Điều bất ngờ từ quả lựu đỏ mọng

Tiến sĩ - Lương y Phùng Tuấn Giang (Chủ tịch Viện Nghiên cứu Phát triển Y Dược cổ truyền Việt Nam) |

Lựu hay thạch lựu có tên khoa học là Punica granatum L., họ tử vi (Lythraceae). Lựu là loại trái cây quen thuộc vào mùa thu đông. Không chỉ có màu đỏ mọng lấp lánh hấp dẫn, vị chua ngọt ngon miệng mà còn nhiều điều bất ngờ từ loại trái cây này.

Văn hóa gắn với trái lựu

Quả lựu có nguồn gốc từ vùng núi khu vực Trung Đông, bao gồm miền Bắc Iraq và Tây Bắc Iran. Theo những ghi chép cổ xưa của người Sumer cho thấy cây lựu được trồng ở Trung Đông từ khoảng 3.000 năm TCN.

Trong nhiều thế kỷ, lựu được các đoàn lữ hành sa mạc mang theo như một nguồn nước uống bổ dưỡng, chống khát nước. Lựu có lớp vỏ ngoài dày, hạn chế được sự khô héo các hạt mọng bên trong.

Lựu đóng một vai trò trong văn hóa và thần thoại Ai Cập, tượng trưng cho sự trù phú, đoàn kết cũng như máu, cái chết và sự đổi mới của cuộc sống trong các truyền thống nghệ thuật Kitô giáo, Do Thái và Hồi giáo.

Trong thần thoại Hy Lạp, Persephone (Nữ thần của thế giới ngầm, mùa xuân, hoa, thực vật) đã ăn nửa số hạt lựu mà Hades ông đưa cho nàng vì đã quá đói bụng. Do đó, Persephone đã ăn lựu ở âm phủ nên nàng đã trở thành người của âm phủ.

Điều bất ngờ từ quả lựu đỏ mọng - Ảnh 1.

Các bộ phận của cây lựu đều được dùng làm thuốc

Việc dùng lựu làm thuốc đã có một lịch sử lâu dài. Ngoài việc ăn nó như trái cây, người Hy Lạp và người La Mã đã sử dụng hạt, vỏ lựu làm thuốc tránh thai và thuốc đặt âm đạo.

Theo Y học cổ truyền phương Đông, vỏ (thạch lựu bì), vỏ cây, vỏ rễ cây lựu sử dụng trong các đơn thuốc Đông y giúp giảm tiêu chảy và kiết lỵ, tẩy giun và đại tiện ra máu.

Ở phương Tây, chỉ có trái cây và hạt tươi hoặc ở dạng chiết xuất được dùng trong y học tự nhiên.

Lựu là loại trái cây giàu chất chống ôxy hóa, nước ép lựu là thức uống lành mạnh, giàu vitamin C, ở dạng không đường.

So với các loại nước ép trái cây thông thường khác, lựu là một trong những loại có giàu hoạt chất chống ôxy hóa nhất, gấp 3 lần rượu vang đỏ và trà xanh.

Nước ép trái lựu có thể giúp ngăn ngừa hoặc làm chậm sự tiến triển của một số bệnh ung thư như ung thư tuyến tiền liệt. Lựu đã được các nghiên cứu khoa học chứng minh tác dụng chống viêm, làm giảm huyết áp, cải thiện lưu lượng máu đến tim và ức chế sự hình thành mảng xơ vữa động mạch.

Nước ép trái lựu chống ung thư tuyến tiền liệt

Các nghiên cứu in vitro và in vivo đã chỉ ra rằng nước ép, vỏ và dầu hạt lựu đều cản trở sự lan tràn của các khối u ung thư tuyến tiền liệt.

Một nghiên cứu lâm sàng trên người trong 2 năm đã kiểm tra ảnh hưởng nước ép quả lựu trên mức kháng nguyên tuyến tiền liệt (PSA) ở 46 người đàn ông ung thư tuyến tiền liệt đã được phẫu thuật hoặc xạ trị.

Định lượng PSA sau khi điều trị ung thư tuyến tiền liệt để xác định xem ung thư có tái phát hay không.

Phương pháp điều trị có hiệu quả khi PSA giảm ở bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt hoặc kéo dài thời gian cần thiết cho mức PSA tăng gấp đôi (cho thấy sự tiến triển của ung thư đang chậm lại).

16 trong số 46 bệnh nhân (35%) có biểu hiện giảm nồng độ PSA trong khi điều trị, trong khi 4 trong số 46 bệnh nhân (2%) đạt được mức giảm PSA trên 50%.

Nhìn chung, thời gian tăng gấp đôi PSA bị trì hoãn đáng kể ở phần lớn những bệnh nhân uống nước ép. Sau 2 năm, những người tiếp tục uống nước lựu có mức PSA thấp hơn so với những người ngừng uống. Khi kết thúc nghiên cứu, thời gian tăng gấp đôi PSA trung bình từ 15-54 tháng, không có báo cáo về các tác dụng không mong muốn.

Cách dùng và chế biến trái lựu

Mỗi ngày nên dùng 200-300ml nước ép lựu nguyên chất hoặc 300g lựu tươi. Uống trực tiếp nước ép hoặc pha chế thành nhiều món ăn, thức uống ngon và tốt cho sức khỏe.

Nước sốt từ lựu: 1 chén nước ép lựu nấu lên cùng 1/2 thìa cà phê bột năng sao cho thành hỗn hợp sền sệt. Trộn thêm cùng 2 thìa hạt lựu, 2 thìa sữa chua, 1/2 chén dầu oliu, 1 tép tỏi, một chút muối và một chút nước cốt chanh. Sốt này được dùng để trộn các loại salad.

Sữa chua lựu: Lựu tươi 1 quả tách lấy phần hạt mọng. Sữa chua ít đường 1 hộp. Hạt chia 1/2 thìa cà phê. Trộn các nguyên liệu lại sẽ có món sữa chua lựu ngon và thanh mát.

Nước ép lựu chanh tươi: Lựu 2 quả, chanh tươi 1 quả. Ép lấy nước 2 loại trái cây này, hòa với nhau, có thể thêm một chút đường tùy khẩu vị.

Salad: Lựu có thể là một thành phần trong các món salad. Nhiều nguyên liệu thích hợp để phối hợp với lựu như: cà chua bi, hành tây, rau diếp, cải mầm, dưa leo, củ đậu, lê...

Trái lựu tươi có nhiều lợi ích cho sức khỏe, được khuyến khích nên ăn mỗi ngày (mùa quả từ tháng 9-12 ở Bắc bán cầu).

Y học cổ truyền phương Đông còn dùng các bộ phận khác của cây lựu như: vỏ quả, vỏ thân, vỏ rễ, hoa để làm thuốc chữa bệnh - đây là những dược liệu có độc, cần được thầy thuốc chỉ định, bệnh nhân không nên tự ý sử dụng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại