Đề dẫn: Sự quan trọng của chăm sóc giảm nhẹ với bệnh nhân ung thư - điều mà hệ thống y tế Việt Nam hiện nay vô cùng thiếu!
Trong bài viết đăng trên Soha ngày 12/1/2019 của TS.BS Phạm Nguyên Quý ở Đại học Bệnh viện Kyoto (Nhật Bản) với tựa đề "Ung thư mà chưa có Chăm sóc giảm nhẹ khác nào may áo gấm khi chưa có quần đùi" có nêu: "Nỗi đau thể chất và cả tinh thần ở bệnh nhân ung thư, người khác khó hình dung nổi..." (đọc chi tiết)
BS Phạm Nguyên Quý cũng cho biết, có một sự thật ít người nhắc tới trên báo đài là phần lớn bệnh nhân ung thư đã và đang trải qua những ngày cuối đời một cách khó khăn, không được chăm sóc y tế tối thiểu, mà điển hình là thiếu thuốc giảm đau.
Chăm sóc giảm nhẹ (Palliative care) là lĩnh vực y khoa chuyên giúp bệnh nhân giảm nhẹ triệu chứng, từ THỰC THỂ như đau đớn, khó thở, buồn nôn… cho tới TINH THẦN như lo lắng, trầm cảm… và tiếp cận cả những vấn đề về tôn giáo, tâm linh.
Chăm sóc giảm nhẹ được chú trọng phát triển ở nhiều quốc gia, không phân biệt loại bệnh và giai đoạn bệnh và tiến hành song song với các điều trị khác.
Trên thực tế, nhiều nghiên cứu đã cho thấy rằng những bệnh nhân được điều trị giảm nhẹ triệu chứng cùng với điều trị ung thư "kinh điển" như hóa trị, xạ trị,… thường có ít triệu chứng hơn, có chất lượng cuộc sống tốt hơn, và họ cũng hài lòng hơn với kế hoạch điều trị hơn.
"Tuy nhiên, chăm sóc giảm nhẹ ở Việt Nam vẫn còn ở thời kỳ sơ khai", BS Quý viết.
Sau khi bài báo trên được đăng, nhiều người bệnh và gia đình người bệnh ung thư ở Việt Nam bày tỏ sự đồng tình và cho biết thêm thực trạng của họ trong việc được giảm đau.
Tiếp tục bàn về nhu cầu được chăm sóc giảm nhẹ của người bệnh tại Việt Nam, chúng tôi xin giới thiệu loạt bài viết của TS Đặng Hoàng Giang, trích từ cuốn sách "Điểm đến của cuộc đời" của ông. Trong cuốn sách này, tác giả đã cùng Vân, một phụ nữ trẻ, và Hoàng, chồng cô, đi qua những tra tấn phi nhân tính trong những ngày tháng cuối cùng của cô.
"Khi bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối bị trả về nhà, họ biến mất khỏi hệ thống y tế. Trong rất nhiều trường hợp, họ phải sống những năm tháng cuối đời trong đau đớn khủng khiếp..." - Đặng Hoàng Giang viết.
Trân trọng giới thiệu với bạn đọc.
Một buổi chiều cuối tháng Năm, Vân gọi điện cho tôi. Hầu như Vân không bao giờ gọi điện, nên mỗi lần số của cô hiện lên trên máy, tôi lại giật mình. Có phải cô đã qua đời, và Hoàng dùng máy để báo tin?
Vân ở trong trạng thái bị kích động. Lúc này cô đã cần tới gần mười ống morphine một ngày, nhưng bệnh viện huyện, nơi Hoàng vẫn mua thuốc, khước từ bán cho cậu số lượng đó. Hoàng đã phải lùng sục cả ngày để hỏi mua thuốc thừa từ các bệnh nhân khác. Vân nói rất to và hốt hoảng vào trong máy: "Không có thuốc thì không biết cháu sống thế nào đây chú ơi."
Rồi cô bảo là mình đã bị nghiện. Hoàng nói với cô như vậy, bởi thấy cô ngáp nhiều, chảy nước mắt và bị ngứa.
Tôi vội vã lên mạng và tìm được một số thông tin tiếng Việt ít ỏi và sơ sài về việc dùng morphine cho bệnh nhân ung thư, để cho cô thấy nó không có nguy cơ gây nghiện như người ta vẫn hay đồn. Càng ngày, tôi càng nhìn thấy khoảng trống mênh mông mà đáng lẽ hệ thống y tế phải lấp đầy. Những người như gia đình Vân bị bỏ rơi, không thông tin, không lời giải thích, không có thuốc, không có tiền.
Nhưng Vân không quan tâm tới những bài báo nữa, cô tiếp tục nhắn tin dồn dập, thôi thúc, khiến tôi cũng bị kích động theo.
"Chú ơi, cháu không biết nói điều này với ai cả, cháu chỉ nói với chú thôi. Cháu muốn hỏi xem có cách chết nhân đạo không."
Tôi không được chuẩn bị cho tình huống này. Để lấy thời gian, tôi hỏi về tình trạng của Vân, và nghe những điều tôi đã biết từ lâu. Búa đập trong đầu, nhức nhối ở các khớp xương, mất ngủ ròng rã nhiều ngày đêm vì đau.
"Nhưng Việt Nam chưa cho phép chết nhân đạo đâu cháu."
Vân gửi một cái emoticon nước mắt giàn giụa.
Tôi lúng túng.
"Người nhà cháu có dám giúp cháu không? Hoàng đã tìm hiểu chưa?" Cuối cùng, tôi hỏi lại. "Bác sĩ thì không ai dám giúp rồi."
"Anh ấy không dám, vì thương cháu. Nhưng cháu thật sự muốn. Chú tìm hiểu giúp cháu được không."
Cô tiếp tục gửi những câu dài không dấu, sai chính tả, lộn xộn, không rõ nghĩa. Đại ý cô có cảm giác mọi người trong nhà đã mệt mỏi, chỉ tiếp tục ở bên cô vì trách nhiệm. Lần đầu tiên cô nói về hoàn cảnh nghèo khổ của gia đình mình, về vùng quê nghèo của cô. Mọi người phải lo cơm áo gạo tiền, họ đã mệt lắm rồi, cô không muốn vì cô mà họ phải gồng lưng nữa.
"Chú ơi," Vân tha thiết. "Chú giúp cháu tìm hiểu và mua thuốc ngủ được không ạ. Cháu biết ơn chú nhiều lắm."
Câu cuối của Vân khiến tôi bủn rủn chân tay. Tôi phải làm gì trước lời van xin này? Chưa bao giờ Vân nhờ tôi điều gì, mỗi lần ở nhà cô tôi đều phải rất chật vật mới khiến họ nhận chút tiền hỗ trợ từ tay tôi. Lời nhờ đầu tiên của Vân tới tôi cũng là lời nhờ giúp cô được chết. Tôi có thể khước từ lời cầu khẩn của một người sắp chết?
Giảm đau cho bệnh nhân ung thư vú giai đoạn cuối. Ảnh minh họa.
Trong một tích tắc, tôi đã nghĩ rằng tôi sẽ giúp cô. Tôi thấy khó khăn để tiếp tục chứng kiến sự đày ải này. Trong đầu, tôi đã hình dung ra việc mình tìm cách mua thuốc ngủ, rồi gửi vào Thanh Hóa. Nhưng rồi tôi lắc đầu xua tan hình ảnh đó.
Tuy tôi cho rằng ý định của Vân là hợp lý.
Sự tủi thân trong Vân lại trỗi dậy. Có lần cô bày tỏ mong muốn mẹ ở bên mình nhiều hơn, nhưng bà còn phải lo chuyện cơm áo, bà trả lời vậy. Câu nói làm cô đau đớn.
Tôi biết trong hoàn cảnh như của Vân, người ta đặc biệt nhạy cảm. Cảm giác mình là gánh nặng cũng đi theo Vân hàng năm trời.
"Cháu ơi, cháu hãy yêu thương và biết ơn mẹ, và không oán trách bản thân. Cháu đã làm tất cả những gì cháu có thể làm được." Tôi viết cho cô. "Sẽ không có ai trách cứ cháu cả."
Nhưng Vân muốn ra đi để giải thoát cho mọi người, cô không muốn họ phải chứng kiến cô đau đớn.
Nam (một người bệnh khác) cũng đã từng xin lỗi mẹ vì cậu làm mẹ vất vả. Liên (một người bệnh khác) khao khát một cái chết nhẹ nhàng để không gây chấn thương tâm lý cho người thân. Khi những người sắp chết nghĩ tới người xung quanh, họ tuyệt đẹp.
Tôi nói với cô rằng không ai điều khiển được cái chết của mình.
"Theo chú giờ cháu nên làm gì ạ?"
Đây là lần đầu tiên tôi khuyên nhủ một người cận tử, tôi cảm thấy có một trọng trách đặc biệt.
"Cháu cố gắng có thuốc để giảm đau, cháu đọc kinh cho thanh thản, và gửi yêu thương tới người thân của mình." Tôi cố gắng tìm những lời lẽ giản dị. "Cháu không nên có cảm giác có lỗi, vì cháu không có lỗi."
Dần dần Vân dịu đi.
Những ngày tiếp theo, Hoàng trở nên căng thẳng và cáu bẳn, khiến Vân sợ hãi. Chồng thuốc trên bàn càng vơi đi thì Hoàng càng có cảm giác bị dồn vào chân tường. Cậu tiếp tục nói với Vân là cần hạn chế dùng thuốc, nếu cô không muốn thành con nghiện. Có thể cậu nghĩ thật vậy, có thể đó chỉ là cách nói để cậu giảm lượng thuốc dùng mỗi ngày.
Người nhà Vân chia nhau tìm trong xã những gia đình mới có bệnh nhân ung thư qua đời, hỏi mua thuốc thừa. Hoàng nhờ người bạn làm ở hiệu thuốc báo tin nếu có ai đem thuốc tới trả. Vân liên tục gọi cho tôi vào những lúc tôi ngồi trong hội thảo, rên rỉ cầu cứu, lúng búng những câu mà tôi không hiểu.
Tôi đã quen Vân được hai tháng, hai tháng dài như cả thế kỷ. Bao giờ thì sự tra tấn này dừng lại? Vân đã mắc tội gì?
Một buổi tối, trong một quán bar vắng, tôi gọi vào máy Vân. Mẹ cô bốc máy, đằng sau bà là những tiếng rên ai oán, "Ôi mẹ ơi…". Những âm thanh này sẽ còn đeo bám tôi dài dài như những con bướm vờn quanh đầu làm tôi chóng mặt. Đây không phải là tiếng rên bình thường nữa, nó là tiếng gầm gừ của một con thú kiệt sức. "ÔI MEEEEẸ ƠƠƠI…"
Tôi cầm chai bia lạnh áp lên trán, lẩm bẩm. "Mẹ kiếp, mẹ kiếp, mẹ kiếp…" Tôi không muốn nghĩ gì nữa, không muốn phân tích, viết lách gì nữa. Tôi muốn buông trôi.
Người bệnh giai đoạn cuối đặc biệt nhạy cảm với nhiệt độ. Trời càng nóng lên thì cái đau của Vân càng mạnh. Đầu tháng Sáu, miền Bắc và miền Trung bước vào đợt nóng kỷ lục trong vòng bốn mươi năm qua. Hơn bốn mươi độ trong bóng râm, gần năm mươi độ ngoài nắng, gần sáu mươi độ trên mặt đường. Độ ẩm xuống dưới năm mươi phần trăm, khiến người ta có cảm giác hít lửa vào trong phổi.
Nhà Vân trơ trọi trên một khu đất trống, xung quanh không một bóng cây. Mái ngói và những bức tường trở thành các lò nung. Mẹ Vân cởi hết quần áo cho Vân, và đắp lên người cô mấy cái khăn mặt ướt.
Một buổi sáng, Hoàng buộc một túi đá vào trước cái quạt nhỏ ở cuối giường Vân, rồi chạy xe máy bảy mươi ki lô mét xuống thị xã trong khí nóng làm sa sẩm mặt mày. Ở huyện, người ta lại nói với cậu là hết thuốc, không biết bao giờ có lại. Đường phố thị xã vắng tanh, Hoàng ngồi dưới gốc cây trước cổng bệnh viện tỉnh, đợi tới giờ làm việc buổi chiều. Ở nhà, Vân há mồm thở như cá trên cạn.
Không gõ được điện thoại, cô gửi cho tôi một voice message. "Chú à, nóng lắm chú ạ… Cháu mệt lắm… Cháu chả biết cháu còn được có lâu không nữa, nhưng cháu xin gửi lời chân thành cảm ơn tới chú…"
Vân phát âm không rõ, các chữ bị dính bết vào nhau. Tôi hiểu đây là một lời chào.
Chiều hôm đó, Hoàng đã đợi vô ích, bác sĩ có thẩm quyền kê đơn morphine không đi làm.
TS Đặng Hoàng Giang là tác giả của nhiều cuốn sách gây chú ý lớn trong cộng đồng như: "Thiện, ác và Smart phone", "Bức xúc không làm ta vô can", "Điểm đến của cuộc đời"...
* Kỳ tới: Những mảnh đời trong bóng tối
* Tiêu đề bài viết và tiêu đề xen giữa trong bài do tòa soạn đặt.