Từ đầu tháng 1/2024 đến nay, các bệnh viện tại TP Hồ Chí Minh như Chợ Rẫy, Nhân Dân 115, Da liễu TP Hồ Chí Minh… liên tục tiếp nhận các trường hợp bị tai biến vì làm đẹp đón Tết. Đáng lưu ý, có những trường hợp bị mù mắt, phải thở máy, thậm chí nặng đến mức tiên lượng xấu, không còn khả năng điều trị.
Cấp cứu vì tai biến sau làm đẹp
Sau khi được tiêm filler mũi, môi, cằm tại cơ sở thẩm mỹ ở Đồng Nai, chị N. H. T (17 tuổi, ở Đồng Nai) bất ngờ đau đầu, chóng mặt và nôn nói, được người nhà đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy.
Theo lời kể của chị T, qua mạng xã hội, chị có liên hệ nhân viên Spa Yuri Beauty Center (xã Phú Xuân, huyện Tân Phú, Đồng Nai) để làm thủ thuật tiêm chất làm đầy môi, cằm. Sau đó, chị được nhân viên ở đây tư vấn tiêm thêm mũi với lời hứa hẹn “an toàn”. Tuy nhiên, khi tiêm vào vùng mũi, chị T. xuất hiện các triệu chứng buồn nôn, chóng mặt, sau đó mắt trái bất ngờ không còn nhìn thấy đường.
Nhận được tin báo, người nhà đến cơ sở thẩm mỹ, lúc này chị T. đã không còn tỉnh táo và một bên mắt không hoạt động. Người nhà đã đưa chị T. đến cơ sở y tế địa phương và sau đó chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy.
Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, chị T. được chẩn đoán mất thị lực mắt trái sau tiêm filler và được chuyển lên khoa Mắt, tiếp tục theo dõi để điều trị. Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Xuân Thảo, khoa Mắt bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, trải qua thời gian điều trị, đến nay, sức khỏe bệnh nhân đã cải thiện, giảm triệu chứng đau đầu, tình trạng sụp mi cũng giảm, giác mạc bớt phù, cảm thấy dễ chịu hơn, mặc dù thị lực vẫn âm tính.
Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Xuân Thảo, thời gian gần đây, khoa Mắt bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận nhiều trường hợp biến chứng sau tiêm filler và bệnh nhân T. 17 tuổi chỉ là một trong số những trường hợp bị biến chứng sau khi tiêm filler ở các cơ sở không chính thống, để lại tai biến, cũng như biến chứng rất nặng nề.
Trước đó, Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận cấp cứu một nữ bệnh nhân 26 tuổi trong tình trạng hôn mê sâu, xuất huyết não sau khi thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ hạ gò má, gọt góc hàm, nhổ răng và đặt túi ngực. Một trường hợp khác là nữ Việt kiều phải nhập viện cấp cứu sau tiêm chất tan mỡ vào hai bên bắp chân, đùi, cánh tay, bụng, lưng tại một cơ sở spa ở TP Hồ Chí Minh.
Còn tại Bệnh viện Nhân Dân 115 cũng vừa tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân nữ 40 tuổi (ngụ thành phố Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) trong tình trạng suy hô hấp nặng sau khi làm đẹp da tại thẩm mỹ viện Cao Kim (69A, đường 3 tháng 2, Phường 11, Quận 10).
Bác sĩ Lê Anh Tuấn, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Nhân dân 115 cho biết, bệnh nhân L.H.T.N bị suy đa cơ quan, suy hô hấp, được hỗ trợ thở máy, theo dõi sinh hiệu, bù dịch, lọc máu mỗi ngày. Ngày 19/1, bệnh nhân L.H.T.N đã được rút nội khí quản, ngưng lọc máu và vận mạch, mọi dấu hiệu sinh tồn tiến triển tốt.
Tương tự, Bệnh viện Da Liễu TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, trong những tháng cuối năm, hầu như ngày nào bệnh viện cũng tiếp nhận, xử lý và điều trị các ca tai biến thẩm mỹ da từ các cơ sở khác đến bệnh viện. Hầu hết, các ca tai biến liên quan đến các thủ thuật tiêm chích vi điểm, chất làm đầy tiêm botox.
Cần tỉnh táo với những quảng cáo làm đẹp cấp tốc
Nắm bắt được mong muốn của chị em luôn muốn làm đẹp nhanh, không đau và không phẫu thuật, nhất là chỉ còn chưa tới 1 tháng nữa là tới Tết, các thẩm mỹ không phép đã quảng cáo nhiều dịch vụ làm đẹp cấp tốc như tiêm tan mỡ, nâng mũi chỉ, tiêm môi baby, tiêm má baby…Tuy nhiên, theo các bác sĩ, đây thực chất là những phương pháp thẩm mỹ không chính thống trong y khoa.
“Phương pháp làm đẹp nào cũng có một tỉ lệ nguy cơ trong đó. Làm đẹp nhanh cũng có nhiều phương pháp, nhưng quan trọng là cần chọn đúng phương pháp. Ví dụ tiêm tan mỡ, tiêm filler, bệnh viện của chúng tôi tiếp nhận rất nhiều ca biến chứng, trong khi đó bệnh nhân không biết thứ tiêm vào mình là gì. Về làm phẫu thuật, nếu muốn đẹp trong 1 - 2 tuần, thì nên làm những phẫu thuật nhỏ, không can thiệp cấu trúc quá nhiều. Chị em nên trao đổi với bác sĩ để được tư vấn, lựa chọn phương pháp phù hợp với nhu cầu”, bác sĩ Nguyễn Phan Tú Dung, Giám đốc Bệnh viện Thẩm mỹ JW chia sẻ.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Phan Thuý, Phó Giám đốc Bệnh viện da liễu TP Hồ Chí Minh cho biết, số ca tai biến thẩm mỹ tăng dần mỗi năm. Riêng trong năm 2023, bệnh viện tiếp nhận 608 trường hợp bị tai biến sau thẩm mỹ. Trong đó, có 69% tai biến liên quan đến tiêm chích, 16% liên liên quan phương pháp sử dụng laser, ánh sáng và các thiết bị phát năng lượng để làm đẹp, 10% do thủ thuật tái tạo da mặt, hóa chất...
“Thống kê cho thấy, có gần 78% trường hợp người thực hiện gây ra tai biến không phải là bác sĩ, hơn 15 % bệnh nhân không nhận định được người thực hiện thủ thuật cho mình là bác sĩ hay không. Ngoài ra, các ca tai biến còn do sản phẩm tiêm chích không rõ nguồn gốc hoặc chưa qua kiểm định, thực hiện ở các cơ sở thẩm mỹ “chui”…”, bác sĩ Phan Thuý thông tin thêm.
Còn theo bác sĩ Nguyễn Phan Tú Dung, làm đẹp là nhu cầu chính đáng nhưng chị em không nên lạm dụng quá mức, có thể sẽ dẫn đến nhiều hệ luỵ không lường như gương mặt trở nên cứng đơ không cảm xúc, thậm chí nhiều biến chứng âm thầm xuất hiện. Theo đó, chỉ nên thay đổi những khuyết điểm thật sự gây mất thẩm mỹ, giữ lại nét đẹp vốn có của mọi người. Thực tế, một người ở độ tuổi 30, 40 tuổi thì không thể nào quay trở lại thành cô gái 18 tuổi.
Các bác sĩ cũng khuyến cáo, nhu cầu làm đẹp cuối năm của chị em là rất chính đáng. Tuy nhiên, trước sự nhiễu loạn của các quảng cáo thẩm mỹ, người dân nên tỉnh táo lựa chọn các cơ sở có uy tín để làm đẹp. Ngoài ra, người dân cũng phải hiểu biết về các phương pháp mình làm đẹp, đặc biệt cẩn thận khi đưa bất cứ sản phẩm nào vào cơ thể mình, cân nhắc phương pháp làm đẹp sao cho ít rủi ro nhất.