Điều gì khiến “vua bầu trời” F-22 Raptor bị thất sủng?

Hồng Anh |

Là máy bay có khả năng chiếm ưu thế trên không mạnh nhất thế giới, nhưng F-22 Raptor có thể vắng bóng trong kho vũ khí của Mỹ trong tương lai không xa.

Không quân Mỹ đang sở hữu hai dòng máy bay chiếm ưu thế trên không tương đối ổn định là F-22 Raptor và F-15 Eagle. Nhưng khi xem xét kế hoạch mua mới máy bay chiến đấu để tăng cường năng lực của các phi đội thì lực lượng này vẫn ưu tiên lựa chọn Eagle thay vì Raptor – vốn được mệnh danh là “vua bầu trời”.

Điều gì khiến “vua bầu trời” F-22 Raptor bị thất sủng? - Ảnh 1.

Hai tiêm kích F-22A bay huấn luyện. Ảnh: wikipedia.org.

Điều này đã đặt ra câu hỏi: Nếu Mỹ có thể mua thêm những tiêm kích F-15 mới - dòng máy bay chiến đấu đã được đưa vào sử dụng gần 50 năm thì tại sao họ không tìm cách mua những chiếc F-22 mới?

Trước đây, không quân Mỹ từng có ý định thay thế tiêm kích F-15 Eagle huyền thoại bằng những chiếc F-22 Raptor . Đặt lên bàn cân, F-22 Raptor vẫn là máy bay có khả năng chiếm ưu thế trên không mạnh nhất thế giới. F-22 thực sự đang dẫn đầu cuộc chơi, nhưng điều này không đồng nghĩa với việc không quân Mỹ sẽ gia tăng số lượng của chúng trong kho vũ khí.

Lý do F-22 bị “thất sủng”

Ban đầu, không quân Mỹ dự định mua 750 chiếc F-22 để phát triển một phi đội máy bay đánh chặn đầy uy lực cho thế kỷ 21. Nhưng khi Mỹ nhận thấy nước này cần chuyển hướng tập trung cho những ưu tiên khác thay vì dấn sâu vào cuộc chiến chống phiến quân và khủng bố, chống lại những đối thủ non kém hơn về công nghệ, nhu cầu sử dụng máy bay tác chiến trên không hiện đại còn trở nên cấp thiết nữa.

Không quân Mỹ đã chấm dứt chương trình mua sắm F-22 vào tháng 12/2011. Thời điểm đó mới chỉ có 186 chiếc được bàn giao. Ngày nay sau gần 1 thập kỷ, số lượng chiến đấu cơ F-22 tồn tại trong kho vũ khí của Mỹ rất ít, bất chấp danh tiếng của nó. Trong số 186 chiếc F-22 được bàn giao, chỉ có khoảng 130 chiếc được vận hành và hiện tại, số lượng F-22 sẵn sàng chiến đấu chỉ ở mức 2 con số.

Trong thời gian tới, không quân Mỹ nhiều khả năng sẽ không có thêm F-22 Raptor để bổ sung vào phi đội khi những chiếc máy bay còn lại trở nên già cỗi. Mỗi một giờ bay của F-22 ở bất cứ nơi nào trên thế giới sẽ khiến tiêm kích này tiến gần hơn đến thời điểm nghỉ hưu.

Tham mưu trưởng Không quân Mỹ, Tướng Charles "CQ" Brown từng tuyên bố rằng: “Tương lai của lực lượng không quân sẽ không có sự tham gia tiêm kích F-22 Raptor”.

Tuy vậy, Mỹ vẫn cần phải có máy bay chiến đấu chiếm ưu thế trên không để đối phó với những đối thủ được cho là tốt nhất trên thế giới, và một trong số ứng cử viên có thể là F-15EX Eagle II, dù tiêm kích này thiếu đặc tính tàng hình cần thiết để hoạt động hiệu quả trong tác chiến trên không hiện đại.

Mỹ sẽ sớm có tiêm kích thay thế

Việc khởi động lại dây chuyền sản xuất F-22 sẽ có chi phí tương đương thậm chí cao hơn việc phát triển một loại máy bay chiến đấu hoàn toàn mới sở hữu những năng lực tốt hơn. Trước đó, Tập đoàn Lockheed Martin đã trưng dụng rất nhiều cơ sở hạ tầng sản xuất F-22 để hỗ trợ quá trình sản xuất F-35. Vì vậy, để mở lại các nhà máy chế tạo F-22 không phải là công việc dễ dàng.

Trên thực tế, Lockheed Martin sẽ phải thực hiện lại mọi công đoạn từ đầu nếu họ muốn sản xuất tiêm kích F-22. Đó chính là lý do tại sao Mỹ không xem xét mua thêm tiêm kích F-22 mới.

Tiêm kích F-15 mới của Boeing là máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư, không có khả năng tàng hình. Tuy nhiên, không quân vẫn đồng ý mua tiêm kích này với giá thậm chí cao hơn cả F-35.

Tại sao lại như vậy? Một trong những lý do chính là chi phí vận hành của F-15 rẻ hơn nhiều so với F-35 hoặc F-22. Hơn nữa, chúng có thể được sản xuất ngay lập tức khi cần.

Boeing đã và đang chế tạo những chiếc F-15 tiên tiến cho các đồng minh của Mỹ ở các quốc gia như Qatar và Saudi Arabia, vì thế việc xây dựng một dây chuyền sản xuất mới cho Mỹ sẽ có chi phí tương đối thấp.

Trái lại, dây chuyền sản xuất F-22 đã không tồn tại trong gần một thập kỷ. Một báo cáo đệ trình lên Quốc hội Mỹ năm 2017 ước tính việc khởi động lại quá trình sản xuất F-22 sẽ tiêu tốn khoảng 50 tỷ USD.

Hiện, Không quân Mỹ đã đầu tư 9 tỷ USD chương trình tương tự mang tên Máy bay chiếm ưu thế trên không thế hệ tiếp theo (NGAD) nhằm phát triển một loại máy bay thay thế F-22 trong khoảng thời gian 6 năm (2019-2025).

Nếu tiêm kích mới đi vào hoạt động theo đúng lịch trình, nó thậm chí có thể hoạt động song song với F-22 trước khi “vươn ra biển lớn”. Và như vậy, Mỹ sẽ có một ứng cử viên đầy tiềm năng cho danh hiệu “vua bầu trời” trước khi “đế chế” F-22 Raptor kết thúc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại