Điều trị tâm linh cho bệnh nhân ung thư - P4: 'Ba tầng bảy lớp' thuốc giảm đau!

BS Nguyễn Đình Vân, từ Canada |

Đối với những người quá yếu, giờ chết gần kề, bạn chỉ cần nắm tay họ, nắm THẬT TÌNH với cả tâm hồn mình gởi trong đó. Tin tôi đi. Bạn sẽ thấy tia sáng trong ánh mắt họ...

Đọc loạt bài Điều trị tâm linh cho bệnh nhân ung thư: 

* Bài 1: Điều trị tâm linh cho bệnh nhân ung thư - P1: Tổn thương trầm trọng!

* Bài 2: Điều trị tâm linh cho bệnh nhân ung thư - P2: Một chuyến du xuân

* Bài 3: Điều trị tâm linh cho bệnh nhân ung thư - P3: Bình oxy chia đôi

"Ba tầng bảy lớp" thuốc giảm đau

Có một dạo, tôi được phái đi ra làm công tác ngoài Phòng khám, được gọi là thăm bệnh tại nhà. Thường thì các bệnh nhân ung thư điều trị với hóa chất đến phòng khám để tôi làm một công việc hết sức đơn giản gọi là ngắt hóa trị, ngưng thuốc điều trị 5-FU khỏi đường tĩnh mạch trung ương sau 46 giờ truyền, kiểm tra lại các phản ứng thuốc xem có cần biện pháp giải quyết nào không. Còn các bệnh nhân mình đến tận nhà là vì họ quá yếu không đến phòng khám được, hoặc hóa trị đã không còn là một lựa chọn nữa, hoặc họ đang chờ chết. 

Tôi gặp nhiều hạng người, nhiều tầng lớp trong xã hội, trong những ngôi nhà sang trọng, trong những căn nhà lụp sụp, trong những căn nhà vắng lạnh, hoặc trong những căn nhà đầy tiếng ồn ào khách ra vào. Dù cho họ có ở đâu, ai nấy đều phải lên con tàu đi về chốn mà tất cả chúng ta đều phải đi tới. Nhưng mỗi người phải tự đi một mình, chẳng có ai làm bạn đồng hành.

Nghĩa vụ của người làm y tế là giảm đau cho người bệnh.

Không phải bệnh ung thư nào cũng gây đau. Nhưng khi đau thì ghê gớm lắm. Cơn đau có thể quằn quặn âm ỉ hay sắc bén dữ dội. Có điều là nó dai dẳng, như một cái kẹp vô hình bám chặt vào người, không tha cho người ta, ngay cả trong giấc ngủ.

Người chịu đau thống khổ như vậy, mà người thân trông thấy càng đau đớn hơn. Biết bao bà mẹ, người con, người chồng, người vợ, phải chứng kiến cảnh đau lòng ấy với nước mắt giàn giụa. Nỗi đau của người mắc bệnh ung thư trở thành một bệnh nhiễm lan ra cả gia đình.

May thay, với tiến bộ y học ngày nay, người bệnh không còn bị ép buộc phải chịu đựng như vậy. Các thuốc giảm đau thuộc dòng ma túy (opioids), xuất hiện vài thế kỷ trước, nay được cải tiến và với liều lượng thích hợp, với đường truyền thích hợp, đã chứng minh rất hiệu quả trong việc giảm đau cho người mắc bệnh ung thư. 

Ở các nước có hệ thống y tế cộng đồng tốt, cái đau trong ung thư hầu như được giải quyết thỏa đáng. Tổ chức Y tế thế giới năm 2014 đã ra nghị quyết về nghĩa vụ của người làm công tác y tế trong việc làm người bệnh giảm đau.

Điều trị tâm linh cho bệnh nhân ung thư - P4: Ba tầng bảy lớp thuốc giảm đau! - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Nhưng một thực tế hiện nay ở Việt Nam là người mắc bệnh ung thư vẫn còn chịu quá nhiều đau đớn đáng lý không nên có. Các biện pháp giảm đau cho người bệnh chưa được tiến hành có hiệu quả, dù chi phí này không thấm vào đâu với chi phí mua vật liệu, máy móc đắt tiền khác mà các cơ sở đang mua sắm ào ạt. Nhưng vì sao chúng ta chưa có cách giải quyết triệt để?

Thứ nhất là qui trình quản lý thuốc có chất ma túy trong điều trị. Nghe nói phải ba tầng bảy lớp chữ ký mới được xuất thuốc. 

Giá thành thuốc rất rẻ, nhưng người ta sợ gây nghiện. Bác sĩ kê toa thuốc bị kiểm tra chặt chẽ về liều lượng và thời gian dùng vì sợ có kẻ lạm dụng. Vì vậy, sự cấp phát thuốc chính thức thì nhỏ giọt, trong khi người đau đớn vì ung thư lại cần liều ngày càng tăng nên đành phải tìm kiếm ở thị trường chợ đen. Người bệnh bị đồng hóa với người nghiện, trở thành con mồi béo bở cho những kẻ kinh doanh lén lút này.

Để phá tan mắt xích ấy, quan điểm điều trị đau cho người ung thư phải thoáng hơn. Biện pháp phân phối thuốc phải rộng rãi hơn, bảo đảm tới tay bệnh nhân thay vì cất giấu như hiện nay, hay tệ hơn nữa là bị tuồn ra thị trường chợ đen.

Nguyên nhân thứ hai là chưa có sự đa dạng hóa các loại thuốc giảm đau ma túy và đường truyền thích hợp. Tuy gọi chung là ma túy trấn thống (giảm đau), nhưng chúng có nhiều loại khác nhau (codein, morphine, hydromorphone, meperidine, fentanyl v.v…). Người bệnh có thể thích hợp với thứ này lại không thích hợp với thứ khác, do đó đôi khi cần phải dùng thử. 

Đường uống tuy đơn giản, nhưng khó điều chỉnh vì sự hấp thu đường ruột thay đổi. Nó còn gây nhiều tác dụng không mong muốn (nôn mửa, táo bón, biếng ăn…). Tốt nhất là dùng các đường truyền dưới da bằng ống thông mềm. Các dụng cụ này không đắt tiền và người nhà có thể tự tay tiêm được sau khi được huấn luyện. Trong các trường hợp nặng, nên dùng đường tĩnh mạch trung tâm với máy bơm tự điều khiển (PCA).

Nguyên nhân thứ ba là chúng ta chúng ta nên bắt đầu xây dựng một hệ thống chăm sóc tại nhà chính quy. Một khi xuất viện với lý do "hết thuốc chữa", người bệnh ung thư luôn có cảm giác bị bỏ rơi. Có nhân viên y tế còn khuyên thêm câu "về nhà uống thuốc Nam" theo kiểu còn nước còn tát vô tội vạ.

Đừng để người bệnh cô đơn

Điều trị tâm linh cho bệnh nhân ung thư - P4: Ba tầng bảy lớp thuốc giảm đau! - Ảnh 3.

Đừng để người bệnh cô đơn. Ảnh minh họa.

Đáng chú ý là có khi vì lòng tốt không đúng chỗ, hay vì lợi dụng để kiếm tiền, nhiều người còn chỉ hươu chỉ vượn đủ các thứ (thường là thuốc và thực phẩm chức năng) trong khi người bệnh và người nhà trong tâm trạng cùng đường, vái tứ phương. 

"Không bổ bề ngang thì cũng bổ bề dọc", chạy đi mua những thứ không được chứng minh là có hiệu quả mà chỉ qua lời đồn "đã trị khỏi ông này bà nọ", bán nhà bán cửa mất hết gia sản.

Đau khổ không dừng ở đó, người bệnh có thể bị chính người thân bỏ rơi vì đủ nguyên nhân: hết tiền, hết sức khỏe, là gánh nặng, sợ lây lan. Không gì tận cùng bằng sự cô đơn khi mất tất cả.

Vì tính chất công việc, tôi có cơ hội lưu lại nhà bệnh nhân lâu hơn các buổi thăm bệnh bình thường, và chắn chắn lâu hơn bác sĩ chuyên chăm sóc giảm nhẹ. Công chuyện cũng không có gì phức tạp, hoặc truyền dịch như Pamidronate chẳng hạn (cả 1-2 giờ), hoặc chỉnh các thông số máy bơm giảm đau, các đường truyền tĩnh mạch, soạn các thuốc giảm đau và chống nôn truyền qua các catheter dưới da cho người nhà, thay băng các vết loét v.v. Công việc đó là cơm bữa, tốn nhiều thì giờ, nhưng bệnh nhân và gia đình đã quen thấy, nhiều khi không cần giải thích nữa!

Không biết mức độ tâm linh của người Việt mình nay ra sao, nhưng tâm linh của người bệnh Canada theo Công giáo thật đáng khâm phục. Bệnh nhân là những người hầu hết đã qua thời kỳ hoảng hốt, nhưng không phải ai cũng thanh thản. 

Khi đau đớn đã được giải quyết triệt để họ trở nên trầm lắng dị thường, chấp nhận cái chết đang dần đi tới. Vì thế câu chuyện tâm tình bên giường bệnh rất dễ khơi mào. Ngoài việc làm cho bệnh nhân giảm đau, giảm buồn nôn, làm cho bệnh nhân thoải mái trên giường bệnh, bạn không cần nói chi nữa. Chỉ vài lời thăm hỏi rồi cứ ngồi bên giường nghe bệnh nhân nói, về cuộc đời của họ, về những kỷ niệm của họ, và cả những dự định tương lai của họ nữa! Điều quan trọng nhất là chăm chú lắng nghe và nhớ những lời họ nói để không hỏi những câu vớ vẩn. Thế là đủ. Khi ra về nhẹ nhàng và hẹn gặp lại, dù có khi không bao giờ gặp lại nhau nữa! 

Đối với những người quá yếu, giờ chết gần kề, bạn chỉ cần nắm tay họ, nắm THẬT TÌNH với cả tâm hồn mình gởi trong đó. Tin tôi đi. Bạn sẽ thấy tia sáng trong ánh mắt họ. Nếu họ nhắm nghiền mắt, vẻ thanh thản sẽ xuất hiện ngay lúc đó. Tôi đã chiêm nghiệm trăm lần như vậy.

Điều trị tâm linh cho bệnh nhân ung thư - P4: Ba tầng bảy lớp thuốc giảm đau! - Ảnh 4.

Chỉ cần nắm tay họ, nắm THẬT TÌNH với cả tâm hồn mình gởi trong đó... Ảnh minh họa.

Là nhân viên y tế, chúng ta hãy làm cho người bệnh thấy sự chăm sóc vẫn tiếp tục khi trở về nhà. Dù bệnh không chữa khỏi, sự có mặt của bác sĩ, điều dưỡng đến nhà để làm giảm đi các nỗi đau đớn, khó chịu là niềm an ủi cho người bệnh. 

Một hệ thống y tế tốt không nhất thiết là phải tốn rất nhiều tiền, mà là đáp ứng được chất lượng cuộc sống của đa số người dân, và không bỏ rơi một ai.

BS Nguyễn Đình Vân, từ Canada

Bác sĩ Nguyễn Đình Vân tốt nghiệp đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh năm 1980. Định cư tại Canada năm 1991. Làm công tác lâm sàng từ năm 2000 cho đến nay sau khi tốt nghiệp cử nhân điều dưỡng đại học Ottawa.

Hiện bác sĩ Nguyễn Đình Vân làm tại Carefor Carling Clinic, Ottawa, chuyên về các đường truyền tĩnh mạch trung ương và chăm sóc vết loét đái tháo đường.

* Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại