Dịch Covid-19 tại Việt Nam sẽ diễn biến ra sao? GS.TS Phan Trọng Lân đưa ra 2 kịch bản

Ngọc Minh |

Tân lãnh đạo Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã đưa ra hai kịch bản phòng chống dịch Covid-19 trong thời gian tới.

GS Phan Trọng Lân, ảnh Ngọc Minh.

GS Phan Trọng Lân, ảnh Ngọc Minh.

GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, đã đưa ra 2 kịch bản phòng chống dịch Covid-19 có thể triển khai thời gian tới ở nước ta. Ông Lân cho hay, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đã đưa ra các kịch bản diễn biến dịch Covid-19 có thể xảy ra trong thời gian tới.

Kịch bản đầu tiên, biến chủng Omicron đang xuất hiện phổ biến trong cộng đồng và sẽ dần giảm bớt độc lực. Bên cạnh đó, với miễn dịch có sẵn từ việc tiêm vắc xin Covid-19 và đã mắc bệnh sẽ làm cho số trường hợp mắc Covid19 diễn biến nặng và tử vong sẽ giảm.

 "Với kịch bản này, chúng ta chuyển sang trạng thái bình thường mới, tức đưa Covid-19 trở thành bệnh lưu hành. Khi đó, các hoạt động xã hội có thể trở về bình thường", GS Lân phân tích.

Dịch Covid-19 tại Việt Nam sẽ diễn biến ra sao? GS.TS Phan Trọng Lân đưa ra 2 kịch bản - Ảnh 1.

GS Phan Trọng Lân chia sẻ tại buổi hợp báo, ảnh Ngọc Minh.

Theo GS Lân, Covid-19 vẫn là bệnh cần phải lưu tâm trong thời gian tới. Do vậy mỗi cá nhân trong xã hội đều cần nắm vững các nguy cơ của mình và thực hiện tốt biện pháp phòng, chống dịch.

"Lúc này, cuộc sống sẽ trở lại bình thường. Chúng ta cần chủ yếu tập trung vào những đối tượng nguy cơ cao như người cao tuổi, mắc bệnh nền", GS Lân nói.

Với kịch bản thứ 2, Giáo sư Lân cho rằng sự hiểu biết của chúng ta với SARS-CoV-2 đến nay vẫn chưa được toàn diện. Trong bối cảnh giao lưu đi lại nhiều, việc liên tục xuất hiện các biến thể mới vẫn có khả năng xảy ra.

"Các biến thể này có thể hình thành do sự tương tác giữa các biến thể đã xuất hiện hoặc biến thể khác mới hơn. Biến thể SARS-CoV-2 mới khi xuất hiện sẽ làm giảm hiệu lực bảo vệ của vắc xin, gây lây lan nhanh hơn và tăng nguy cơ diễn biến nặng", GS Lân đưa ra phân tích.

Khi rơi vào kịch bản này, Việt Nam sẽ triển khai lại các biện pháp phòng dịch cấp bách như từng làm.

"Dù thời điểm này, chúng ta đã có các vũ khí như vắc xin, thuốc điều trị, kinh nghiệm và những biện pháp phòng dịch. Tuy nhiên, ngành y tế vẫn phải thường xuyên cập nhật, kể cả về thuốc điều trị hay công nghệ vắc xin", Giáo sư Lân cho hay.

Việt Nam sẽ song song xây dựng hai kịch bản: Thứ nhất, khi Covid-19 trở thành bệnh lưu hành; Thứ hai, sẵn sàng các biện pháp dự phòng, tránh bị động khi xuất hiện các tình huống, biến chủng mới sẽ kích hoạt động thái ứng phó.

Về vấn đề tiêm vắc xin, ông Lân cho biết thêm, Việt Nam đã độ bao phủ vắc xin cao, cùng với số người có miễn dịch tự nhiên đã mắc sẽ giúp cho người nguy cơ bớt lây nhiễm. Bên cạnh đó, việc tiêm chủng nhiều sẽ giảm được nguy cơ bệnh nặng giảm quá tải bệnh viện.

"Dịch đã được kiểm soát nhưng vẫn có những thử thách vẫn có thể xảy ra 2 kịch bản như tôi đã phân tích ở trên. Và một điều tôi cần lưu ý nữa là dù đã mắc Covid-19 và tiêm chủng thì miễn dịch sẽ giảm theo thời gian là một thách thức phủ rộng vắc xin", GS Lân nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại