Khám sàng lọc Covid-19, ảnh minh hoạ.
Thời gian gầy đây trên mạng xã hội chia sẻ thông tin và hình ảnh về một số trường hợp F0 đã khỏi bệnh đi khám sức khỏe vô tình thấy phổi tổn thương.
Nhiều người còn cho rằng dù F0 đã khỏi bệnh nhưng virus vẫn nằm sâu trong phổi khi hệ miễn dịch yếu virus sẽ mạnh lên gây ra tổn thương phổi. Điều này lý giải cho việc nhiều người vô tình khi khám sức khỏe chụp phổi đã thấy trắng xoá.
PGS.TS Hoàng Bùi Hải, Phó Giám đốc Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 Hoàng Mai, Trưởng khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) cho biết, câu chuyện F0 đã khỏi vô tình đi khám sức khỏe thấy phổi có tổn thương có thể xảy ra ở đầu mùa dịch năm 2020: nhiễm biến thể Delta, chưa được tiêm vắc xin và y tế quá tải, bệnh nhân điều trị bằng phác đồ chắp vá không bài bản. Một số bệnh nhân có triệu chứng nặng cố gắng vượt qua, thậm chí thở oxy tại nhà.
Những trường hợp này không thể nói là vô tình phát hiện tổn thương phổi mà bệnh nhân cảm thấy đỡ triệu chứng nhưng khi làm việc gắng sức vẫn mệt mỏi, khó thở đi khám chụp thấy tổn thương phổi.
"Tôi khẳng định ở giai đoạn này khi chúng ta đã có tỷ lệ bao phủ vắc xin, nhiễm biến chủng Omicron (triệu chứng nhẹ hơn) mà vô tình đi khám có tổn thương phổi là không có. Thực tế, chúng tôi đã tiếp rất hàng chục ca bệnh tới bệnh viện "đòi" bác sĩ khám hậu Covid, có cả các trường hợp khó thở, giảm cơ năng, nhưng chụp phổi không có tổn thương.
Tôi cho rằng câu chuyện có tổn thương phổi khi đi khám sức khỏe là khá hy hữu và bệnh nhân đó đã có tổn thương phổi có sẵn. Do vậy, mọi người không nên quá lo lắng về hậu Covid, hãy kiên nhẫn chờ đợi các triệu chứng sẽ hết sau 2-4 tuần khỏi Covid-19", bác sĩ Hải nói.
PGS.TS Hoàng Bùi Hải, Phó Giám đốc Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 Hoàng Mai, giải đáp câu hỏi trong livestream 'Hậu COVID không đáng sợ'.