Sau hai lần giác hơi bị loét da
Bệnh nhân Nguyễn Thị Th (sinh năm 1967, Hà Nội) tới Bệnh viện Đa khoa Đức Giang khám trong tình trạng vùng lưng bị nhiễm trùng, có dịch mùi hôi lẫn máu, mủ, bị hoại tử da, viêm tấy lan tỏa vùng lưng.
Theo bệnh nhân Th, bệnh nhân có tiền sử đái tháo đường tuýp 2 và tăng huyết áp đang điều trị. Thời gian gần đây, bà Th bị đau mỏi vai gáy nghe theo lời mách của người thân bà đã đi giác hơi.
Sau 2 lần đi giác hơi bà Th bị phồng rộp và loét dần. Tuy nhiên, bà Th không đi khám mà đã tự mua thuốc kháng sinh về uống một tuần nhưng không khỏi nên đến viện khám.
Tại phòng khám Thẩm mỹ bệnh nhân Th đã được các bác sĩ thăm khám và có chỉ định nhập viện phẫu thuật cắt lọc da căng cơ.
Bệnh nhân giác hơi bị bỏng, hoại tử thịt, ảnh BVCC.
Bác sĩ Đồng Thanh Thiện, khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết: "Với trường hợp này chúng tôi phải cắt lọc da vùng tổ chức hoại tử, mủn nát, tháo hút sạch dịch mủ kết hợp điều trị kháng sinh chống viêm, thay băng hàng ngày".
Bệnh nhân cần hạn chế đi lại tránh nhiễm trùng, phối hợp điều trị cùng bác sĩ. Nên ăn theo chế độ dinh dưỡng tại bệnh viện, kiêng đồ nếp, thịt gà tránh sưng tấy.
Bác sĩ Đồng Thanh Thiện khuyến cáo, người dân có bệnh lý tiểu đường không nên sử dụng biện pháp giác hơi để chữa bệnh sẽ rất nguy hiểm. Trong sinh hoạt người dân bị bỏng do đi giác hơi cần phải đến các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám chữa kịp thời.
Việc tự ý điều trị sẽ gây ra hậu quả nhiễm trùng rộng, sâu hơn, chảy nhiều mủ làm hoại tử tổ chức da cân cơ, có thể gây viêm nhiễm tới những tổ chức sâu hơn (màng xương, xương) gây hoại tử xương thậm chí phải cắt 1 phần xương. Để quá lâu không được điều trị triệt để có thể gây nhiễm khuẩn huyết.
Theo các chuyên gia một số đối tượng sau không nên giác hơi:
- Người bị đái tháo đường không nên đi giác hơi vì khi tổn thương thường rất khó lành, nguy cơ nhiễm trùng cao.
- Người mắc bệnh thận, bệnh phổi, có hiện tượng thiếu máu, xuất huyết dưới da, phù thũng toàn thân, thiếu tiểu cầu.
- Người mắc bệnh tâm thần, suy nhược thần kinh, thường xuyên bị chuột rút, co quắp cơ.
- Những người có thể trạng yếu, gầy, cơ da đàn hồi kém cần tránh xa giác hơi.
- Người trong tình trạng vừa ăn quá no, quá đói hoặc đang say rượu bia cũng không được dùng phương pháp giác hơi.
- Những bệnh nhân bị chứng đau thắt vùng thắt lưng, vùng bụng dưới cần tuyệt đối không dùng phương pháp giác hơi.
- Phụ nữ có thai, đang thời kỳ kinh nguyệt, cho con bú cũng tuyệt đối tránh xa phương pháp giác hơi.
- Người đang sốt phát ban, mê sảng, co giật toàn thân tuyệt đối không dùng phương pháp này mà cần đem đến cơ sở y tế gần nhất để cáp cứu…