Điều trị tâm linh cho bệnh nhân ung thư - P3: Bình oxy chia đôi

BS Phạm Lương Giang, từ Massachusetts, Mỹ |

"Con xin cảm ơn Thượng đế đã gửi đến cho con một thiên thần - một lời dạy vàng ngọc, ngay từ ngày đầu con bước chân vào đời với tư cách là một bác sĩ..."

Lời giới thiệu: Tại một số bệnh viện trên thế giới, việc chăm sóc giảm nhẹ cho các bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối bằng các biện pháp tinh thần và tâm linh đã dần được đưa vào song song với điều trị bằng thuốc và hóa-xạ.

Có những bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối chủ động từ chối việc điều trị bằng thuốc, thay vào đó dùng toàn bộ thời gian còn lại để tận hưởng đời sống theo cách mình thích, thậm chí là những cách mà y khoa truyền thống không khuyến khích (như uống bia rượu vừa đủ) và sau đó vui vẻ giã từ cuộc sống với niềm vui.

Một khi đã không thể xoay chuyển số phận từ chết về sống, vậy thì hãy thay đổi nó bằng cách sống vui hết mức có thể.

Chúng tôi xin giới thiệu loạt bài "Điều trị tâm linh cho bệnh nhân ung thư", với những câu chuyện có thật được bác sĩ Phạm Lương Giang kể lại về những ngày đầu ông thực hiện biện pháp chăm sóc giảm nhẹ cho người bệnh bằng tâm linh.

Bác sĩ Phạm Lương Giang từng có 20 năm làm việc tại Trung tâm Ung bướu TP HCM trước khi sang Mỹ, hiện làm việc tại khoa Dược tại một bệnh viện ở Massachusetts, USA.

* Xem lại bài 1: Điều trị tâm linh cho bệnh nhân ung thư - P1: Tổn thương trầm trọng!

* Xem lại bài 2: Điều trị tâm linh cho bệnh nhân ung thư - P2: Một chuyến du xuân

----------

Người bác sĩ muốn điều trị tâm linh cho bệnh nhân thì phải có kiến thức về tâm linh và có nền tảng tâm linh vững vàng.

Tất cả các môn học trong trường phổ thông lẫn đại học đều góp phần xây dựng lên nội dung của tâm linh con người.

Một trong những người đàn anh tôi rất quý mến là Bác sĩ Phạm Hùng Cường, giờ là Tiến sĩ, Phó giáo sư. Có lần trao đổi về toán học, anh nói: "Hay quá em há! Toán học làm mình thay đổi cả cái nhìn về thế giới!".

Toán học có thể làm thay đổi nhân sinh quan và vũ trụ quan của con người, tôi rất đồng cảm với anh về nhận thức đó. Chỉ khi học toán đến mức cảm nhận được Chân – Thiện – Mỹ và tình cảm của những khái niệm, công thức toán khô khan chúng ta mới có được sự đồng cảm như vậy. Mỗi một con số, một công thức, một định luật toán học đều là một tính chất, đặc điểm biểu hiện của thế giới, cuộc đời.

Vật lý học cũng tác động đến tâm linh chúng ta, rõ nhất là khi xem xét năng lượng và thế giới vi mô cho tới quan sát những hình ảnh thiên văn (thế giới vĩ mô) từ NASA, những định luật vật lý….

Sinh học cũng vậy, những thực tế lý thú quan sát từ con người và đời sống động thực vật ngoài thiên nhiên cho đến những cấu trúc và vận hành ở mức độ sinh học phân tử… đều tác động đến việc xây dựng tâm linh con người rất mạnh.

Nghe vậy, thấy học và rèn luyện tâm linh sao mà cao siêu phức tạp quá.

Nhưng không phải vậy. Người thầy thuốc học hành trì tâm linh từ sách vở và cả trong thực tiễn. Bài học từ thực tiễn tuy đơn giản mới thật sự là sống động, ấn tượng. Học tâm linh có thể chỉ là qua một lần nói chuyện ngắn ngủi trong một lần tình cờ gặp mặt. Sau đây là câu chuyện đời, một bài học tâm linh đã làm thay đổi diễn tiến cả cuộc đời tôi.

Điều trị tâm linh cho bệnh nhân ung thư - P3: Bình oxy chia đôi - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Chuyện về một thiên thần bé nhỏ. 

Đó là một bệnh nhân nhí.

Thằng nhỏ lên năm tuổi rất đẹp trai, lễ phép, dễ thương nằm điều trị nội trú. Nó không thể đến trường lớp để vui với thầy cô và bạn bè, cũng không thể ra sân chạy nhảy với mấy đứa đồng trang lứa. Chiều chiều, ba mẹ dẫn đứa em trai vào thăm. 

Thằng em lên ba, bốn tuổi gì đó cũng rất đẹp và dễ thương, hai anh em quấn quít bên nhau như hai chú cún. Thằng em thường líu ríu nhắc lại nhiều lần câu mong mỏi "Anh mau khỏe về chơi với em nha!".Thằng anh đáp "Ừ, anh Hai về…".

Trộm ngó cảnh này, người bác sĩ hai mươi bốn tuổi xuân thì lòng đau như cắt.

Những khi một mình, thằng bé cầm cây bút chì và tập vở trắng… hí hoáy vẽ trên giường bệnh. Em vẽ mộc mạc về cuộc sống qua con mắt trẻ thơ, những ước mơ trở về với cuộc sống bình dị: những ngôi nhà, ba mẹ và em, mái trường, công viên, những bạn nhỏ, mặt trời… Những lúc bác sĩ đến thăm em, em nhoẻn miệng cười và trao cho anh những ánh mắt nhìn đầy hy vọng lẫn tin tưởng nữa….

Ôi, thương… thương quá đi thôi! Bác sĩ thường phải quay vội về phòng mình để giấu đi những giọt nước mắt.

Rồi đến ngày cái bướu trong lồng ngực của cậu bé lớn cực nhanh và vô phương cứu chữa. Nằm xuống là tim phổi bị chèn ép nặng, không thở được, nên em phải luôn ngồi bên mép giường để hai chân thõng xuống. Máu về tim khó khăn làm mặt phù, chân phù mọng.

Em mệt, phải thở oxy liên tục, nên trước mặt luôn có bình Oxy cỡ lớn nhất. Bình Oxy là nguồn sống quý giá của em, là nơi cho em dựa trán vào khi quá mệt hoặc buồn ngủ. Có nhiều lúc đi ngang qua phòng thấy em ngủ gà ngủ gật, người cứ xoay quanh cái trán và bình Oxy, hai cái mũi gắn dây oxy như hai cái vòi. Trán em phù nề, bị lõm sâu xuống do dấu ấn của bình Oxy ấy. Em mệt lắm, vậy mà đôi khi vẫn thấy em ngồi thở Oxy và vẽ nguệch ngoạc.

Mệt lắm bác sĩ ơi! Khó thở lắm bác sĩ ơi!… Anh biết mà, anh biết lắm bé ơi! Anh cũng đang khó thở vô cùng bởi đời đang cho anh biết thế nào là "lực bất tòng tâm" em ạ!

Anh đang đau khổ vô cùng vì có những lúc tiếng gọi "bác sĩ" chỉ là vô nghĩa! Bác sĩ không giấu nổi nước mắt nữa rồi, đành để cho các cô y tá trẻ đặt cho biệt danh là Bác sĩ Mít ướt thôi.

Rồi tình cờ lại một đêm trực nữa tới, anh đến bên em thay lời muốn nói. Dù mệt, dù khó thở đến đâu cũng không buồn cô đơn em nhé! Đời khổ đau nhưng vẫn có những tấm lòng em ạ. Em khó thở và em ngồi thở, em vẫn trao anh ánh mắt khát khao sự sống và không có gì là đau buồn cả…

Cửa phòng chợt mở, lại một ca cấp cứu nữa vào. Thằng bé mới đến cũng khó thở, bác sĩ lệnh cho thở oxy. Có tiếng lao xao của y tá và hộ lý: hết sạch, không còn bình Oxy nào nữa…

Mọi người bối rối…

Thằng bé lặng lẽ, lấy hết sức nhấc cánh tay nó lên, run run gỡ một dây oxy của nó ra đưa về phía cậu bạn khó thở mới tới. Cô cô y tá vội đỡ tay em vì thấy nó muốn hết sức và rớt xuống.

Điều trị tâm linh cho bệnh nhân ung thư - P3: Bình oxy chia đôi - Ảnh 3.

Ảnh minh họa.

Ôi! Đến những phút cuối tôi mới chợt nhận ra một thiên thần. Rồi khi em ra đi, chúng tôi chia tay nhau không một lời chào vĩnh biệt. Vì vị thiên thần nhỏ bé vẫn thường hiện ra sống động trong hồn tôi, nhất là những lúc thuyền đời trôi qua những thác ghềnh vực thẳm.

Con xin cảm ơn Thượng đế đã gửi đến cho con một thiên thần - một lời dạy vàng ngọc, ngay từ ngày đầu con bước chân vào đời với tư cách là một bác sĩ. Con đã hiểu ý nghĩa đời người không được quyết định ở chỗ ngắn hay dài, cũng không phải bởi danh vọng, tiền tài, địa vị… Đã có những lúc con định muốn thế này, thế kia… quả thật không hay lắm. Nhưng thiên thần nhỏ bé đã luôn trở về đúng lúc và trao con ánh mắt hy vọng, tin tưởng, yêu đời thiết tha.

* Đọc tiếp: Điều trị tâm linh cho bệnh nhân ung thư - P4: 'Ba tầng bảy lớp' thuốc giảm đau!

Bác sĩ Phạm Lương Giang (Yhoccongdong), từ Massachusetts, Mỹ

Y học cộng đồng là dự án thiện nguyện do nhiều bác sĩ trong và ngoài nước chung tay xây dựng với sự hỗ trợ của nhóm CNTT và hơn 200 cộng tác viên. Website https://yhoccongdong.com/ là nơi tổng hợp và chuyển tải thông tin cơ bản, quan trọng về nhiều loại bệnh, cách điều trị và phòng tránh giúp cộng đồng giữ gìn sức khỏe. Những thông tin này luôn tham khảo tài liệu dành cho bệnh nhân uy tín ở Anh, Nhật, Mỹ để đảm bảo tính xác thực và tính hệ thống.

* Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại