorua cacbon.
Sữa có nhiều protid tốt và nhiều methionine giúp bảo vệ gan.
Những điều cần chú ý
Bệnh viêm gan cấp có nhiều nguyên nhân gây bệnh, thường gặp nhất là do virus: Virus viêm gan A thường lây qua đường tiêu hoá, thức ăn, nước uống bị nhiễm virus. Virus viêm gan B lây nhiễm chủ yếu qua đường tiêm truyền, có thể qua nước bọt, tinh dịch. Virus viêm gan C thường lây qua đường máu.
Ngoài ra còn các nguyên nhân khác bao gồm viêm gan tự miễn và viêm gan xảy ra sau sử dụng thuốc, chất gây nghiện, độc chất và rượu. Viêm gan tự miễn là bệnh xảy ra khi cơ thể tạo kháng thể chống lại mô gan.
Khi bị viêm gan cấp thì hàng loạt rối loạn về chuyển hóa sẽ xảy ra do tế bào gan bị hoại tử. Trong giai đoạn điều trị viêm gan cấp chế độ ăn uống và nghỉ ngơi đóng một vai trò rất quan trọng.
Trong thời gian đầu khi bệnh nhân đang sốt, nôn hoặc buồn nôn có thể dùng nước đường, nước luộc rau, nước ép trái cây, nếu nôn hoặc chán ăn thì dùng thêm glucoza 20% nhỏ giọt tĩnh mạch. Khi người bệnh hết sốt, nôn có thể dùng sữa tách bơ, sữa đặc có đường và phở, súp, cháo, quả tươi các loại... ăn theo chế độ ăn lỏng, rồi ăn đặc dần, cho đến khi trở lại bình thường.
Sau giai đoạn đầu, bệnh tiến triển tới giai đoạn hồi sức. Lúc này cần chú ý tới tác dụng của protid. Vẫn nên dùng sữa vì sữa có nhiều protid tốt và nhiều methionin bảo vệ gan. Thực phẩm thứ 2 cần chú ý là trứng, nên dùng trứng gà vì lipid ít hơn trứng vịt, protein của trứng có giá trị sinh học cao nhất so với mọi loại thức ăn. Hiện nay, người ta coi đạm của trứng là đạm chuẩn để từ đó so sánh với các thực phẩm khác.
Trong đạm của trứng chứa đầy đủ 10 loại acid amin cần thiết (lysin, methionin, tryptophan, phenylalanin, threonin, valin, leucin, izoleucin, arginin và histidin). Ngoài ra dùng thêm thịt nạc, gan, gà, cá, đậu phụ để tăng thêm nguồn đạm cho bệnh nhân (có thể dùng sữa đậu nành vì có nhiều methionin). Có thể bổ sung thêm các thực phẩm như: cơm, khoai tây, khoai lang, bánh ngọt, đường, rau tươi, quả tươi để có nguồn glucid dồi dào cần để cung cấp glycogen cho gan.
Ngoài ra, khi ăn uống bệnh nhân bị viêm gan cần chú ý chọn loại thức ăn tươi ngon; không ăn thức ăn nấu đặc, thực phẩm bị nấm mốc; hạn chế mỡ động vật; không dùng các loại gia vị cay, nóng gây kích thích hại gan: hành, tỏi, gừng, ớt; không sử dụng các loại rượu, đồ uống có cồn. Khi chán ăn có thể ăn thành nhiều bữa, mỗi bữa một ít, mỗi ngày 5-6 bữa.
Để tiêu hóa tốt hơn, khi ăn uống trở lại bình thường thì không nên ăn nhiều đồ ngọt quá để tránh gây ra gan nhiễm mỡ hoặc bệnh tiểu đường. Bên cạnh đó trong giai đoạn viêm cấp cần có chế độ nghỉ ngơi thường xuyên, không làm việc quá sức, tránh các căng thẳng tâm lý.
Trong giai đoạn hồi sức vì nhiều khi không tiên lượng được sự tiến triển của bệnh nên cần phải áp dụng chế độ ăn bảo vệ gan ít nhất trong 3 tháng liền và theo dõi cẩn thận bệnh.