Điều duy nhất ở S-400 có thể khiến Ấn Độ đặt nhiều nghi vấn dù mong sớm sở hữu “rồng lửa”

Vũ Thu Hương |

Dù được nể và tôn vinh là vũ khí đáng gờm với nhiều lợi thế chiến thuật, tên lửa S-400 chưa lần nào qua thử nghiệm trong điều kiện thực chiến.

Theo Timesnownews của Ấn Độ, trong chuyến thăm Nga, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh dự kiến kiểm tra tình hình sản xuất hệ thống tên lửa phòng không tấn tiến S-400 của Nga mà Ấn Độ đặt mua hồi tháng 10/2018. Ấn Độ và Nga đã đạt thỏa thuận trị giá 5,43 tỷ USD hồi cuối năm 2018 và theo đó Nga sẽ cung cấp S-400 cho Ấn Độ.

Điều duy nhất ở S-400 có thể khiến Ấn Độ đặt nhiều nghi vấn dù mong sớm sở hữu “rồng lửa” - Ảnh 1.

S-400 của Nga được nhiều nước quan tâm

Khả năng tuyệt vời của S-400

Hệ thống tên lửa phòng không Triumph S-400 của Nga hiện được coi là hệ thống phòng không tiên tiến nhất thế giới, bởi so với các đối tác phương Tây, tổ hợp này vượt trội về đặc tính kỹ thuật-chiến thuật và kinh tế.

Tên lửa S-400 có tầm bắn tới 400km và có khả năng đánh chặn mục tiêu ở độ cao tới 27km. Vũ khí này được ra mắt hồi năm 2007 và được trang bị đầy đủ bộ phận tân tiến với nhiều bộ phóng tên lửa, có thể tới 12 bệ phóng.

Do công ty thuộc nhà nước Nga sở hữu sản xuất, S-400 được thiết kế đặc biệt nhằm tiêu diệt tên lửa hành trình, đạn đạo, máy bay không người lái và máy bay chiến đấu.

Vũ khí này có mức giá thấp hơn đáng kể so với sản phẩm cùng loại do Pháp hay Mỹ sản xuất vì thế nên S-400 được xuất khẩu sang nhiều nước như Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và hiện có tới 13 quốc gia khác cũng đang quan tâm.

Các chuyên gia quân sự nhận định, với sức mạnh đáng gờm, S-400 có thể dễ dàng được triển khai và sẵn sàng nhắm đến các mục tiêu chỉ trong vòng vài phút.

S-400 là phiên bản nâng cấp đáng kể dựa trên S-300 mang đến hiệu quả gấp đôi.

S-400 có thể tiêu diệt mục tiêu ở các khoảng cách từ tầm ngắn (40km) cho đến tầm trung (150km) và tầm xa (200-400km). S-400 cũng vượt trội các loại hệ thống phòng không khác như Patriot PAC-3 của Mỹ.

Dù được nể và tôn vinh là vũ khí đáng gờm với nhiều lợi thế chiến thuật, tên lửa S-400 chưa lần nào qua thử nghiệm trong điều kiện thực chiến.

Nga từng có cơ hội để chứng minh khả năng của hệ thống S-400 nếu triển khai ở Syria tháng 4 năm 2018, chống lại tên lửa Tomahawk của Mỹ, nhưng Moscow đã kiềm chế không làm điều đó, Timesnownews nhận xét.

Ấn Độ muốn nhận sớm S-400

Ấn Độ muốn Nga đẩy nhanh tiến độ giao hệ thống phòng thủ tân tiến S-400 sau khi đã trả khoản tiền đầu tiên khoảng 6,000 Rs để mua. S-400 có thể phát hiện, theo dõi và tiêu diệt máy bay ném bom chiến lược, máy bay phản lực, do thám, tên lửa và máy bay không người lái ở khoảng cách 380km.

Việc chuyển giao 5 hệ thống S-400, theo thỏa thuận trị giá 5,43 tỷ USD được ký kết hồi tháng 10/2018 sẽ được thảo luận trong ủy ban liên chính phủ Ấn Độ và Nga về hợp tác kỹ thuật quân sự lần thứ 19 được tổ chức tại Nga hôm nay, các nguồn tin cho hay.

Việc Ấn Độ thuê tàu ngầm tấn công hạt nhân Akula-1 theo thỏa thuận trị giá hơn 3 tỷ USD được ký kết hồi tháng 3 năm nay cũng như hiệp ước hậu cần quân sự đối ứng cũng sẽ được bàn tới trong các cuộc đàm phán giữa bộ trưởng quốc phòng hai bên.

Ấn Độ cũng có kế hoạch sắm nhiều tên lửa S-400 của Nga trong thời gian tới, hợp đồng có thể lên tới vài tỷ USD.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại