Bác sĩ thăm khám cho 1 trẻ mắc sởi có biến chứng viêm phế quản phổi
Theo ông Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, hiện dịch sởi đang bùng phát mạnh ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam dịch sởi đã lan rộng ra 44 tỉnh, thành. So với những năm trước, sởi đang bùng phát mạnh trên diện rộng.
Trẻ 4 tháng tuổi cũng mắc sởi, lây từ mẹ
Hiện đang nằm điều trị tại khoa Nhi, BV Bệnh Nhiệt đới TƯ, bệnh nhi 4 tháng tuổi (Phú Xuyên) mắc sởi biến chứng viêm phế quản được dì chăm sóc thay cho mẹ.
Trước đó, hai mẹ con cùng nằm điều trị tại bệnh viện tuyến dưới, mẹ bé mắc sởi buộc chuyển tuyến về BV Bệnh nhiệt đới điều trị, tuy nhiên, khi người mẹ chuẩn bị xuất viện thì con mới 4 tháng tuổi xuất hiện các dấu hiệu của sởi như ho, sốt và nốt mẩn đỏ. Hiện, trẻ được đưa vào điều trị biến chứng viêm phế quản phổi.
Sát giường bên cạnh là bé Bảo Ngọc (27 tháng tuổi, Hưng Yên) cả người mẩn đỏ, ho và sốt. Bé Ngọc được nhập viện điều trị vì biến chứng viêm phế quản phổi do sởi gây ra. Chị Dương Thị Bang, mẹ bé Ngọc cho biết: "Khi con 9 tháng có đi tiêm vaccine sởi nhưng không được vì bé sốt. Sau đó vì bận bịu nên gia đình cũng quên hẳn việc cho con đi tiêm."
Theo ông Nguyễn Văn Kính, dịch sởi đã lan rộng ra 44 tỉnh, thành, trong đó riêng TP.HCM có hơn 20.000 ca mắc. Còn tại Hà Nội, số ca mắc theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hà Nội, hiện là hơn 150 trường hợp.
Riêng tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, trong cả năm 2018 chỉ ghi nhận 86 trường hơp mắc sởi, nhưng chỉ trong những ngày đầu năm 2019 đã có hơn 200 ca mắc sởi đến khám và điều trị chủ yếu ở các địa phương như Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam Hoà Bình... Số bệnh nhi mắc sởi, chỉ ca nặng mới nhập viện, mỗi ngày 3-5 trường hợp bệnh nhân nhi, trong đó nhiều ca mắc biến chứng viêm phổi.
Nếu cả năm 2018, tại đây điều trị cho gần 90 ca sởi thì chỉ riêng tháng 1/2019, đã tiếp nhận 20 ca sởi nặng đã biến chứng.
Biến chứng khó lường do sởi
Cảnh báo về biến chứng nguy hiểm mà người mắc sởi có thể gặp phải, theo GS. Kính, người lớn cũng bị sởi, đặc biệt với đối tượng là phụ nữ có thai sẽ có ảnh hưởng nghiêm trọng đến thai nhi, dễ sảy thai, hoặc sinh non.
Các biến chứng thường gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt ở trẻ dưới 9 tháng tuổi, thường gặp nhất là viêm phổi, viêm thanh quản khiến đường thở phù nề, khó thở nguy cơ cao gây tắc nghẽn thở…
Quan niệm "kiêng nước, kiêng gió" trong chăm sóc trẻ nhiễm sởi của không ít gia đình cũng có thể gây nên những biến chứng nặmg viêm hàm lợi, thối xương hàm, viêm giác mạc, kết mạc, có thể dẫn đến mù, hay tiêu chảy không kịp thời xử trí sẽ dẫn đến trụy mạch, huyết áp.
Biến chứng nguy hiểm của sởi là viêm não, trẻ lơ mơ, hôn mê, co giật, nếu được phát hiện sớm, cơ hội chữa khỏi cao.
"Thông thường mắc sởi trên nền cơ địa người khỏe mạnh, bệnh sẽ kéo dài, giảm dần mức độ và hết hẳn sau 7 ngày. Tuy nhiên, cần lưu tâm nếu sau 2 -3 ngày có dấu hiệu sốt tăng, đường thở thay đổi như khó thở, đau họng… cần nhanh chóng nhập viện để tránh biến chứng đáng tiếc", ông Kính khuyến cáo.
Ông Kính nhấn mạnh: "Phần lớn các ca mắc sởi của bệnh nhân đều do chưa tiêm phòng hoặc chưa tiêm phòng đủ mũi. Trong khi đó, tiêm vaccine là biện pháp hiệu quả nhất trong phòng bệnh cho cá nhân và cộng đồng".