Việc Không quân Nga triển khai chiến đấu cơ Su-57 tới vùng đất Trung Đông nóng bỏng được coi như một bất ngờ lớn vì nó vẫn chưa vượt qua đầy đủ các bài kiểm tra cấp nhà nước và vẫn còn tồn tại khá nhiều vấn đề cần phải khắc phục.
Sự hiện diện của Su-57 tại Syria có thể xem là một canh bạc táo bạo nhưng cũng tiềm ẩn đầy rủi ro. Nếu thành công thì danh tiếng của chiếc tiêm kích tàng hình này sẽ tăng vọt, xua tan những nghi ngại từ các khách hàng tiềm năng, mở ra triển vọng sớm được đưa vào biên chế cũng như tìm kiếm hợp đồng xuất khẩu.
Tuy vậy, thách thức đang chờ đợi Su-57 cũng rất lớn, bao gồm cả yếu tố chủ quan lẫn khách quan, có thể dẫn tới "chôn vùi" vĩnh viễn chiếc tiêm kích thế hệ 5 hiện đại này.
Tiêm kích tàng hình Su-57 được Nga điều động tới Syria
Điều tiếng về diện tích phản xạ radar vẫn còn cao của Su-57 không phải là nhược điểm quá quan trọng, nó xuất hiện ở Syria chủ yếu để làm nhiệm vụ yểm trợ hỏa lực mặt đất, thông qua đó cung cấp cái nhìn toàn diện về năng lực không đối đất. Vai trò tiêm kích phòng không chỉ là thứ yếu vì phiến quân không có máy bay và nguy cơ chạm trán tiêm kích Mỹ là rất thấp.
Sự băn khoăn đối với Su-57 chủ yếu tập trung vào độ tin cậy của động cơ, hiện tại Nga chưa công bố Su-57 hoạt động tại Syria được lắp động cơ nào nhưng chắc chắn 100% là AL-41F1S vì "Sản phẩm 30" chưa hoàn thiện, Nga không thể mạo hiểm mang sang Syria khi đã từng có sự cố xảy ra với một mẫu thử hôm 11/10/2017 liên quan đến khí tài trên ngay sau khi được ra mắt.
Đối với tiêm kích thế hệ 5, yêu cầu cốt lõi dành cho động cơ là có khả năng che giấu tín hiệu hồng ngoại, nó phải được thiết kế sao cho hai dòng khí nóng - lạnh di chuyển ở tốc độ cao hòa vào nhau một cách đều đặn, tránh sự thay đổi đột ngột khi hai dòng khí trạng thái rất khác nhau va chạm bất thình lình gây sốc nhiệt.
Ngoài ra cách thiết kế trên còn có tác dụng duy trì áp suất không khí tại ống xả, giúp tăng hiệu suất hoạt động của động cơ, khiến máy bay có thể hành trình ở vận tốc siêu âm mà không cần bật chế độ tăng lực.
Động cơ thế hệ mới "Sản phẩm 30" của tiêm kích Su-57 vẫn trong trạng thái thử nghiệm
Với động cơ AL-41F1S, những đặc tính kể trên là không hề có vì đây vẫn là sản phẩm dành cho tiêm kích thế hệ 4, có nghĩa là Su-57 không có khả năng che giấu tín hiệu nhiệt thoát ra từ động cơ, khiến nó dễ trở thành mồi ngon trước các loại tên lửa phòng không vác vai trong tay phiến quân.
Đối với nhiệm vụ yểm trợ hỏa lực mặt đất, để tăng hiệu quả của vũ khí và cũng là động thái quảng cáo tính năng, dự kiến độ cao hoạt động của Su-57 sẽ không quá lớn, khiến nó lọt vào tầm bắn của các loại MANPAD đã từng hạ gục một số chiến đấu cơ Nga như Su-25 hay Mi-35.
Trong đó đáng sợ nhất chính là FN-6, vũ khí do Trung Quốc chế tạo được xếp vào dạng tên lửa vác vai thế hệ 3, trang bị đầu tự dẫn hồng ngoại kỹ thuật số rất hiện đại, phân biệt được nguồn nhiệt, rất khó bị đánh lừa bởi các biện pháp gây nhiễu.
Rõ ràng việc chỉ được lắp đặt động cơ dành cho tiêm kích thế hệ 4 chính là điểm yếu "chí tử" của cặp Su-57 này, khiến nó có thể bị bắn hạ bởi một thứ vũ khí không phải là tối tân, đây là điều mà người Nga cần phải đặc biệt lưu tâm khi triển khai làm nhiệm vụ.
Thông báo của Pravda về việc Không quân Nga triển khai tiêm kích tàng hình Su-57 tới Syria