Điểm mặt các "thủ phạm" gây đau lưng

BS. Nguyễn Thanh Sơn |

Lưng là một cấu trúc phức tạp, cấu thành bởi xương, cơ, khớp và dây thần kinh. Đau lưng là căn bệnh thường gặp, phổ biến ở nhiều người.

Do cột sống thắt lưng là bộ phận nâng đỡ sức nặng của phần trên cơ thể nên rất dễ bị đau bởi các chấn thương mô mềm hay xương sống. Thế nên nếu không chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể gây ra tổn thương cho hệ thống xương khớp , cột sống, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

Nguyên nhân khiến bạn bị đau lưng

Ngoài đau lưng do các bệnh lý thì còn có các nhóm nguyên nhân dưới đây:

Tuổi tác. Tuổi càng cao xu hướng thoái hóa khớp sẽ nhiều dẫn đến việc chèn ép lên rễ thần kinh gây nên những cơn đau lưng. Gặp các chấn thương, tai nạn nếu nhẹ người bệnh có thể cảm nhận ngay những cơn đau lưng ở phần mô mềm.

Khi bị nặng, các đốt sống sẽ bị tổn thương, hình thành các gai xương, chèn lên dây thần kinh khiến bạn đau lưng. Do đặc thù công việc: những người lao động nặng nhọc, bê, vác. Những người làm các việc phải đứng lên ngồi xuống nhiều, ngồi quá lâu cũng là nguyên nhân khiến lưng bị đau. Thừa cân, béo phì gây tăng áp lực lên lưng khiến lưng bị đau hơn

Điểm mặt các thủ phạm gây đau lưng - Ảnh 1.

Đau lưng là căn bệnh thường gặp, phổ biến ở nhiều người.

Sau đây là các "thủ phạm" thường gặp khiến bạn bị đau lưng

Viêm xương khớp

Viêm xương khớp chủ yếu là bị thoái hóa khớp và viêm khớp. Tình trạng này thường xảy ra ở vị trí sụn khớp và đĩa đệm. Khi cột sống thắt lưng bị thoái hóa, người bệnh sẽ đau vùng lưng dưới, cơn đau sẽ tăng mỗi khi vặn mình, cúi người hoặc nhấc đồ vật nặng.

Viêm cột sống dính khớp

Đau lưng dạng viêm do viêm cột sống dính khớp là cơn đau khá phức tạp. Những cơn đau thường diễn ra ở vùng cột sống thắt lưng hoặc có thể xảy ra ở vùng mông. Kèm theo đó là bị cứng cột sống khiến cho người bệnh khó khăn khi hoạt động, đi lại. Đau lưng kéo dài nhiều ngày, thậm chí vài tháng giống như những cơn đau mãn tính.

Cơn đau có thể lan ra khắp vùng cột sống, lan đến cổ, thậm chí cả lồng ngực và bả vai hay đùi, gót chân của người bệnh đều cảm thấy đau đớn. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh sẽ gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng đó là cong cột sống, gù lưng,…

Do bị thoát vị đĩa đệm

Thoát vị đĩa đệm là hiện tượng đĩa đệm bị dịch chuyển ra khỏi vị trí bên trong đốt sống, thường xảy ra sau các sang chấn hoặc trên nền đĩa đệm bị thoái hóa, nứt rách, người bệnh thường xuất hiện chứng đau lưng.

Thoát vị đĩa đệm có thể xảy ra ở bất kỳ đoạn nào của cột sống, nhưng hay gặp nhất là thoát vị đĩa đệm ở vị trí thấp của lưng, trong trường hợp này sẽ gây ra chứng đau thắt lưng. Nhiều khi thoát vị đè vào dây thần kinh làm đau lan xuống chân.

Chấn thương hoặc bong gân

Gãy xương ở cột sống có thể là một trong những nguyên nhân nổi bật của đau lưng. Cơn đau do gãy xương thường khác hẳn với đau lưng mạn tính, nó thường có cảm giác đau buốt. Những bệnh nhân bị gãy xương ở cột sống thường trở thành bệnh nhân đau lưng mạn tính ngay cả sau khi phẫu thuật hoặc điều trị.

Khi bị bong gân hay chấn thương tủy sống người bệnh có thể không cảm thấy đau ngay lập tức. Người bệnh có thể bị đau nhiều sau mang vác nặng, đó có thể do bong gân hoặc giãn dây chằng do chấn thương.

Ngồi lâu bị đau lưng

Thói quen ngồi nhiều trong một thời gian dài của những người làm việc văn phòng sẽ rất có hại cho sức khỏe và chức năng hoạt động cột sống lưng. Những cơn đau lưng khi ngồi lâu đôi khi chỉ là tác động vật lý, xuất hiện và tự biến mất trong thời gian ngắn sau đó cơ lưng lại trở về bình thường. Tuy nhiên khi người bệnh cảm thấy những cơn đau lưng ngày càng tăng dần khi đi lại, vận động và chuyển biến phức tạp, đau lưng đi kèm với buồn nôn, chóng mặt, mệt mỏi, đau âm ỉ khiến mất ngủ… thì có khả năng đây là triệu chứng bệnh lý xương khớp.

Do loãng xương

Đàn ông và phụ nữ tuổi từ 50 trở đi thường cảm thấy đau ở vùng xương chịu gánh nặng của cơ thể thường xuyên như: cột sống, thắt lưng, xương chậu, xương hông, đầu gối, những cơn đau lặp lại nhiều lần sau chấn thương, cơn đau thường âm ỉ và kéo dài lâu. Những cơn đau sẽ tăng lên khi vận động, đi lại, thay đổi tư thế, đứng, ngồi lâu và sẽ thuyên giảm khi nằm nghỉ.

Đau ở cột sống, thắt lưng hoặc hai bên liên sườn, gây ảnh hưởng đến các dây thần kinh liên sườn, dây thần kinh đùi và thần kinh toạ. Nguyên nhân của tình trạng này có thể do loãng xương, cộng với sự lão hóa cơ thể, ít hoạt động ngoài trời, thiếu vitamin D, chức năng dạ dày, ruột, gan, thận và tạo xương suy yếu, xương bị thoái hóa.

Béo phì

Nếu bị béo phì sẽ tạo áp lực rất lớn lên bộ xương là giá đỡ cho cơ thể. Cân nặng quá mức làm giãn cơ bắp, gây đau lưng và các bệnh viêm xương khớp cột sống. Cần chú ý đến sự xấu đi của bệnh viêm xương khớp ở xương hông và phía trên đầu gối. Khi một người béo phì, bất kỳ sự gia tăng trọng lượng nào ở vị trí trung tâm sẽ chuyển xương chậu về phía trước và làm cho cột sống cong quá sâu vào trong.

Đó là một tình trạng gây áp lực bất thường trên cơ lưng. Trong khi đó, cơ thể quá béo sẽ khiến xương cột sống cũng như dây chằng phải làm việc vất vả hơn, chịu sức ép nặng hơn để giữ cân bằng cơ thể, ngoài ra, việc ít vận động cũng khiến phần gân cơ, cột sống bị yếu đi gây ra tình trạng đau lưng.

Điểm mặt các thủ phạm gây đau lưng - Ảnh 2.

Rất khó để xác định chính xác nguyên đau lưng nếu không tiến hành kiểm tra y khoa cụ thể.

Lời khuyên của thầy thuốc

Rất khó để xác định chính xác nguyên đau lưng nếu không tiến hành kiểm tra y khoa cụ thể. Có nhiều nguyên nhân gây đau lưng, người bệnh cần tìm đúng nguyên nhân mới trị dứt căn bệnh này.

Để cải thiện được tình trạng đau lưng bạn cần điều chỉnh và thực hiện như sau:

Xây dựng chế độ ăn uống, sinh hoạt, lao động, học tập khoa học Tăng cường vận động tập luyện thể dục , chơi các môn thể thao phù hợp với sức khỏe, công việc của mình Tránh các chất kích thích, đồ uống có cồn như bia rượu, cà phê, thuốc lá… Thay đổi lối sống, thói quen sinh hoạt cũ, cần xây dựng một thói quen mới nhằm cải thiện sức khỏe được tốt hơn

Để phòng tránh đau lưng, cần năng vận động, tập thể dục thể thao phù hợp. Chế độ ăn phải phong phú đủ chất và các nhóm thực phẩm, giàu canxi và vitamin D, cung cấp dưỡng chất cho bộ xương. Với người làm văn phòng phải ngồi nhiều thì sau mỗi 1 giờ nên đứng dậy vận động khoảng 5-7 phút.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại