Dịch COVID-19 tăng trở lại: Chủ động phòng ngừa

NGỌC DUNG thực hiện |

Sau khi Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo tình trạng dịch COVID-19 lây lan trở lại, Bộ Y tế đã yêu cầu các cơ quan chuyên môn theo dõi chặt chẽ biến thể của virus SARS-CoV-2

Phóng viên: Sự gia tăng trở lại của dịch COVID-19 ở nhiều quốc gia trong thời gian gần đây có đáng lo ngại không, thưa ông?

- TS-BS HOÀNG MINH ĐỨC - Phó Cục trưởng phụ trách, quản lý điều hành Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế: Liên quan dịch COVID-19, theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ năm 2023 đến đầu năm 2024 tiếp tục ghi nhận các biến thể mới của virus SARS-CoV-2, trong đó có những biến thể cần theo dõi như XBB.1.5, XBB.1.16, EG.5, BA.2.86, JN.1. 

Ngoài ra, các bệnh dịch nguy hiểm, mới nổi khác cũng được ghi nhận tại nhiều nơi trên thế giới, ví dụ: bệnh Nipah tại Ấn Độ, cúm A/H5N1 tại Campuchia, cúm H1N2 tại Anh, MERS-CoV tại khu vực Trung Đông.

Dịch COVID-19 tăng trở lại: Chủ động phòng ngừa- Ảnh 1.

TS-BS Hoàng Minh Đức - Phó Cục trưởng phụ trách, quản lý điều hành Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế

WHO cũng cho biết số ca nhập viện do COVID-19 trong tháng 12-2023 ở gần 50 quốc gia đã tăng 42% so với tháng 11-2023, tập trung tại châu Âu và châu Mỹ. Tỉ lệ nhập viện vào khu chăm sóc đặc biệt cũng tăng 62%. Đáng chú ý, có 10.000 ca tử vong do COVID-19 trong tháng trước - thấp hơn nhiều so với giai đoạn đỉnh dịch nhưng theo WHO, đây là mức "không thể chấp nhận được".

Do đó, WHO kêu gọi các chính phủ tiếp tục giám sát, đáp ứng tốt nhất có thể việc cung cấp vắc-xin và điều trị y tế cho người dân. Một số quốc gia ở châu Âu cũng tiếp tục khuyến nghị thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 như tiêm chủng, xét nghiệm và đeo khẩu trang.

Biến thể JN.1 của SARS-CoV-2 được cảnh báo vẫn gia tăng nhanh chóng trên phạm vi toàn cầu. Việt Nam đã ghi nhận biến thể này chưa và vắc-xin có tác dụng với các biến thể mới không?

- Virus SARS-CoV-2 liên tục tạo ra các biến thể mới và mới nhất là JN.1. Theo phân loại của WHO, JN.1 là biến thể phụ nhánh BA.2.86 của chủng Omicron, thuộc nhóm biến thể cần quan tâm.

Trên cơ sở thay đổi về đặc tính của virus - bao gồm mức độ lây lan, mức độ nghiêm trọng, hiệu quả của vắc-xin đối với virus - cùng việc chẩn đoán, điều trị và các biện pháp xã hội, WHO phân loại các biến thể của SARS-CoV-2 thành 4 nhóm: biến thể cần quan tâm, biến thể đáng lo ngại, biến thể được theo dõi, biến thể gây hậu quả nghiêm trọng.

Dịch COVID-19 tăng trở lại: Chủ động phòng ngừa- Ảnh 2.

Bộ Y tế đề nghị các cơ sở y tế cập nhật thường xuyên thông tin, chủ động áp dụng biện pháp giám sát, phòng chống bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp ngay tại cửa khẩu. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

JN.1 đang là biến thể được báo cáo nhiều nhất trên thế giới. Tuy nhiên, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, chưa có bằng chứng nào cho thấy JN.1 gây ra nguy cơ ảnh hưởng nặng nề đối với sức khỏe cộng đồng so với các biến thể khác của SARS-CoV-2.

Dẫu vậy, số ca mắc COVID-19 nói riêng và các bệnh đường hô hấp khác nói chung vẫn được dự báo gia tăng trong thời gian tới. Ở những quốc gia đang vào mùa đông, trường hợp phải nhập viện có thể tăng.

Việt Nam hiện chưa ghi nhận các biến thể mới của SARS-CoV-2. Với các biến thể hiện nay, theo WHO, vắc-xin hiện thời vẫn có tác dụng phần nào.

Ông có thể nhận định về tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam?

- Tại Việt Nam, trong 2 tuần đầu năm 2024 đã ghi nhận 419 ca mắc COVID-19, nhập viện rải rác ở 39 tỉnh, thành phố. Số ca mắc tăng gấp 2,4 lần so với 2 tuần trước đó; số ca nhập viện tăng nhẹ nhưng không có trường hợp nặng; hệ thống điều trị hiện vẫn đáp ứng hiệu quả.

Tình hình dịch COVID-19 tại nước ta vẫn được kiểm soát. Việc các quốc gia ghi nhận ca mắc tăng là bình thường vì dịch chưa hết hẳn. Những ca mắc COVID-19 tại các nước chủ yếu ở mức độ nhẹ, nhiễm chủng Omicron, chưa ghi nhận sự bất thường.

Ở nước ta, COVID-19 không còn là bệnh truyền nhiễm nhóm A mà chuyển sang nhóm B - theo Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, được giám sát như các bệnh cúm mùa thông thường khác. Tuy nhiên, nước ta đang trong giai đoạn vào mùa đông - xuân, thời tiết chuyển mùa thay đổi bất thường nên dễ dẫn đến xuất hiện và lây lan các dịch bệnh truyền nhiễm, nhất là bệnh lây truyền qua đường hô hấp.

Để phòng chống bệnh lây truyền qua đường hô hấp, trong đó có COVID-19, chúng tôi vẫn khuyến cáo người dân cần tiếp tục chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh cá nhân như: rửa tay thường xuyên; đeo khẩu trang tại các cơ sở y tế, trên các phương tiện giao thông công cộng và tại địa điểm tập trung đông người... 

Đồng thời, tránh tiếp xúc với người có triệu chứng mắc bệnh đường hô hấp như ho, sốt, khó thở... Khi có dấu hiệu mắc bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

Bộ Y tế đã kích hoạt hệ thống giám sát tại các cửa khẩu. Nguyên nhân vì sao, thưa ông?

- Để chủ động phát hiện, kiểm soát dịch bệnh truyền nhiễm xâm nhập nước ta, vừa qua, Cục Y tế dự phòng có văn bản gửi Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế các tỉnh, thành phố; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành phố có hoạt động kiểm dịch y tế về việc tăng cường kiểm dịch y tế biên giới. Việc này không chỉ nhằm giám sát dịch COVID-19 mà còn để theo dõi nhiều dịch bệnh khác.

Cuối năm là thời điểm nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao. Đây là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh lây lan, có thể làm gia tăng số ca mắc bệnh truyền nhiễm, bệnh lây truyền qua đường hô hấp, nhất là với nhóm có nguy cơ cao như trẻ em, người cao tuổi, người có bệnh lý nền.

Bởi vậy, chúng tôi đề nghị các trung tâm, cơ sở y tế cập nhật thường xuyên thông tin về các bệnh truyền nhiễm trên thế giới có nguy cơ xâm nhập Việt Nam để chủ động áp dụng biện pháp giám sát, phòng chống ngay tại cửa khẩu. Đồng thời, phát hiện sớm, cách ly, xử lý kịp thời trường hợp nghi ngờ, mắc bệnh, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội.

Ngoài ra, chúng tôi cũng đề nghị các địa phương xây dựng kế hoạch giám sát trọng điểm, lồng ghép COVID-19 vào hệ thống giám sát tác nhân gây bệnh đường hô hấp, bao gồm hội chứng cúm, viêm phổi nặng do virus, đặc điểm di truyền của virus SARS-CoV-2, để theo dõi các biến thể của virus.

Trước đó, Bộ Y tế cũng đã ban hành Kế hoạch kiểm soát, quản lý bền vững dịch COVID-19 giai đoạn 2023 - 2025. Kế hoạch nêu rõ phương án sẵn sàng bảo đảm công tác y tế trong tình huống dịch COVID-19 có biến chủng mới nguy hiểm hơn. 

Dự trữ hơn 400.000 liều vắc-xin COVID-19

PGS-TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, cho biết kho của viện đang bảo quản hơn 432.000 liều vắc-xin COVID-19 Pfizer, hạn sử dụng đến cuối tháng 9-2024. Đây là số vắc-xin COVID-19 dự trữ cho những vùng có ổ dịch hoặc có nguy cơ cao.

Bà Dương Thị Hồng cũng cho biết theo khuyến cáo chuyên môn, những người thuộc nhóm nguy cơ cao như cán bộ y tế, người có bệnh nền, người mắc bệnh mạn tính... nên tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 mũi 4. Hiện có gần 50.000 người đăng ký tiêm vắc-xin COVID-19. Bộ Y tế đã đề nghị các địa phương rà soát, báo cáo nhu cầu vắc-xin trong năm 2024 để có kế hoạch cung ứng, cập nhật hướng dẫn tiêm chủng cho các nhóm đối tượng theo khuyến cáo của WHO.

Đến nay, nước ta đã tiêm hơn 266,5 triệu liều vắc-xin COVID-19. Việt Nam là một trong những quốc gia có tỉ lệ bao phủ vắc-xin COVID-19 cao nhất thế giới với tỉ lệ tiêm đủ mũi cơ bản cho người từ 12 tuổi trở lên đạt xấp xỉ 100%, tỉ lệ tiêm mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên có nguy cơ cao đạt 89,6%.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại